Thứ 7, 20/04/2024 05:05:39 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:07, 24/07/2014 GMT+7

Sở GD-ĐT trả lời bằng văn bản về những vấn đề cử tri quan tâm

Thứ 5, 24/07/2014 | 09:07:00 2,249 lượt xem

>> Khai mạc kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa VIII
>> Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải: Trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ chín, HĐND tỉnh khóa VIII
>> Báo cáo của UBND tỉnh về vấn đề đã hứa với đại biểu và cử tri
>> Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa VIII: Nóng chất lượng đường giao thông

BPO - Sáng nay 24-7, kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh khóa VIII tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp. Trước khi chất vấn trực tiếp, lãnh đạo ngành chức năng có trả lời bằng văn bản đến cử tri và kỳ họp. Báo Bình Phước xin trích đăng nội dung trả lời chất vấn của Sở GD-ĐT do ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc sở - trình bày tại kỳ họp. Nội dung chất vấn trực tiếp Báo Bình Phước sẽ thông tin cụ thể trên số báo phát hành ngày mai 24-7.

Giám đốc sở GD-ĐT trả lời cử tri và đại biểu tại buổi làm việc sáng nay

1. Về tỷ lệ học sinh bỏ học ở bậc THCS tại các huyện, thị xã có chiều hướng tăng. Sở GD-ĐT có giải pháp gì để hạn chế tình trạng học sinh bỏ học?

Trong năm học 2013-2014, ở cấp THCS có 632 HS bỏ học/57.758 HS, chiếm tỉ lệ 1,09% (so với năm học 2012-2013 tăng 82 em). Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là: Hoàn cảnh kinh tế gia đình học sinh phần lớn còn khó khăn là nguyên nhân làm cho học sinh bỏ học nhiều nhất, các em phải ở nhà phụ giúp gia đình làm việc, cha mẹ thiếu sự quan tâm đến việc động viên kịp thời các em học tập, một số học sinh dân tộc bỏ học theo thời vụ, một số lớn tuổi so với độ tuổi quy định các cấp học, bậc học, vì vậy các em mặc cảm với bạn bè nên không muốn học, do thiếu sự quan tâm của gia đình, ý thức học tập kém, tình trạng học tập sa sút dẫn đến yếu, kém, một số em bỏ học do nhà quá xa đi lại khó khăn, tình trạng dân di cư tự do dẫn đến học sinh bỏ học để đi theo gia đình. Phần lớn học sinh bỏ học đều tập trung vào các gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên không coi trọng việc học của con em mình, không quan tâm đến việc học hành, nhiều trường hợp còn đồng tình cho con nghỉ học nên khi đi vận động còn gặp sự phản ứng gay gắt của phụ huynh, do đó vận động không đạt hiệu quả cao.

Để hạn chế tình trạng học sinh bỏ học, Sở GD-ĐT đã có các biện pháp như sau:

- Tăng cường công tác thống kê số lượng, nguyên nhân học sinh bỏ học từng tháng, từng kỳ ở các trường để đề xuất biện pháp khắc phục đồng thời chỉ đạo các trường thường xuyên tổ chức họp phụ huynh học sinh có con em có ý thức học tập kém như bỏ tiết, trốn học, không thuộc bài, không làm bài tập,... nhằm đưa ra các giải pháp kiểm soát và giúp đỡ các em tiến bộ.

- Tăng cường dạy phụ đạo cho học sinh có học lực yếu, kém, để các học sinh này có đủ điều kiện được lên lớp và không bỏ học vì mặc cảm học yếu.

- Chỉ đạo các trường tổ chức giao ban giáo viên chủ nhiệm hàng tháng, qua đó để nắm tình hình học sinh bỏ học và học sinh có nguy cơ bỏ học từ đó có biện pháp chỉ đạo hợp lý, kịp thời. Giáo viên chủ nhiệm, Tổng phụ trách Đội và giáo viên chuyên trách phổ cập giáo dục kết hợp với các ban điều hành khu phố, thôn, ấp và ban, ngành địa phương để tìm gặp gia đình trao đổi về nề nếp học tập của học sinh nhằm động viên các em trong học tập, đồng thời đề nghị phụ huynh học sinh luôn quan tâm đến việc học của các em.

- Chỉ đạo các trường học tham mưu Đảng ủy, UBND, các ban ngành đoàn thể, Ban quản lý thôn ấp của địa phương tổ chức đi vận động và tuyên truyền học sinh bỏ học đi học lại.

- Xem xét miễn, giảm các khoản đóng góp theo quy định cho học sinh có hoàn cảnh gia đình  khó khăn nhưng không được cấp sổ nghèo. Đồng thời, tổ chức vận động, quyên góp trao các xuất học bổng, tặng quà cho học sinh nghèo, học sinh dân tộc.

2. Về nội dung chất vấn “Tình trạng dạy thêm, học thêm chưa được chấn chỉnh, còn có tình trạng lạm thu phí (xã hội hóa) trong các trường học

Trong thời gian qua, Sở GD-ĐT đã ban hành nhiều văn bản (Công văn số: 226/SGDĐT-GDTrH ngày 21-2-2013, 636/SGDĐT-GDTrH ngày 2-5-2013, 2055/SGDĐT-GDTrH ngày 22-11-2013, 879/SGDĐT-GDTrH ngày 9-6-2014, 1026/SGDĐT-GDTrH ngày 9-7-2014, 1821/SGDĐT-KHTC ngày 14-10-2013,: 49/SGDĐT-KHTC  ngày 10-1-2014) để tăng cường chỉ đạo quản lý công tác dạy thêm, học thêm và thu, chi tài chính trên địa bàn tỉnh.

Trong năm học 2013-2014, Sở GD-ĐT không cấp giấy phép dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường mà chỉ cấp giấy phép dạy thêm trong nhà trường (đối với các trường trực thuộc sở), đồng thời chỉ đạo các phòng GD-ĐT quan tâm đến công tác cấp giấy phép cho các trường THCS. Trong năm học vừa qua, trong toàn tỉnh có 89 trường (33 trường THPT và 56 trường THCS) được cấp giấy phép dạy thêm với số giáo viên tham gia dạy thêm là 2.030 giáo viên (1468 giáo viên THPT và 562 giáo viên THCS), số học sinh tham gia học thêm là  37.470 học sinh (24.962 học sinh THPT và 12.508 học sinh THCS).

Sở GD-ĐT tiếp tục chỉ đạo chấn chỉnh, tăng cường quản lý đối với công tác dạy thêm, học thêm và thu, chi trong các trường học, cụ thể:

- Chỉ đạo các trường thực hiện đúng các khoản thu theo quy định của nhà nước (học phí, quỹ Hội CMHS, tiền học thêm). Riêng đối với các khoản thu mang tính phục vụ trực tiếp cho học sinh (may đồng phục, số liên lạc, dọn dẹp vệ sinh…) do Hội CMHS thống nhất chủ trương, mức thu và cho phép nhà trường thu hộ.

- Thực hiện đúng quy định của Bộ GD-ĐT, UBND tỉnh trong công tác xét điều kiện và cấp giấy phép dạy thêm cho các trường, đồng thời ban hành các văn bản chỉ đạo về nội dung, chương trình dạy thêm, học thêm của các trường. Thực hiện nghiêm các quy định cấm dạy thêm trong một số trường hợp cụ thể như sau:

+ Cấm dạy thêm, học thêm cho học sinh tiểu học, trừ trường hợp quản lý học sinh ngoài giờ học theo yêu cầu của gia đình, bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, luyện tập kỹ năng đọc, viết; những trường hợp này phải được cha mẹ học sinh thỏa thuận bằng văn bản và phải được cơ quan có thẩm quyển cho phép và cấp giấy chứng nhận hoạt động; cấm giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường cho học sinh các lớp học 2 buổi/ngày;

+ Không bố trí cho giáo viên dạy thêm trong nhà trường hoặc xác nhận cho dạy thêm ngoài nhà trường nếu kết quả giảng dạy trong năm học đạt thấp. Đồng thời, hạn chế tối đa việc xác nhận cho giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường.

+ Cấm giáo viên cắt xén chương trình chính khóa và ép buộc học sinh đi học thêm.

- Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra thường xuyên, thanh tra đột xuất về công tác thu, chi tài chính trong trường học và công tác dạy thêm, học thêm; xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp vi phạm.

Kể từ đầu năm học 2013-2014, công tác thu, chi tài chính ở các trường đã cơ bản được chấn chỉnh và đi vào nề nếp. Tuy nhiên, ở một số nơi vẫn còn xảy ra tình trạng nhà trường thỏa thuận với Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu thêm một số khoản ngoài quy định như: Thu tiền điện nước, điện thoại, thu tiền hỗ trợ nhân viên hợp đồng (như trường mẩu giáo Vàng Anh, huyện Lộc Ninh); tiền mua sách cho thư viện (như tại trường Tiểu học Tân Phú C, Tiểu học Tân Bình B, THCS Tân Đồng, THCS Tiến Hưng, thị xã Đồng Xoài); thu tiền điện (trường THPT Đồng Phú), thu tiền hỗ trợ thi học kỳ, hỗ trợ thi thử đại học (THPT Nguyễn Du); nguyên nhân do tình hình ngân sách khó khăn không đủ chi cho các hoạt động tối thiểu của đơn vị; những khoản thu này là sai quy định và Sở GD-ĐT đã chỉ đạo chấn chỉnh và kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với những trường hợp vi phạm.

Trong việc dạy thêm, học thêm, một số đơn vị quản lý dạy thêm chưa tốt như không xây dựng kế hoạch dạy thêm, việc kiểm tra và ký duyệt giáo án dạy thêm của giáo viên không thường xuyên và thiếu chặt chẽ; một số trường không phân loại học lực học sinh để xếp lớp học thêm nên dẫn đến tình trạng chưa nâng cao trình độ cho học sinh khá giỏi và phụ đạo cho học sinh yếu kém theo đúng tinh thần của Bộ GD-ĐT.

Trong năm học 2014-2015 và những năm tiếp theo, Sở GD-ĐT tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý dạy thêm, học thêm và thu chi tài chính ở các trường, tăng cường thanh tra, kiểm tra để phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.

3. Vấn đề biên chế giáo viên ở các trường học

Hiện nay các đơn vị sự nghiệp GD-ĐT trên toàn tỉnh được giao 16.464 biên chế (biên chế tạm giao của năm học 2012-2013), so với nhu cầu năm học 2013-2014 còn thiếu 843 biên chế (THPT: 230, THCS: 169, TH: 210, MN: 234). Nhằm bổ sung số lượng biên chế còn thiếu đã nêu, Sở GD-ĐT đã phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh có Tờ trình số 10/TTr-UBND ngày 21-3-2014 về việc đề nghị bổ sung số lượng người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp tỉnh Bình Phước năm 2013, trình Bộ Nội vụ thẩm định số lượng còn thiếu nêu trên và đã được Bộ Nội vụ trả lời bằng văn bản số 2375/BNV-TCBC ngày 30-6-2014 về việc thẩm định số lượng người làm việc tăng thêm trong các đơn vị sự nghiệp công lập tỉnh Bình Phước năm 2013, trong đó có chấp thuận cho các đơn vị sự nghiệp của tỉnh tăng thêm 490 biên chế.

Việc đề xuất tăng thêm biên chế của ngành giáo dục xuất phát từ các nguyên nhân chủ yếu như sau:

- Do tăng thêm số lượng trường, lớp, học sinh nên cần bổ sung giáo viên theo đúng định mức quy định để đảm bảo số lượng học sinh/lớp và chất lượng giáo dục theo yêu cầu đổi mới giáo dục;

- Tăng số lượng giáo viên phụ trách các phòng học bộ môn tại các trường để đảm bảo tiêu chí của trường đạt chuẩn quốc gia;

- Tăng giáo viên để tăng thêm số lớp học 2 buổi/ngày tại các trường.

Như vậy, việc đề xuất bổ sung biên chế sự nghiệp giáo dục của tỉnh là phù hợp để đáp ứng cho yêu cầu đổi mới giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương.

Đối với việc giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên tại một số đơn vị, Sở GD-ĐT đang xây dựng kế hoạch điều động giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu và chỉ đạo phòng GD-ĐT các huyện, thị xã tạm thời hợp đồng giáo viên giảng dạy ở những nơi còn thiếu trong thời gian chờ các cấp thẩm quyền cho phép tuyển dụng biên chế chính thức.

4. Việc thực hiện chính sách đối với giáo viên theo quy định

Thực hiện tinh thần chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức ngành GD-ĐT, Sở GD-ĐT chỉ đạo, hướng dẫn triển khai kịp thời và đầy đủ các chế độ chính sách cho cán bộ, giáo viên, nhân viên của các đơn vị. Nhìn chung, cán bộ quản lý và giáo viên, nhân viên ở các trường học đều đã được hưởng lương và các chế độ phụ cấp, ưu đãi khác theo đúng chế độ của Trung ương và của tỉnh.

Riêng việc giải quyết chính sách hỗ trợ giáo viên làm việc lâu dài tại các xã đặc biệt khó khăn được hưởng cơ chế, chính sách như Tây Nguyên theo Quyết định số 792/QĐ-UBND ngày 7-4-2010 của UBND tỉnh thì sau nhiều lần làm việc với Sở Tài chính thì nguồn kinh phí để thực hiện Đề án này được UBND tỉnh xin ngân sách Trung ương hỗ trợ, tuy nhiên sau khi làm việc nhiều lần giữa UBND tỉnh với các bộ, ngành liên quan thì không có nguồn kinh phí để bố trí cho tỉnh Bình Phước để thực hiện Đề án, trong khi đó ngân sách tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn nên không thể giải quyết được.

Đối với việc giải quyết chế độ cho giáo viên công tác tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn theo Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 23-6-2010 của Chính phủ, Sở GD-ĐT đã tổng hợp và trình Sở Tài chính xem xét, bố trí kinh phí để cấp cho các đơn vị nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Nay Sở GD-ĐT có ý kiến trả lời để các vị Đại biểu HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh và UBND tỉnh biết.

BBT

  • Từ khóa
11446

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu