Thứ 6, 19/04/2024 16:50:55 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:21, 18/07/2019 GMT+7

Sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực

Thứ 5, 18/07/2019 | 09:21:00 173 lượt xem

BP - Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 861/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2019-2021”. Ngoài các nhiệm vụ, mục tiêu cụ thể, việc tổ chức hội nghị toàn quốc biểu dương người tốt, việc tốt trong công tác phòng, chống tham nhũng được đánh giá là rất cần thiết. Bởi thông qua biểu dương sẽ nhân rộng các điển hình tiên tiến và tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của nhân dân về công tác này ở nước ta hiện nay.

Từ năm 2005, nước ta đã ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng và được cộng đồng quốc tế, các nhà đầu tư... ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực về đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong những năm qua. Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng ở nước ta đang có những diễn biến phức tạp, tính chất ngày càng tinh vi nên việc phòng ngừa, phát hiện và xử lý còn nhiều hạn chế. Nhiều vụ tham nhũng phải mất nhiều thời gian để đấu tranh, làm rõ; việc thu hồi tài sản do tham nhũng mà có chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Đặc biệt, vẫn còn một bộ phận không nhỏ nhân dân thờ ơ với công tác đấu tranh phòng ngừa và phát hiện các hành vi tham nhũng. Người dân chưa tham gia tích cực vào cơ chế kiểm soát đối với cán bộ, công chức, viên chức và các cơ quan công quyền để giám sát các hoạt động công vụ nhằm kịp thời ngăn chặn hành vi tham nhũng, lãng phí... Ngoài ra, việc biểu dương gương người tốt, việc tốt trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng chưa được tổ chức thường xuyên nên chưa nhân rộng điển hình và chưa làm thay đổi nhận thức, trách nhiệm của toàn dân về vấn đề này.

Bác Hồ từng dạy: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Tư tưởng của Bác là lấy người tốt, việc tốt trong cuộc sống hằng ngày để nêu gương, giáo dục lẫn nhau là cách làm tốt nhất chứ không phải những bài diễn văn hay nhưng không thực tế. Điểm lại chặng đường phát triển của đất nước, chúng ta đã thực hiện tốt công tác biểu dương những tập thể, cá nhân xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng và phong trào thi đua ái quốc... Qua đó, đã tạo ra những hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội, góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới đất nước. Ngày nay, trong cuộc chiến chống tham nhũng, lãng phí... ngoài các chế tài xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành thì công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nội dung cần phải được triển khai đồng bộ. Bên cạnh xử lý đối tượng vi phạm thì vấn đề tuyên dương các gương điển hình phải là việc làm thường xuyên, liên tục để nhân rộng nhân tố mới, cá nhân tích cực trong từng cơ quan, đơn vị và trong toàn cộng đồng. Thông qua biểu dương sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực cho toàn xã hội cùng học tập, giúp mọi người nhận thấy giá trị của hành động đẹp để phấn đấu; đồng thời ngăn chặn hiệu quả các biểu hiện tham nhũng.

Tại Bình Phước, vào năm 2014 đã có một cán bộ thuộc Ban Nội chính Tỉnh ủy được Ban Nội chính Trung ương tặng bằng khen đột xuất trong công tác phòng, chống tham nhũng tại địa phương. Theo Ban Nội chính Trung ương, đây là trường hợp duy nhất trong các ban nội chính cả nước tại thời điểm này được tặng bằng khen vì có thành tích phòng, chống tham nhũng. Cũng nhờ sự biểu dương kịp thời của cấp trên đã tạo ra khí thế thi đua sôi nổi của tập thể, cá nhân tại Ban Nội chính Tỉnh ủy trong thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, nhất là công tác phòng ngừa và phát hiện, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, tham mưu xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực...

Tấn Phong

  • Từ khóa
109148

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu