Thứ 6, 29/03/2024 20:15:45 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 13:03, 21/09/2016 GMT+7

“Sâu mọt” thời Lý

N.D
Thứ 4, 21/09/2016 | 13:03:00 259 lượt xem

BP - Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, tháng 9 năm 1138, vua Lý Thần Tông bị bệnh sắp mất. Trước đó, tháng 5 năm 1132, hoàng tử Lý Thiên Lộc được sinh ra, dù là con của một người thiếp nhưng do các bà hoàng hậu khác chưa sinh con trai nên Thiên Lộc được chọn làm người kế vị. Nhưng đến tháng 4-1136, hoàng là tử trưởng Lý Thiên Tộ được Lê Hoàng hậu sinh ra. Khi Thần Tông bệnh nặng, ba bà vợ của vua là “Cảm Thánh, Nhật Phụng và Phụng Thánh muốn đổi lập thái tử khác, mới sai người đem của đút cho Tham tri chính sự Từ Văn Thông, nói rằng nếu có vâng mệnh thảo di chiếu thì chớ bỏ lời của ba phu nhân. Văn Thông nhận lời”.

Lúc này, vua Thần Tông biết mình ốm nặng khó qua khỏi nên sai Từ Văn Thông soạn di chiếu để chọn người kế vị, nhưng Từ Văn Thông đã nhận của đút nên cầm bút mà lưỡng lự không viết. Ba vị phu nhân kia thừa dịp đến bên long sàng của vua mà khóc lóc cùng cái lẽ rằng xưa nay, lập người kế vị ngai vàng phải lấy con trai trưởng chứ không thể lấy con thứ... Vua mủi lòng liền xuống chiếu rằng “Thiên Tộ tuy còn nhỏ nhưng là con đích. Hãy để Thiên Tộ nối ngôi của trẫm”. Vậy là tham nhũng đã dự phần cho cuộc thay đổi ngôi vua thứ sáu của nhà Lý.

Thời vua Lý Anh Tông (1138-1175), khi vua còn nhỏ, Đỗ Anh Vũ là em của Đỗ Thái hậu cậy thế lực của chị nên lên giữ chức cao, trở thành kẻ quyền thần lũng đoạn triều chính, uy quyền che lấp cả vua. Hắn và Lê Thái hậu lại lá gió cành trăng với nhau làm việc mèo mả gà đồng. Năm Canh Ngọ (1150), Điện tiền đô Chỉ huy sứ Vũ Đái, Hỏa đầu đô Quảng Vũ là Lương Thượng Cá, phò mã lang Dương Tự Minh... để cứu nguy cho chế độ mình phụng sự, bèn cùng hợp lực bắt giam Đỗ Anh Vũ để xử tội. Lê Thái hậu thương xót người tình, bèn giấu vàng trong cơm đút lót cho Vũ Đái, nhờ đó Anh Vũ giữ được mạng. Sau này hầu hết những quan lại bắt hắn đều bị hắn ra tay trả thù, kẻ chết, người bị đi đày.

Đỉnh điểm cho nguy cơ nạn sâu dân, mọt nước làm suy vong nhà Lý chính là thời vua Lý Cao Tông. Khi vua Anh Tông băng hà năm 1175, Long Trát lên ngôi vua, có sự giúp sức của Thái úy Tô Hiến Thành lúc này quyền bính lớn nhất triều. Trong sách “Việt sử lược” cho biết, Chiêu Linh Hoàng Thái hậu đã đút lót cả mâm bạc cho vợ lẽ của Tô Hiến Thành là bà Lã Thị hòng mong cho Lý Long Xưởng được lên làm vua. Nhưng việc ấy không thành, bởi tính thanh liêm và sự cương nghị của quan họ Tô, thể hiện ngay ở lời nói của ông với vợ mình, được Lịch triều hiến chương loại chí ghi là: Ta là bậc đại thần, chịu mệnh vua ký thác giúp ấu chúa; nay nhận hối lộ mà bỏ người nọ dựng người kia, còn mặt mũi nào trông thấy tiên đế ở dưới suối vàng?

Biết mưu của mình không thành, Thái hậu lại vời ông đến trực tiếp lấy danh lợi mà dụ dỗ, mua chuộc. Lấy cái lẽ là: Ông đối với nước đáng gọi là trung đấy. Song tuổi ông cũng đã về chiều, mà lại thờ vua non tuổi, những việc ông làm thì ai biết cho? Chi bằng lập trưởng quân, thì người đó sẽ mang ơn ông, mà cho ông giàu sang lâu dài, há có phải hay không? Những lời mật ngọt mà trái đạo nào dễ lọt tai, ông cũng khẳng khái nói: Bất nghĩa mà được giàu sang, đó không phải là điều người trung thần nghĩa sĩ vui làm. Huống hồ di chúc của tiên vương, lời nói còn văng vẳng bên tai thì đối với công nghị sẽ làm sao? Thần không dám phụng chiếu.

Nhờ có sự cứng cỏi của ông mà mối nguy việc hối lộ, tham nhũng thay quyền, đoạt vị chưa làm suy yếu nhà Lý. Ngai vàng suýt một phen đổi chủ. Tuy nhiên, khi quan họ Tô mất, vua Cao Tông thiếu người đỡ đần và rồi... Trong sách “Đại Việt sử ký toàn thư” có nhận định rằng, nhà Lý suy vong từ thời điểm Lý Cao Tông. Bởi khi ấy “vua thì chỉ chăm về tiền của, ngày ngày cùng bọn cung nữ rong chơi, quần thần đều công nhiên hối lộ” nên nạn tham nhũng theo đó mà hoành hành, làm cho nhà Lý ngày một đi xuống.

Lời bàn:

Từ lịch sử của nhân loại cho thấy, tham nhũng là hiện tượng phổ biến mang tính toàn cầu, vì nó có ở khắp mọi nơi, mọi quốc gia, dân tộc và cả nhân loại. Do đó, ở Việt Nam không phải là ngoại lệ, mà ngược lại, tham nhũng ở nước ta có đặc thù là phức tạp, đa dạng, muôn vẻ, nhiều sắc thái, lắm loại hình, mức độ, cũng như hậu quả. Theo giáo sư Hoàng Chí Bảo thì nguyên nhân của tham nhũng là do yếu kém của thể chế, tính nửa vời trong chỉ đạo thực hiện và sự thoái hóa của không ít quan chức, công chức trong bộ máy. Thậm chí, tham nhũng có cả trong hoạt động tư pháp, trong điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Và đây là hậu quả của tình trạng pháp luật có, pháp chế cũng có nhưng pháp trị thì không hoặc yếu kém và hình thức.

Tham nhũng luôn là mối họa lớn với dân, với nước, ảnh hưởng tới sự tồn vong của dân tộc. Cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm coi tham nhũng như là một loại chuột nguy hiểm, chuyên đục khoét của dân, của nước. Nhà bác học Lê Quý Đôn coi tham nhũng là một trong 4 nguyên nhân mất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời coi tham nhũng là thứ giặc nội xâm, cũng nguy hiểm không kém gì giặc ngoại xâm. Ngày nay, Đảng và Nhà nước ta coi tham nhũng đang là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Chính vì vậy, chống tham nhũng đang là nhiệm vụ cấp bách của toàn Đảng, toàn dân. Và mong rằng, nhắc lại tình trạng tham nhũng thời hậu Lý và hậu quả của nó sẽ là bài học hữu ích cho hậu thế hôm nay.

  • Từ khóa
109837

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu