Thứ 6, 29/03/2024 09:05:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 13:15, 01/10/2014 GMT+7

Sẽ kiến nghị Ủy ban Thường vụ quốc hội xem xét tổ chức 2 ban HĐND cấp xã

Thứ 4, 01/10/2014 | 13:15:00 1,446 lượt xem
BP - Theo đánh giá của Thường trực HĐND các xã, phường thực hiện “Đề án thí điểm thành lập ban của HĐND cấp xã”, các ban đã góp phần nâng cao vai trò hoạt động của HĐND xã, giúp UBND xã hạn chế những sai sót trong quản lý, điều hành và thực hiện hiệu quả nghị quyết HĐND xã đề ra.

Phóng viên Báo Bình Phước trao đổi với ông Nguyễn Tiến Dũng (N.T.D), Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh nhằm làm rõ những hiệu ứng tích cực từ việc triển khai đề án.

P.V: Thưa ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến việc Thường trực HĐND tỉnh quyết tâm thí điểm thành lập các ban HĐND xã?

Ông N.T.D: Do Luật Tổ chức HĐND - UBND hiện hành không quy định HĐND cấp xã thành lập các ban như ở cấp huyện, tỉnh nên trong hoạt động của HĐND cấp xã còn bộc lộ nhiều hạn chế. Đó là hoạt động giám sát chủ yếu do Thường trực HĐND xã thực hiện, trong khi Thường trực HĐND chỉ có một phó chủ tịch chuyên trách, dẫn đến số lần giám sát ít, chất lượng không cao. Nhiều xã còn lẫn lộn giữa chức năng giám sát mang tính quyền lực nhà nước của HĐND với chức năng giám sát của ban giám sát đầu tư cộng đồng. Nhiều nơi nghị quyết khi ban hành chưa tuân thủ đúng quy trình về thảo luận, thông qua; vẫn còn nghị quyết ban hành không đúng thể thức, thẩm quyền.

Nhờ các ban HĐND phường giám sát tốt nên việc thu ngân sách của phường Long Phước (TX. Phước Long) từ đầu năm đến nay đạt chỉ tiêu - Ảnh:  Một góc Trung tâm thương mại Phước Bình

Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND thì hoạt động thẩm tra dự thảo nghị quyết UBND cấp xã trình kỳ họp HĐND do Thường trực HĐND cấp xã tiến hành, nhưng rất ít xã thực hiện được. Nếu có thì chất lượng cũng rất hạn chế. Vì vậy, nhiệm vụ này từ trước đến nay hầu như không được HĐND cấp xã thực hiện.

Đề án thí điểm thành lập ban của HĐND cấp xã do Thường trực HĐND tỉnh trình HĐND tỉnh quyết định nhằm khắc phục những mặt hạn chế đó.

P.V: Theo ông, đề án đã giải quyết những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện như thế nào?

Ông N.T.D: Sau 2 năm thực hiện, đề án đã mang lại hiệu quả tích cực, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND cấp xã. Cụ thể, khi chưa thành lập các ban, việc tổ chức các đoàn giám sát do Thường trực HĐND xã tiến hành, trung bình một xã tổ chức được 2-3 cuộc/năm. Từ khi thí điểm thành lập ban của HĐND xã, hoạt động giám sát chủ yếu do các ban tiến hành, bình quân mỗi ban từ 7-8 cuộc/năm; chất lượng, hiệu quả giám sát cao hơn, cơ bản đã khắc phục được những hạn chế trước đây, kịp thời kiến nghị, chấn chỉnh những hạn chế trong hoạt động của các đơn vị chịu sự giám sát.

Thẩm tra được coi là hoạt động mang tính đổi mới rõ nét nhất của HĐND xã thí điểm, thể hiện sự khác biệt căn bản so với trước khi thành lập các ban. Đó là tài liệu kỳ họp nếu đại biểu chưa đọc hết hoặc nghiên cứu chưa sâu vẫn có thể thảo luận, đóng góp ý kiến nhờ báo cáo thẩm tra có định hướng, gợi mở cách nghiên cứu, tiếp cận vấn đề sẽ quyết định tại kỳ họp, giúp HĐND xã ban hành các nghị quyết có chất lượng cao, phù hợp tình hình thực tế tại địa phương. Các ban còn giúp HĐND xã xem xét các văn bản quy phạm pháp luật của UBND xã, kịp thời kiến nghị những giải pháp khắc phục vướng mắc, thiếu sót trong quá trình ban hành và tổ chức thực hiện.

P.V: Trong quá trình thực hiện, thí điểm gặp những vướng mắc gì, thưa ông?

Ông N.T.D: Đó là trình độ cán bộ, công chức cấp xã còn hạn chế, nay kiêm nhiệm thêm việc bị chi phối làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ được phân công. Thậm chí có xã không tìm được đủ số người để giới thiệu bầu vào các ban của HĐND. Ngoài ra, trong quá trình hoạt động có tình trạng Thường trực HĐND xã không tiến hành hoặc giảm hẳn số cuộc giám sát vì đã có ban giám sát theo lĩnh vực, nhất là khi trưởng ban do chủ tịch hay phó chủ tịch kiêm nhiệm.

Theo quy chế hoạt động của HĐND được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành thì mỗi tháng đại biểu HĐND cấp xã được hưởng 0,3 hệ số lương tối thiểu. Bình Phước có quyết định thêm về phụ cấp trách nhiệm đối với đại biểu hoạt động kiêm nhiệm công việc của HĐND các cấp, nhưng cũng rất hạn chế (0,05 hệ số lương tối thiểu đối với thành viên ban HĐND xã) nên chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.

P.V: Thường trực HĐND tỉnh có định hướng như thế nào trong việc tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả của đề án, thưa ông?

Ông N.T.D: Dự kiến ngày 2-10-2014, Thường trực HĐND tỉnh sẽ tổ chức tổng kết 2 năm thực hiện thí điểm thành lập ban HĐND xã. Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và lãnh đạo một số cơ quan có liên quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Bộ Nội vụ đã nhận lời mời tham dự.

Những kết quả đạt được sẽ là cơ sở khoa học để Thường trực HĐND tỉnh kiến nghị Ban Thường vụ tỉnh ủy thuận chủ trương mở rộng thành lập các ban HĐND xã ra phạm vi toàn tỉnh, đồng thời kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ xem xét đưa quy định cơ cấu tổ chức 2 ban của HĐND xã vào dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương để trình Quốc hội thông qua, góp phần hoàn chỉnh về tổ chức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND cấp xã.

Lâm Phương (thực hiện)

  • Từ khóa
11799

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu