Thứ 6, 19/04/2024 08:04:03 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 15:15, 09/04/2019 GMT+7

Sau 7 tháng thực hiện Đề án 999 Tân Lợi nâng cao chất lượng giáo dục

Thứ 3, 09/04/2019 | 15:15:00 1,358 lượt xem
BP - Tháng 9-2018, huyện Đồng Phú thực hiện hợp nhất Trường tiểu học Tân Lợi với Trường THCS Tân Lợi thành Trường tiểu học và THCS Tân Lợi. Sau hơn 7 tháng, bước đầu hoạt động của trường đã mang lại nhiều tín hiệu tích cực, chất lượng giáo dục được nâng cao, bộ máy quản lý tinh gọn, tiết kiệm kinh phí, giảm gánh nặng cho ngân sách.

PHÁT HUY TỐI ĐA NGUỒN LỰC

Thầy Nguyễn Hoàn, Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS Tân Lợi cho biết: “Trước khi sáp nhập, mỗi trường có 1 hiệu trưởng, 1 hiệu phó và cả 2 đơn vị đều có nhân viên kế toán, văn thư, y tế học đường, thiết bị, bảo vệ. Sau khi sáp nhập, bộ máy quản lý của trường còn 1 hiệu trưởng phụ trách chung, 1 hiệu phó phụ trách chuyên môn tiểu học (tinh giản 1 hiệu trưởng, 1 hiệu phó và 7 cán bộ, nhân viên, gồm kế toán, y tế học đường, thiết bị - thư viện, cán bộ phụ trách trung tâm học tập cộng đồng, nhân viên bảo vệ). Việc sáp nhập còn phát huy năng lực của giáo viên các môn như: Nhạc, Mỹ thuật, ngoại ngữ, Tin học, Thể dục. Vì đây là những môn giáo viên THCS được đào tạo bài bản và có thể dạy được cả khối tiểu học. Trong khi khối tiểu học, trường không có giáo viên dạy Tin học, ngoại ngữ, Mỹ thuật”.

Học sinh Trường tiểu học và THCS Tân Lợi trong tiết học Mỹ thuật

Là giáo viên môn Mỹ thuật, những năm trước cô Nguyễn Thị Hồng Vinh chỉ dạy từ lớp 6 đến lớp 9. Năm học này, do trường sáp nhập 2 cấp nên cô Vinh được phân công phụ trách từ lớp 1 đến lớp 9. Cô Vinh cho biết: “Lần đầu được phân công dạy các lớp khối tiểu học, tôi cũng hơi lo vì 2 cấp học có kiến thức, phương pháp dạy, tâm lý lứa tuổi học sinh khác nhau. Nhưng qua một vài buổi đứng lớp, tôi thấy học sinh tiểu học dù mức độ tiếp thu bài tuy chậm so với khối THCS nhưng các em ngoan và chăm chú học bài. Tôi sẽ sắp xếp thời gian tham gia các buổi dự giờ, lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm tiểu học để nâng cao chất lượng giảng dạy”.

“Điều đáng mừng là sau khi sáp nhập, một số phòng chức năng, bộ môn của trường được tăng cường trang thiết bị, đáp ứng tốt hơn hoạt động dạy và học. Hiện trường có 21 phòng học kiên cố, 12 phòng chức năng. Các phòng chức năng được đầu tư đầy đủ trang thiết bị phù hợp với từng môn học như: 2 phòng tin học được đầu tư 55 bộ máy vi tính, 2 phòng Anh văn có đầy đủ thiết bị nghe, nhìn hiện đại. Các phòng thực hành, mỹ thuật, nhạc, thư viện...được đầu tư đầy đủ trang thiết bị cần thiết, đáp ứng nhu cầu dạy và học của cả giáo viên và học sinh” - Hiệu trưởng Nguyễn Hoàn chia sẻ.

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC 

Với đặc thù của 2 trường sát nhau, nên khi sáp nhập các hoạt động ngoại khóa, chào cờ, dạy và học của khối tiểu học, khối THCS diễn ra bình thường, không ảnh hưởng nhiều đến nhau. Sau khi sáp nhập, trường liên cấp có nhiều thuận lợi về chất lượng giáo viên, nhất là các môn chuyên biệt như Âm nhạc, Thể dục, Mỹ thuật, tiếng Anh... nên đã có điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục.

Hiện trường có 53 cán bộ, giáo viên, trong đó 100% giáo viên đạt chuẩn, 65% giáo viên trên chuẩn. Năm học 2018-2019, trường có 604 học sinh, trong đó khối THCS 200 em, tiểu học 404 em. Kết quả học kỳ I vừa qua, khối THCS có 18 em đạt học lực giỏi, 90 em loại khá, 75 em trung bình, 17 em loại yếu. So với cùng kỳ năm học trước, số học sinh học lực yếu giảm 13 em. Đối với khối tiểu học, bên cạnh chú trọng chất lượng giáo dục như yêu cầu giáo viên chủ động soạn bài phù hợp và tự chịu trách nhiệm về kết quả học tập của học sinh; triển khai phương pháp giảng dạy “bàn tay nặn bột” giúp học sinh hứng thú, tiếp thu bài nhanh, phát triển kỹ năng thực hành và quan sát..., trường còn chú trọng các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm sáng tạo. Đặc biệt yêu cầu giáo viên khi soạn bài phải lồng ghép nội dung giáo dục kỹ năng sống trong các tiết dạy, tạo môi trường thân thiện để thu hút các em đến trường học tập đầy đủ. Nhờ đó, dù là trường vùng xa, học sinh đồng bào dân tộc thiểu số đông nhưng nhiều năm liền trường không có học sinh bỏ học.

Việc sáp nhập trường đã góp phần tinh gọn bộ máy, giảm biên chế, đầu mối quản lý, khắc phục được tình trạng thừa, thiếu giáo viên, giảm gánh nặng ngân sách, làm tăng hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị, tránh đầu tư dàn trải trong tu sửa cơ sở vật chất. “Hiện trường vẫn còn 2 điểm lẻ ở ấp Thạch Màng và khu 61 hộ cách điểm chính lần lượt 9km và 17km nên khó khăn cho giáo viên dạy các môn chuyên biệt theo tiết tại điểm lẻ phải di chuyển xa. Hoạt động dạy học ở 2 cấp có đặc thù khác nhau; độ tuổi, tâm lý học sinh, cơ chế hoạt động và thời gian học khác nhau nên đôi lúc không tránh khỏi sự chồng chéo về chuyên môn và khó thống nhất các hoạt động chung cho toàn trường” - Hiệu trưởng Nguyễn Hoàn cho biết thêm.

Xuân Túc

  • Từ khóa
1515

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu