Thứ 3, 16/04/2024 18:47:54 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:34, 25/11/2014 GMT+7

Sau ông Truyền là ai?

Thứ 3, 25/11/2014 | 08:34:00 133 lượt xem
BP - Ngày 21-11, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã có kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm về thực hiện chính sách nhà, đất đối với ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng thanh tra Chính phủ. Dù đã có thông tin đầy đủ và kết luận cụ thể về 6 danh mục tài sản được kiểm tra, nhiều người vẫn đặt câu hỏi: Nguyên Tổng thanh tra Chính phủ thực sự có bao nhiêu căn nhà, mảnh đất?

Từ trước tới nay, việc kiểm tra tài sản của một quan chức cấp cao ở nước ta là rất hiếm. Thế nên việc kiểm tra và công khai tài sản của ông Truyền thực sự thu hút dư luận. Nhiều người mừng vì công tác chống tham nhũng thời gian gần đây chuyển biến tích cực hơn. Ngoài việc phát hiện những vụ việc tương đối lớn tại Công ty cho thuê tài chính II, Vifon, Vinalines, Ngân hàng ACB... thì những quan chức đã “hạ cánh” như nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền vẫn được xem xét khi có đầy đủ bằng chứng vi phạm.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều người không mấy lạc quan vì họ cho rằng, hệ thống thanh tra, kiểm tra cả khối Đảng và Nhà nước có đầy đủ từ Trung ương đến cơ sở và việc tổ chức thanh tra thì nhiều nhưng phát hiện chẳng được bao nhiêu. Có địa phương trong 2 năm tổ chức trên 800 cuộc thanh tra nhưng chỉ phát hiện được 2 vụ nho nhỏ. Số tiền thu được từ tham nhũng chắc chắn không đủ xăng xe cho việc tổ chức các đoàn đi thanh tra.

Trong thông báo kết luận ngày 21-11 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về vụ việc ông Truyền có đoạn: Với cương vị nguyên là cán bộ lãnh đạo cấp cao, ông Truyền đã thiếu cân nhắc và chủ quan khi xây dựng biệt thự lớn, trong khi đời sống nhân dân địa phương còn nhiều khó khăn, gây phản cảm và tạo dư luận xấu trong xã hội. Và từ kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương về ông Truyền, có một chuyên gia pháp luật nói rằng đây là lần đầu tiên một cán bộ cấp cao đã nghỉ hưu còn bị kiểm tra và bị thu hồi tài sản bất minh. Pháp luật hiện hành chưa quy định về kê khai, công khai tài sản của cán bộ do trung ương quản lý nhưng đã nghỉ hưu. Đây là kẽ hở pháp luật của chúng ta, bởi trong thực tế, rất nhiều cán bộ, quan chức cấp cao sau khi nghỉ hưu mới mua sắm biệt thự xe hơi đắt tiền để tránh việc kê khai, công khai tài sản.

Lại có người nói, khối tài sản của ông Truyền không quá lớn so vị trí của ông khi còn đương chức, bởi trong thực tế có nhiều người ở vị trí tương đương hoặc thấp hơn mà còn giàu hơn. Nó chỉ gây ồn ào dư luận bởi ông đã “thiếu cân nhắc” trong cách thể hiện sự giàu có của mình khi mà đa số người dân trong vùng còn quá nghèo. Nguyên nhân nữa bởi ông nguyên là cán bộ cấp cao trong hệ thống phòng chống tham nhũng của Chính phủ. Chuyện xảy ra rồi, người ta mới lục lại những câu nói của ông khi còn tại vị, trong đó có rất nhiều câu được các báo rút tít. Ông từng nói “Vị trí, trách nhiệm của mình đang được người dân quan tâm, kỳ vọng, tôi ý thức được chuyện đó và sẽ làm hết sức mình, làm đầy đủ trách nhiệm và dám chịu trách nhiệm”. Ông cũng từng nói “Chúng tôi nhận thấy xử lý cán bộ đã nghỉ hưu dễ hơn nhiều. Còn người đang tại chức, họ chạy rất dữ”.

Ngẫm vụ việc của ông Truyền và nhìn lại những vụ việc của các quan chức cấp tỉnh ở Hải Dương, Lâm Đồng thời gian qua mới thấy điều nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ khi còn tại vị nói rất trúng. Và dường như điều này đã vận vào chính ông! Tuy nhiên, vấn đề mà dư luận quan tâm hiện nay là sau ông Trần Văn Truyền sẽ là ai?

T.N

 

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu