Thứ 3, 16/04/2024 13:18:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 15:40, 12/04/2019 GMT+7

Siết chặt kiểm soát, quản lý thị trường nội tỉnh

Thứ 6, 12/04/2019 | 15:40:00 152 lượt xem
BP - Thời gian 3 tháng đầu năm trùng với dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, do vậy tình hình buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới diễn ra phức tạp, tập trung vào một số mặt hàng có nhu cầu cao như pháo, gỗ, thuốc lá, đường cát, nước ngọt.

Trên địa bàn biên giới, các đối tượng lợi dụng đường mòn, lối mở tự phát để mua bán, trao đổi, chia nhỏ, vận chuyển hàng hóa sâu vào nội địa hoặc bán lại cho đầu nậu đưa đi tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố lân cận. Tại các điểm bán hàng, các đối tượng có hành vi buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng thường phân tán hàng nhỏ lẻ, cất giấu, bày bán trà trộn gây khó khăn cho lực lượng chức năng khi kiểm tra, kiểm soát. Tình trạng vi phạm trong lĩnh vực hàng giả, sở hữu trí tuệ vẫn diễn biến khá phức tạp, các đối tượng xấu lợi dụng để sản xuất, kinh doanh trái phép. Hàng hóa vi phạm với nhiều chủng loại, mẫu mã, sử dụng nhãn mác, bao bì của các nhãn hiệu có uy tín để đưa ra thị trường tiêu thụ như bột ngọt, quần áo, nhớt... Các vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm (ATTP) diễn ra dưới nhiều hình thức như kinh doanh thực phẩm nhập lậu, không đảm bảo ATTP, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc. Vi phạm xảy ra ở nhiều mặt hàng như thực phẩm tươi sống, hành tỏi, bánh kẹo, mứt, gia vị, sữa, nước giải khát, trái cây.

Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại cơ sở sản xuất giò, chả trên đường chợ cá, khu vực chợ Đồng Xoài

Qua kiểm tra, kiểm soát thị trường của lực lượng chức năng cho thấy, vi phạm trong lĩnh vực buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả diễn ra dưới hình thức đơn lẻ, chưa phát hiện ổ nhóm, tổ chức hoạt động.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, trong quý 1/2019, Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh đã kiểm tra, kiểm soát thường xuyên trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là tuyến biên giới. Kết quả, đã phát hiện 655 vụ vi phạm, xử lý hành chính 488 vụ. Tiền phạt và truy thu thuế 14,32 tỷ đồng. Tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước 16 tỷ 693,486 triệu đồng. Chuyển cơ quan chức năng khởi tố 34 vụ, trong đó chuyển công an 24 vụ, bộ đội biên phòng 10 vụ. Hàng hóa tịch thu gồm: ma túy 6,46g; shisha 10,5kg; pháo 889,8kg và 1.199 viên; 36m3 gỗ các loại; 32.474 gói thuốc lá điếu nhập lậu; 5.200kg đường cát; 8.469 lon nước ngọt; 750kg trái cây; 376kg mắm tôm; 137kg lạp xưởng; 690kg hành, tỏi củ; 240 chai LPG mini; 680 chai nhớt.

Góp phần vào công tác đấu tranh và phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng về các vấn đề xã hội quan tâm. Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh thực hiện tuyên truyền, vận động được 615 cơ sở sản xuất, kinh doanh ký cam kết không buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại; sản xuất, kinh doanh thực phẩm đảm bảo an toàn.

Tuy nhiên theo đánh giá của Sở Công Thương, trong lĩnh vực này còn gặp một số khó khăn. Cụ thể, yêu cầu công tác đấu tranh, xử lý vi phạm về ATTP rất lớn nhưng trên địa bàn tỉnh chưa có trung tâm kiểm nghiệm thực phẩm nên rất khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc xác định nhanh, kịp thời để xử lý vi phạm. Ngoài ra, kinh phí, trang thiết bị kỹ thuật chuyên dùng phục vụ kiểm nghiệm và phát hiện, xử lý vi phạm chưa đáp ứng yêu cầu; việc lưu kho, bảo quản hàng hóa vi phạm ATTP còn hạn chế, chưa có kho chuyên dụng nên khó bảo quản, xử lý tang vật vi phạm, nhất là tạm giữ hàng hóa dễ hư hỏng, thực phẩm đông lạnh, sản phẩm gia súc, gia cầm, thủy hải sản tươi sống.

Bên cạnh đó, nhiều vụ việc vi phạm có mức xử phạt cao, người vi phạm không có khả năng nộp phạt, khó xử lý, dẫn đến tính răn đe chưa cao, do đa số đối tượng vi phạm hoàn cảnh khó khăn, không có tài sản, không có thu nhập hoặc nghề nghiệp ổn định. Ngoài ra, Bình Phước có đường biên giới dài 260,433km tiếp giáp với nước bạn Campuchia, địa hình phức tạp, dân cư sống dọc biên giới đa phần nghèo, trình độ hạn chế... là điều kiện thuận lợi cho hoạt động buôn lậu phát triển. Địa bàn rộng, lực lượng bố trí “mỏng” dẫn đến khó quản lý, cộng với trang thiết bị, phương tiện phục vụ còn thiếu, cũ, lạc hậu. Hơn nữa, một số lĩnh vực mặt hàng khi kiểm tra cần phải có trang thiết bị để test ban đầu về chất lượng nhằm sàng lọc lấy mẫu nhưng chưa được trang bị, dẫn đến khó chồng khó.

Để công tác đấu tranh, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đạt hiệu quả cao, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị quyết liệt hơn nữa, trong đó trước tiên và quan trọng nhất vẫn là nâng cao ý thức của mỗi cá nhân, gia đình hãy là người tiêu dùng thông thái, kiên quyết đẩy lùi hàng lậu ra khỏi cuộc sống.

N.K

  • Từ khóa
44175

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu