Thứ 6, 29/03/2024 17:24:03 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 10:59, 30/07/2016 GMT+7

Sẽ có môn giáo dục liêm chính trong trường học

Thứ 7, 30/07/2016 | 10:59:00 106 lượt xem

GIÁO DỤC LIÊM CHÍNH

Theo đó, nhằm phòng ngừa tình trạng tham nhũng đáng báo động như hiện nay, xây dựng nhân cách, đạo đức, lối sống và văn hóa chống tham nhũng trong học sinh, sinh viên và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, các cơ sở giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng phải đưa nội dung giáo dục liêm chính vào chương trình giảng dạy. Đặc biệt, dự luật cũng quy định rõ trong đó có cả cơ sở đào tạo do Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước và Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trực tiếp quản lý cũng phải thực hiện nội dung giáo dục liêm chính.

Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi đã được Thanh tra Chính phủ soạn thảo xong và vừa công bố để lấy ý kiến đóng góp của các cấp, ngành ở Trung ương, địa phương và nhân dân trong cả nước. Một trong những biện pháp nhằm tăng cường phòng, chống tham nhũng mới được đề cập tại dự thảo luật này là quy định về giáo dục dưỡng liêm và quy định cụ thể về các lĩnh vực, những ngành, nghề bắt buộc định kỳ phải thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức. 

Cụ thể, tại Điều 27 của dự thảo luật có quy định như sau: Cơ sở giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng có trách nhiệm đưa nội dung giáo dục về liêm chính vào chương trình giảng dạy nhằm xây dựng nhân cách, đạo đức, lối sống và văn hóa chống tham nhũng cho học sinh, sinh viên và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh thực hiện việc giảng dạy về liêm chính trong các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng thuộc quyền quản lý trực tiếp của mình. Để quy định trên được thực hiện có hiệu quả, dự luật cũng quy định: Trong phạm vi thẩm quyền của mình, cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng và cơ quan quản lý cơ sở giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng có trách nhiệm tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra việc giảng dạy về liêm chính của các cơ sở giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng.

Dự luật cũng quy định, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ và các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện các nội dung sau đây: Xây dựng, phê duyệt, ban hành chương trình, giáo trình, tài liệu giảng dạy về liêm chính; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho giáo viên, giảng viên giảng dạy về liêm chính; chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra, đánh giá việc giảng dạy về liêm chính.

CÁC LĨNH VỰC, NGÀNH, NGHỀ PHẢI ĐỊNH KỲ CHUYỂN ĐỔI

Theo quy định tại Điều 34 của dự thảo luật này, có tất cả 14 ngành, nghề buộc phải chuyển đổi định kỳ từ 2 đến 5 năm, cụ thể như sau: Hoạt động quản lý tài chính, ngân sách, tín dụng, ngân hàng, tài sản của nhà nước; hoạt động hải quan, thuế, kho bạc, dự trữ quốc gia; quản lý và thực hiện nghiệp vụ kế toán, kiểm toán; Quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, quản lý thị trường, kiểm lâm; Quản lý vốn, tài sản nhà nước trong các doanh nghiệp, công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; quản lý thị trường chứng khoán; Hoạt động thẩm định, định giá trong đấu giá, hoạt động mua và bán nợ; Cấp phép hoạt động ngân hàng, hoạt động ngoại hối; thanh tra, giám sát hoạt động ngân hàng; quản lý và thực hiện nghiệp vụ tín dụng tại các tổ chức tín dụng nhà nước; thẩm định và cho vay tín dụng; Quản lý việc bán, khoán, cho thuê đất, tài sản trên đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà; Hoạt động quản lý, điều hành công tác kế hoạch và đầu tư trong các cơ quan nhà nước và trong các doanh nghiệp nhà nước; quản lý xây dựng cơ bản, giải tỏa, áp giá đền bù trong giải phóng mặt bằng và quản lý dự án; Quản lý hoạt động đối ngoại, lãnh sự; Hoạt động quản lý và cấp phép các loại: các loại văn bằng, chứng chỉ; đăng ký, đăng kiểm các loại phương tiện, bằng lái xe; đăng kiểm các loại phương tiện vận tải; giấy đăng ký, đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài, giấy chứng nhận, giấy phép, cấp phiếu lý lịch tư pháp; công chứng viên, chấp hành viên thi hành án dân sự; Hoạt động thanh tra và phòng, chống tham nhũng; Cảnh sát giao thông, cảnh sát tư pháp, cảnh sát quản lý trại giam, cảnh sát hộ khẩu, cảnh sát điều tra, cảnh sát kinh tế, cảnh sát khu vực, cảnh sát trật tự hành chính, cảnh sát đăng ký, quản lý vũ khí, ngành nghề kinh doanh có điều kiện và con dấu, cảnh sát đăng ký và quản lý hộ khẩu, cảnh sát hướng dẫn và kiểm tra an toàn phòng cháy và chữa cháy, cảnh sát làm công tác hậu cần, an ninh kinh tế, an ninh điều tra, quản lý xuất cảnh, nhập cảnh và cán bộ làm công tác trinh sát trong các cơ quan điều tra thuộc lực lượng công an nhân dân; Cán bộ, nhân viên làm công tác hậu cần, kỹ thuật, đầu tư, kinh tế trong cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc lực lượng quân đội nhân dân; Công tác kiểm sát các hoạt động tư pháp, hoạt động công tố của viện kiểm sát nhân dân, viện kiểm sát quân sự các cấp, hoạt động xét xử của tòa án nhân dân, tòa án quân sự các cấp; Công tác tuyển dụng, đào tạo, thi tuyển, thi nâng ngạch công chức, viên chức, công tác nhân sự và quản lý nhân lực.

Cũng theo quy định của dự luật này, đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ có một vị trí trong danh mục định kỳ chuyển đổi vị trí công tác mà vị trí này có yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ khác với các vị trí khác của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó thì việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác do người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng cán bộ, công chức, viên chức đề nghị với cơ quan có thẩm quyền quản lý cấp trên trực tiếp quyết định chuyển đổi.

Với những quy định cụ thể và chặt chẽ như trên, chắc chắn khi dự Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi sau khi được Quốc hội thông qua sẽ sớm đi vào cuộc sống. Qua đó góp phần tích cực vào việc ngăn chặn “quốc nạn” này.

N.V

  • Từ khóa
86088

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu