Thứ 6, 26/04/2024 22:02:41 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 09:49, 08/04/2016 GMT+7

Sau tiếng thở phào là tiếng thở dài

Thứ 6, 08/04/2016 | 09:49:00 133 lượt xem
BP - Ngày 5-4, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Chăm sóc, bảo vệ trẻ em sửa đổi với tỷ lệ 90% tán thành, sau khi dự thảo đã được ban soạn thảo tiếp thu ý kiến các đại biểu về giữ nguyên độ tuổi trẻ em là dưới 16 như luật hiện hành, thay vì 18 tuổi như trình Quốc hội trước đó.

Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết: Sau phiên thảo luận tại hội trường, Quốc hội đã phát phiếu lấy ý kiến đại biểu đối với nội dung đang bàn cãi về độ tuổi trẻ em dưới 16 hay 18. Kết quả có 340/397 đại biểu đồng ý với phương án trẻ em dưới 16 tuổi, chỉ 50/397 đồng ý phương án tuổi trẻ em dưới 18.

Quy định nâng độ tuổi trẻ em từ dưới 16 lên dưới 18 đã nhận nhiều ý kiến phản đối gay gắt tại phiên thảo luận trước đó. Hầu hết ý kiến đều cho rằng, việc nâng độ tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi thì “lợi bất cập hại”. Bởi thực tế trẻ em ngày càng trưởng thành sớm hơn. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, xu hướng quy định của pháp luật là giảm tuổi trẻ em xuống, đồng nghĩa với việc trẻ dần tuổi chịu trách nhiệm trước pháp luật. Ở một số quốc gia, hiện nay tuổi chịu trách nhiệm hình sự chỉ là đủ 14 tuổi, thậm chí có nước quy định chỉ đủ 12, 11 tuổi đã phải chịu trách nhiệm hình sự, 8 tuổi đã phải chịu trách nhiệm dân sự.

Một vấn đề nữa, nếu tăng tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi sẽ kéo theo cả một hệ thống quy định pháp luật cũng như hàng loạt quy định dưới luật, thiết chế văn hóa... của nước ta phải thay đổi. Đầu tiên và quan trọng nhất là phải lập tức sửa đổi 4 bộ luật cực kỳ quan trọng là hình sự, dân sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự. Thực tế hiện nay, học sinh THPT quan hệ tình dục ngày một tăng, tỷ lệ ngày một cao. Nếu quy định trẻ em dưới 18 tuổi và quy định giao cấu với trẻ em là hành vi vi phạm hình sự như pháp luật hiện hành, có lẽ các cơ quan tố tụng của nước ta làm ngày làm đêm cũng không hết việc. Trẻ em thuộc đối tượng bảo trợ của xã hội, khi nâng tuổi trẻ em lên, cần phải có một nguồn ngân sách không hề nhỏ chuẩn bị cho việc này...

Chính vì những lẽ đó, khi Quốc hội thông qua Luật Chăm sóc, bảo vệ trẻ em sửa đổi (do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì soạn thảo), trong đó quy định về tuổi trẻ em vẫn là dưới 16 như hiện nay, rất nhiều cơ quan, ngành chức năng đã... thở phào nhẹ nhõm. Nhưng cũng từ vấn đề này, một câu hỏi đặt ra: Các nhà làm luật đã “tư duy”, “nghiên cứu” như thế nào, để rồi khi trình ra Quốc hội một dự thảo luật mà vừa đọc lên tất cả đại biểu đã không đồng tình, đưa ra phân tích “đến đứa con nít” cũng hiểu được việc quy định trẻ em dưới 18 tuổi là không khả thi, không hiện thực? Chưa đến lượt các chuyên gia lên tiếng, mới chỉ đại biểu đặt vấn đề và báo chí phản ánh, đã không có ai đứng lên bảo vệ quan điểm và đưa ra lý giải tại sao phải thay đổi từ 16 lên 18 tuổi, không có một lập luận nào được nêu lên, cơ quan soạn thảo cũng không có ý kiến...

Bình thường nếu ví thời gian quý như vàng, các kỳ họp Quốc hội thời gian phải được quý như kim cương. Chỉ với một chi tiết “16 hay 18” đã “đem đến” sự quan tâm, bức xúc, đồng thời “lấy đi” khoảng thời gian “đắt giá” nhất của Quốc hội dành cho việc xem xét dự thảo luật này, để rồi các quy định khác có thể chưa được các đại biểu xem xét thấu đáo. Thật buồn khi Quốc hội thay vì thảo luận những vấn đề phức tạp, hệ trọng, có hàm lượng chất xám cao, lại phải dành thời gian quý giá để lắng nghe phân tích một chiều về một điều gần như là “hiển nhiên” trong thực tiễn xã hội.

Trần Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu