Thứ 6, 19/04/2024 05:46:24 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:43, 31/07/2014 GMT+7

Sở Công thương trả lời ý kiến, kiến nghị của đại biểu HĐND tỉnh

Thứ 5, 31/07/2014 | 14:43:00 1,262 lượt xem
BPO - Tại kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 9, khóa VIII, giám đốc Sở Công thương đã có văn bản trả lời chất vấn của các tổ đại biểu HĐND. Dưới đây, Binhphuoc Online lược ghi và giới thiệu cùng bạn đọc, cử tri trong tỉnh về những nội dung chính trong văn bản này:

* Tổ đại biểu khu vực thị xã Phước Long và huyện Bù Gia Mập kiến nghị: Tiến độ triển khai chương trình điện Tây Nguyên ở các huyện Bù Đăng, Bù Đốp, Bù Gia Mập? Nếu không triển khai được chương trình này thì tỉnh có giải pháp như thế nào để đầu tư kéo điện cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số?

Trả lời: Bình Phước là 1 trong 48 tỉnh, thành phố được Thủ tướng chính phủ quan tâm phê duyệt thuộc chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013-2020 tại Quyết định số 2081/QĐ-TTg ngày 8-11-2013. Đã được sự đồng thuận của các Bộ: Công Thương tại Văn bản số 11453/BCT-TCNL ngày 12-12-2013; Tài chính tại Văn bản số 1179/BTC-ĐT ngày 23-1-2014 và Kế hoạch - Đầu tư tại Văn bản số 1375/BKHĐT-KTCN ngày 11-3-2014. Trên tinh thần đó, Sở Công Thương đã phối hợp với các sở, ngành có liên  quan, UBND các huyện, thị (kể cả trong và ngoài vùng dự án) tiến hành:

Nhiều khu dân cư ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh hiện chưa có điện lưới quốc gia - Ảnh: Trần Phương

Triển khai lập dự án cấp điện cho các thôn, ấp chưa có điện trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013-2020; Tổ chức lấy ý kiến các sở, ngành và UBND các huyện, thị; Tham mưu UBND tỉnh trình các bộ, ngành Trung ương thỏa thuận dự án, phân kỳ đầu tư cấp điện nông thôn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2013-2020;UBND tỉnh đã phê duyệt dự án cấp điện cho các thôn, ấp chưa có điện trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013-2020 tại Quyết định số 1153/QĐ-UBND ngày 4-6-2014.

Công việc còn lại: Triển khai thiết kế bản vẽ thi công. Nguồn vốn: Ngân sách Trung ương (vốn vay ODA): 85%, ngân sách địa phương: 15%. Hiện tại, Sở Công thương đã bàn giao toàn bộ hồ sơ vùng dự án cấp điện nông thôn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2013-2020 về cho từng huyện, thị để quản lý vào thời điểm tháng 10-2013. Trên tinh thần đó, đề nghị UBND các huyện, thị xã thường xuyên chỉ đạo, tuyên truyền kiểm tra, giám sát việc bảo vệ tốt hành lang nơi đã dự kiến hướng tuyến có đường điện đi qua, để khi được phân bổ vốn là tiến hành triển khai được ngay, phục vụ cho việc thi công đảm bảo đúng tiến độ.

* Tổ đại biểu khu vực thị xã Bình Long và huyện Hớn Quản kiến nghị: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) mặc dù có cải thiện (năm 2013 tăng 4 bậc so với năm 2012) nhưng hiệu quả chưa cao. Kết quả một số chỉ số thành phần đạt thấp, chưa có nhiều chuyển biến tích cực (Chỉ số đào tạo lao động chỉ đạt 4,47 điểm, xếp vị trí 60/63 (giảm 7 bậc so với năm 2012); Chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp 4,93 điểm, xếp vị trí 43/63; Chỉ số cạnh tranh bình đẳng 4,72 điểm, xếp vị trí 50/63; Thiết chế pháp lý 5,42 điểm (giảm 15 bậc so với năm 2012); Chỉ số chi phí gia nhập thị trường xếp vị trí 55/63; ...). UBND tỉnh đã có những giải pháp gì để nâng cao kết quả thực hiện các chỉ số thành phần, góp phần cải thiện chỉ số PCI của tỉnh trong năm 2014 và những năm tiếp theo?

Trả lời: UBND tỉnh luôn xác định, thực hiện có hiệu quả chương trình hành động nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh trên địa bàn tỉnh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Ngay từ những năm 2008, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và những năm tiếp theo, Chủ tịch UBND tỉnh đều ban hành

các văn bản về việc triển khai nghiêm túc thực hiện chỉ thị của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong việc thực hiện Chương trình hành động nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Trên tinh thần đó UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho Tổ công tác PCI kiện toàn lại công tác tổ chức của tổ công tác, phân công trách nhiệm cải thiện chỉ số thành phần cho từng thành viên phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị trong tình hình mới. Kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 27-9-2013 của Tỉnh ủy tại mỗi cơ quan, đơn vị địa phương. Phối hợp kiểm tra PCI với công tác kiểm tra phòng, chống tham nhũng, cải cách hành chính.

Giải pháp thực hiện cải thiện các chỉ số thành phần:

Về chi phí gia nhập thị trường: Cần thực hiện tốt cơ chế “một cửa liên thông” trong đăng ký kinh doanh, đủ điều kiện kinh doanh và các loại giấy phép khác trong xây dựng, nhằm rút ngắn thời gian, giảm phiền hà cho doanh nghiệp. Phối hợp với các cơ quan có liên quan giải quyết kịp thời vướng mắc cho các doanh nghiệp, đồng thời quản lý tốt hơn doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh.

Về tiếp cận đất đai: Tiếp tục thực hiện tốt cơ chế một cửa liên thông các TTHC về đất đai. Đảm bảo ổn định về: Quy hoạch sử dụng đất, giá đất, giá thuê đất, chính sách đền bù giải phóng mặt bằng, quỹ đất sạch… để nhà đầu tư an tâm trong việc lựa chọn mặt bằng kinh doanh.

Về tính minh bạch và tiếp cận thông tin: Tăng cường công khai, minh bạch các chính sách, pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, dự án của Nhà nước bằng nhiều hình thức. Nâng cao chất lượng và thường xuyên cập nhật thông tin trên Website của UBND tỉnh, các sở ngành, huyện, thị.

Về chi phí thời gian thực hiện các quy định của Nhà nước: Tiếp tục thực hiện đồng bộ Nghị quyết 30c của Chính phủ. Rà soát loại bỏ các TTHC không còn phù hợp gây phiền hà cho doanh nghiệp. Nâng cao vai trò tham mưu của thanh tra tỉnh trong việc chủ trì phối hợp công tác thanh tra nhằm giảm chi phí thời gian của doanh nghiệp.

Về chi phí không chính thức: Tiếp tục tăng cường thực hiện công tác phòng và chống tham nhũng. Thực hiện nghiêm túc luật và các quy định của Nhà nước về đấu thầu. Thực hiện tốt các quy định về đạo đức công vụ, xử lý nghiêm các trường hợp nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân.

Về chỉ số cạnh tranh bình đẳng: Rà soát lại các chính sách đã ban hành, cập nhật những cơ chế mới của Trung ương; Minh bạch trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Nhà nước, việc thực hiện các TTHC, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để đảm bảo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp các thành phần kinh tế. Có chính sách phù hợp để phát triển kinh tế dân doanh của địa phương.

Về tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh: Lãnh đạo tỉnh nắm vững những chủ trương, chính sách của Trung ương cũng như của địa phương trong quá  trình giải quyết công việc. Nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu.

Về dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp: Tập trung nguồn lực, nâng cao năng lực của các đơn vị sự nghiệp công địa phương, để thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Các sở, ngành cần tăng cường tìm kiếm các nguồn vốn phối hợp với kinh phí địa phương để hỗ trợ các đơn vị thực hiện dịch vụ công; tham mưu UBND tỉnh, từng bước xã hội hóa, tư nhân hóa các dịch vụ công theo quy định.

Về đào tạo lao động: Triển khai có hiệu quả các đề án về đào tạo nhân lực chất lượng cao, nâng cao chất lượng đào tạo của các trường, trung tâm dạy nghề; kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác đào tạo và tuyển dụng. Khuyến khích xã hội hóa, tư nhân hóa lĩnh vực đào tạo nghề, dịch vụ giới thiệu việc làm, thị trường lao động …

Về thiết chế pháp lý: Tập trung giải quyết những tranh chấp trong thực hiện hợp đồng kinh tế giữa các doanh nghiệp; xử lý nghiêm cán bộ, công chức tham nhũng, nhũng nhiễu để tạo lòng tin cho doanh nghiệp. Có cơ chế giám sát và kiểm tra định kỳ để bảo đảm mọi khiếu kiện đều được ghi nhận và trả lời cho doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật.

CT

  • Từ khóa
11487

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu