Thứ 6, 29/03/2024 14:18:39 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:50, 11/09/2019 GMT+7

Sẽ không còn “thiếu thợ”

Thứ 4, 11/09/2019 | 08:50:00 172 lượt xem

BP - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo “Đề án sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030”. Trong dự thảo, bộ đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nghiên cứu, đóng góp ý kiến. Đề án nhằm tạo bước đột phá về cơ cấu và nâng cao chất lượng đào tạo nghề; xây dựng hệ thống giáo dục nghề nghiệp hiện đại, linh hoạt, hiệu quả và phát triển bền vững. Đồng thời, sẽ đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần xóa tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” như hiện nay. 

Đến cuối năm 2018, cả nước có 1.954 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm 394 trường cao đẳng, 515 trường trung cấp và 1.045 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trải đều cả nước, đa dạng về loại hình, trình độ đào tạo và mô hình hoạt động. Tuy nhiên, hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ta hiện phân bố dàn trải, chồng chéo, chất lượng không đồng đều, thực hiện tự chủ rất hạn chế. Nhiều trường của Trung ương và địa phương cùng đào tạo những ngành, nghề giống nhau trên cùng địa bàn. Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp không đạt chuẩn theo quy định, quy mô đào tạo của các trường còn nhỏ. Một hiện tượng phổ biến hiện nay là các doanh nghiệp rất dễ dàng khi tuyển dụng lao động phổ thông, nhưng khi tuyển những lao động có trình độ chuyên môn lành nghề, hoặc tay nghề cao thì gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, cần quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp bảo đảm tinh gọn, cơ cấu hợp lý, hoạt động hiệu quả mới có thể tạo ra đội ngũ công nhân lành nghề cho đất nước.

Bình Phước là một trong những địa phương có nhiều cơ sở dạy nghề nhưng hoạt động còn chồng chéo, hiệu quả chưa cao. Đến nay, trên địa bàn có hàng chục trung tâm đào tạo nghề cả cấp tỉnh và huyện. Các ngành dọc cũng tổ chức đào tạo nghề riêng với nhiều loại ngành nghề khác nhau. Ngoài các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên, còn có các đơn vị khác trực tiếp, hoặc liên kết cùng thực hiện chức năng này. Đó là các Trường cao đẳng nghề Bình Phước, Trường trung cấp Kinh tế kỹ thuật Bình Phước, Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh, Trung tâm Giới thiệu việc làm của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân tỉnh... Thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã xảy ra tình trạng lãng phí cơ sở vật chất, nhiều nơi không tuyển được học viên, nhất là ở cấp huyện.

Quy hoạch tổng thể mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp Việt Nam nhằm tạo ra những lao động có kỹ năng tay nghề cao, đáp ứng nhu cầu nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh của thị trường lao động là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay. Đào tạo lao động những ngành nghề đạt trình độ kỹ năng các nước phát triển trên thế giới; phổ cập năng lực nghề nghiệp cho người lao động, là góp phần phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Mục tiêu chung mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề ra là sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở và linh hoạt, đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động; bảo đảm quy mô, cơ cấu và hợp lý về ngành nghề, trình độ đào tạo;... Đến năm 2030, giáo dục nghề nghiệp Việt Nam cơ bản trở thành nền giáo dục hiện đại, là động lực chính của sự phát triển nhanh, mạnh và bền vững, chấm dứt tình trạng “thiếu thợ”.

Hà Thanh

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu