Thứ 6, 26/04/2024 17:00:16 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 10:17, 24/08/2019 GMT+7

Sẽ phạt nặng việc “độ” còi, đèn các loại xe

Thứ 7, 24/08/2019 | 10:17:00 208 lượt xem

BP - Bộ Giao thông vận tải vừa công bố dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, thay thế Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Trong dự thảo này, Bộ Giao thông vận tải đề xuất tăng cao mức phạt đối với các hành vi như thay đổi đèn, còi các loại xe; gắn biển số không rõ; sơn, dán thêm làm thay đổi biển số; thay đổi màu sắc của chữ, số, nền biển số... Dư luận rất đồng tình với những đề xuất này, nhất là việc xử lý hành vi “độ” thêm đèn, còi các loại xe. Vì đây là việc làm gây ảnh hưởng xấu đến người tham gia giao thông.

Luật Giao thông đường bộ đã quy định tất cả bộ phận, chi tiết cấu thành xe đều phải đảm bảo như thiết kế ban đầu của nhà sản xuất. Thế nhưng, thời gian qua xuất hiện nhiều xe máy, ôtô đã bị thay đổi còi, pô, đèn... tiềm ẩn tai nạn giao thông rất cao. Việc sử dụng còi xe với âm thanh khủng, quái dị đang trở thành nỗi lo thường trực của nhiều người đi đường. Thực tế đã có một số vụ tai nạn thương tâm xảy ra khi người tham gia giao thông giật mình đánh lái hoặc ngã xuống đường vì tiếng còi chát chúa. Ở nhiều tuyến đường, xe máy, taxi, xe buýt, xe tải cùng chia sẻ một không gian khá chật hẹp. Lúc này tiếng còi xe vang lên, nhất là những tràng còi dài của các loại xe lớn như thét vào tai người đi đường sẽ gây ra tai nạn. Bên cạnh nỗi lo về âm thanh của tiếng còi xe, nếu đi trên đường vào ban đêm là nỗi ám ảnh đèn xe chiếu thẳng vào mắt. Đèn pha led, đèn xê-nông có ánh sáng trắng hoặc xanh, với cường độ sáng gấp nhiều lần so với đèn xe nguyên bản. Các xe “độ” loại đèn này nếu lưu thông trên đường, người điều khiển các phương tiện chạy ngược chiều lại bị lóa mắt, mất phương hướng, nguy cơ gây va chạm và tai nạn giao thông rất cao.

Theo quy định tại Nghị định số 46, mức phạt đối với người điều khiển môtô, xe máy sử dụng còi, đèn không đúng chuẩn thiết kế còn quá nhẹ. Trong khi đó, việc kiểm tra, kiểm soát còn lỏng lẻo nên nhiều người, nhất là giới trẻ vẫn “độ” còi, đèn xe để phục vụ mục đích “chơi ngông”, phớt lờ những hiểm họa sẽ gây ra. Hiện nay, luật chỉ cấm người tham gia giao thông bấm còi liên tục, bấm còi hơi trong khu đô thị và khu đông dân cư, bấm còi từ 22 giờ đến 5 giờ (trừ xe ưu tiên theo quy định). Như vậy, luật không cấm trường hợp không vượt xe mà vẫn bấm còi. Có lẽ do luật không cấm nên nhiều người đã lạm dụng cả những trường hợp không cần thiết mà vẫn bấm còi xe vô tội vạ. Ngoài ra, việc dùng đèn led gắn trước ôtô (đèn chính), Nghị định số 46 hiện vẫn chưa quy định xử phạt. Do đó, khi kiểm tra, phát hiện, cảnh sát giao thông cũng chỉ yêu cầu lái xe tháo gỡ mà thôi.

Xây dựng ý thức của người tham gia giao thông là cả một quá trình. Trong đó, mỗi hành vi bật đèn, bấm còi đúng luật của người tham gia giao thông đều là một bộ phận quan trọng. Các phương tiện được trang bị còi, đèn nhằm hỗ trợ người điều khiển tham gia giao thông có cái nhìn bao quát, cảnh báo các phương tiện khác khi lưu thông trên cùng tuyến. Tuy nhiên, việc sử dụng tín hiệu còi, đèn xe nếu bị lạm dụng sẽ gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Việc sửa đổi Nghị định số 46 nhằm tăng mạnh hình thức xử phạt hành vi thay đổi đèn, còi các loại xe là rất cần thiết. Bởi lẽ, khi sự tự giác không được thực hiện thì phải xử phạt thật nặng mới có thể nâng cao ý thức, giảm thiểu tai nạn giao thông.

Thanh Hà

  • Từ khóa
109174

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu