Thứ 6, 26/04/2024 02:50:49 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 14:10, 16/12/2018 GMT+7

Sâu, bệnh hại cây điều diễn biến phức tạp

Chủ nhật, 16/12/2018 | 14:10:00 111 lượt xem
BP - Thời điểm này, phần lớn diện tích cây điều ở Bình Phước đã bắt đầu ra hoa chuẩn bị một vụ thu hoạch mới. Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của thời tiết và sâu, bệnh trong thời gian qua đã làm không ít hộ trồng điều trong tỉnh lo lắng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích cây điều trong tỉnh hiện nay là 134.204 ha (chưa tính số diện tích trong đất lâm phần). Năm 2018, ngoài thời tiết bất lợi như nắng nóng kéo dài, mưa trái mùa..., một số diện tích điều ở Bình Phước đã bị các loại sâu, bệnh như thán thư, bọ xít muỗi và sâu đục thân phá hoại ảnh hưởng năng suất, chất lượng hạt. Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, cả nước có 15 tỉnh trồng điều với tổng diện tích 300.301 ha thì Bình Phước chiếm vị trí số 1. Tuy nhiên, Bình Phước cũng xếp đầu cả nước về diện tích điều bị sâu, bệnh phá hoại với trên 71.427 ha, tăng gần 34.200 ha so với năm 2017. Trong đó, diện tích cây điều trong tỉnh bị nhiễm bệnh thán thư 35.636,5 ha; bọ xít muỗi gây hại 34.991,4 ha, còn lại 800 ha bị sâu đục thân tấn công.

Kỹ sư ở Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, để giảm thiểu tác hại và phòng ngừa sâu, bệnh thì người trồng điều phải nắm bắt được quá trình hình thành và phát triển của các loại sâu, bệnh hại để điều trị hợp lý, dứt điểm. Nếu xử lý, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo cảm tính, không đúng quy trình và chủng loại thì không những không tiêu diệt được mà còn làm cho sâu, bệnh bị lờn thuốc. Ví như bệnh thán thư do nấm colletotrichumgloeosprioiders gây ra. Chúng phát sinh trong môi trường thiếu ánh sáng, có độ ẩm cao, mưa kéo dài và phát tán nhanh trong gió, nước. Bệnh thán thư xuất hiện và gây hại khi cây điều vừa ra lá non, hoặc lúc đang đậu trái làm giảm năng suất, chất lượng hạt. Để hạn chế mầm bệnh, người trồng điều phải vệ sinh vườn sau thu hoạch như cắt tỉa cành già, yếu và phát quang cỏ dại, tạo môi trường thông thoáng có đủ ánh nắng cho cây. Khi phát hiện bệnh phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng danh mục, đúng quy trình, khuyến khích người trồng sử dụng các chế phẩm sinh học. Đồng thời, thay đổi biện pháp canh tác như hạn chế bón phân hóa học, tiêu hủy cành, lá bị bệnh và thăm vườn thường xuyên để phát hiện, trị bệnh kịp thời...

Đối với bọ xít muỗi hay sâu đục thân hại vườn điều, người trồng cũng phải nắm bắt đặc tính, sự phát triển của chúng để sử dụng các phương pháp bảo vệ thực vật hợp lý, đúng liều lượng. Riêng sâu đục thân, người dân có thể quét vôi ở gốc cây điều vào đầu mùa mưa để hạn chế sự sinh sản và làm tổ của sâu. Các kỹ sư nông nghiệp còn khuyến cáo, người dân không nên lạm dụng phân bón hóa học hay thuốc trừ sâu tràn lan, mà nên dùng đúng chủng loại, đúng liều lượng và tăng cường chế phẩm sinh học... trong phòng, trừ các loại sâu hại.

T.Phong

  • Từ khóa
61591

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu