Thứ 6, 26/04/2024 04:38:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:20, 31/05/2018 GMT+7

Số 1 thế giới đã đủ?

Thứ 5, 31/05/2018 | 08:20:00 128 lượt xem

BP - Trong văn bản trả lời cử tri ngày 22-5-2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Đến nay sở đã công nhận 8 giống cây điều của địa phương, như PL18, ĐP41, ĐP27, BĐ44... và 5 giống điều đầu dòng gồm BP18, BP27, BP43, BP68, BP89. Đây là một trong những minh chứng cho sự nỗ lực của ngành nông nghiệp tỉnh nhiều năm qua. Bởi để có được 13 cái tên đó, phải trải qua nhiều bước khảo nghiệm, hội thảo, đánh giá... và nó cũng mở ra cơ hội rất lớn cho nâng cao năng suất, chất lượng các vườn điều. Kết quả ấy rất đáng trân trọng, thế nhưng đã đáp ứng được sự kỳ vọng của hàng chục ngàn nông dân trồng điều?

Mùa mưa 2018 đã tới. Đây cũng là thời điểm nhà nông chuẩn bị xuống giống cho mảnh vườn của mình. Trước khi xuống giống, nhiều câu hỏi đặt ra với họ, như giá nông sản cây trồng đó đang thế nào, chất đất có phù hợp, khả năng năng suất, tính ra tiền được bao nhiêu một năm... Phải khó khăn lắm nhà nông mới đưa ra quyết định lựa chọn loại cây trồng nào làm sinh kế của họ. Bước tiếp theo quan trọng không kém là lựa chọn cây giống. Bởi chọn lựa được loại cây phù hợp với thời cuộc nhưng không có giống tốt, thậm chí mua phải giống kém chất lượng vẫn dẫn tới thất bại và để lại hậu quả rất nặng nề. 20 năm qua, đã không ít lần nông dân Bình Phước phải trả giá đắt vì cây giống kém chất lượng, dẫn tới những “khoảng tối” trong phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh, như mít nghệ không trái, tiêu không trái, sầu riêng không trái hoặc năng suất thấp, không đạt sản lượng như kế hoạch, sâu bệnh. Hệ quả sau vài năm đổ tiền của, đổ mồ hôi xuống mảnh vườn của mình, đã có hàng ngàn nông dân nhận lại “trái đắng”.

Phân tích kỹ như thế để thấy, với những ai không quan tâm hay không liên quan, việc chọn lựa cây giống có thể “nhẹ tựa lông hồng”, nhưng với nông dân, nó có sức nặng lớn đến nhường nào. Điều đó cũng cho thấy, BP18, BP27, BP43, BP68, BP89, PL18, ĐP41, ĐP27, BĐ44... là những cái tên được nông dân trồng điều trong tỉnh kỳ vọng thế nào. Tiếc rằng những cụm từ viết tắt ấy dù đã quen thuộc với các kỹ sư trồng trọt ngành nông nghiệp Bình Phước, song với nông dân vẫn còn xa lạ lắm. Một nửa trong số 8 giống địa phương đã được công nhận cách đây hơn chục năm, 5 giống đầu dòng được công nhận từ tháng 5-2016, nhưng đến nay có bao nhiêu nhà nông biết trong tỉnh, trong huyện của mình có giống điều ưu việt nào? Có bao nhiêu nông dân biết BP18 ở Thuận Lợi, BP27 ở Thuận Phú, BP43 ở Đức Liễu, BP68 ở Đắk Ơ, BP89 ở Minh Lập và những thông tin, hình ảnh liên quan? Trên các trang web hay tài liệu của ngành nông nghiệp, tìm những thông tin này chẳng khác nào “mò kim đáy bể”.

Và dù biết được những cái tên đó rồi, cũng... chẳng nói lên điều gì. Bởi quan trọng nhất là những giống cây chất lượng tốt ấy có được nhân rộng cho nông dân toàn tỉnh hay không!? Chất lượng hạt điều Bình Phước là “số 1 thế giới”. Những giống địa phương, giống đầu dòng ở Bình Phước đã được công nhận chắc chắn có chất lượng “số 1 thế giới”. Song như thế là chưa đủ, bởi không phải tất cả 140 ngàn héc ta điều ở Bình Phước đều cho kết quả như vậy và ngôi vị ấy một ngày nào đó có thể mất đi nếu không được thường xuyên củng cố. Nếu thật sự gắn bó với nông dân, vì nông dân, ngành nông nghiệp sẽ tìm ra lối đi tốt nhất. Bằng không, danh hiệu chất lượng số 1 thế giới khó có thể giữ khi đối thủ cạnh tranh ngày một mạnh lên và mục tiêu đến năm 2020 năng suất trung bình 2 tấn/ha cũng không đạt được khi bao năm qua mới chỉ loanh quanh con số 1 tấn/ha.

Trần Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu