Thứ 7, 20/04/2024 02:03:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:38, 03/08/2014 GMT+7

Giám đốc Sở GD-ĐT trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh

Chủ nhật, 03/08/2014 | 14:38:00 2,011 lượt xem
BPO - Tại kỳ họp HĐND tỉnh lần thức 9, khóa VIII diễn ra trong hai ngày 23 và 24-7-2014, ông Nguyễn Văn Hùng đã trả lời chất vấn của các tổ đại biểu. Tham dự kỳ họp này, phóng viên Báo Bình Phước đã lược ghi lại ý kiến trả lời của ông Hùng. Dưới đây xin giới thiệu cùng bạn đọc nội dung bài trả lời này:

Tại kỳ họp HĐND tỉnh lần thức 9, khóa VIII diễn ra trong hai ngày 23 và 24-7-2014, ông Nguyễn Văn Hùng đã trả lời chất vấn của các tổ đại biểu. Tham dự kỳ họp này, phóng viên Báo Bình Phước đã lược ghi lại ý kiến trả lời của ông Hùng. Dưới đây xin giới thiệu cùng bạn đọc nội dung bài trả lời này:

 * Tổ đại biểu khu vực thị xã Đồng Xoài và huyện Chơn Thành kiến nghị: Đề nghị quan tâm bố trí vốn cho giáo dục mầm non các huyện, thị xã; đối với nguồn thu từ xổ số kiến thiết, đề nghị nên quy định tỷ lệ ưu tiên đầu tư cho giáo dục; cần có vốn đối ứng cho ngành giáo dục để thực hiện công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục.

Trả lời: Trong thời gian qua, UBND tỉnh và các ngành liên quan luôn quan tâm, ưu tiên cho ngành giáo dục, đặc biệt là trong việc bố trí vốn, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường mầm non ở các huyện, thị xã. Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng chưa đáp ứng đủ nhu cầu học tập của học sinh (nhất là ở bậc học mầm non và tiểu học), dẫn đến việc huy động trẻ ra lớp đạt tỷ lệ thấp, thiếu giáo viên, là những khó khăn ảnh hưởng không ít đến công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi trên địa bàn.

Để duy trì và giữ vững kết quả phổ cập giáo dục trung học cơ sở, phổ cập giáo dục tiểu học và nâng cao tỷ lệ phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập mầm non cho trẻ em 5 tuổi, Sở GD-ĐT đề nghị UBND tỉnh, các ngành liên quan cần quan tâm, bố trí nguồn vốn đối ứng cho ngành giáo dục để thực hiện công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục.

* Tổ đại biểu khu vực thị xã Đồng Xoài và huyện Chơn Thành kiến nghị: Tỷ lệ phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi đạt thấp (57/111 xã, phường, thị trấn, đạt 51,35%). Giải pháp cụ thể để nâng cao tỷ lệ chỉ tiêu này.

Trả lời: Toàn tỉnh hiện có 57/111 xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi (đạt tỷ lệ 51,35%). Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại (7-2014), đã có 85/111 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, đạt tỷ lệ 76,57%. Dự kiến đến cuối năm 2015, 111/111 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh sẽ được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Để nâng cao tỷ lệ phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi trong thời gian tới, Sở GD-ĐT tiếp tục phối kết hợp với các sở, ban ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã tham mưu UBND tỉnh, Bộ GD-ĐT nhằm tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị đồ dùng đồ chơi cho các trường mầm non trên địa bàn tỉnh, đồng thời tiếp tục bố trí đầy đủ, kịp thời đội ngũ giáo viên mầm non; đẩy mạnh việc huy động các cháu 3-5 tuổi ra lớp; nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ, giảm đến mức thấp nhất tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thấp, còi so với quy định của Bộ GD-ĐT; thực hiện đầy đủ kịp thời chế độ chính sách cho các cháu mầm non và đội ngũ giáo viên theo quy định.

* Tổ đại biểu khu vực huyện Lộc Ninh và Bù Đốp kiến nghị: Hiện nay, có hơn 85.000 thanh niên chỉ đạt trình độ tiểu học, trong khi đó trong báo cáo của UBND tỉnh tỷ lệ xã đạt phổ cập trung học cơ sở đạt 100%. Đề nghị làm rõ cơ sở đánh giá tỷ lệ đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở và giải thích thêm về số liệu.

Trả lời: Theo số liệu do cử tri cung cấp, hiện toàn tỉnh có hơn 85.000 thanh niên chỉ đạt trình độ tiểu học là số liệu không chính xác. Tỉnh Bình Phước được Bộ GD-ĐT công nhận đạt chuẩn PCGDTHCS vào năm 2009, hiện nay toàn tỉnh có 111/111 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn PCGDTHCS, đạt tỷ lệ: 100%. Tổng số thanh thiếu niên từ 15-18 tuổi tốt nghiệp THCS, bổ túc THCS là 48.990/62.345; tỷ lệ 78.6%; (tính chung cho tất cả các xã vùng thuận lợi và vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn). Số thanh thiếu niên từ 15-18 tuổi bỏ học (từ lớp 1 tới lớp 9) là: 8.355. Số thanh niên từ 16-30 tuổi đạt trình độ tiểu học là: 8.500. So sánh các tiêu chuẩn quy định của Bộ GD-ĐT và kết quả đạt chuẩn PCGDTHCS trong toàn tỉnh thì số thanh niên từ 16-30 tuổi đạt trình độ tiểu học 8.500 là phù hợp.

Cơ sở đánh giá tỷ lệ đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở: Căn cứ Quyết định số 26/2001/QĐ-BGD-ĐT của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về tiêu chuẩn kiểm tra và đánh giá công nhận phổ cập giáo dục trung học cơ sở: Đối tượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở: Đối tượng thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở là thanh, thiếu niên trong độ tuổi từ 11 đến hết 18 đã tốt nghiệp tiểu học, chưa tốt nghiệp trung học cơ sở, có hộ khẩu thường trú hoặc tạm trú dài hạn tại địa phương. Tiêu chuẩn công nhận phổ cập giáo dục trung học cơ sở: Đối với cá nhân, thanh, thiếu niên được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc bằng tốt nghiệp trung học cơ sở (hệ bổ túc) trước khi hết tuổi 18.

Đối với đơn vị cơ sở (xã, phường, thị trấn): Đơn vị cơ sở được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở phải đạt đủ 2 tiêu chuẩn sau: Về tiêu chuẩn 1, đơn vị đã đạt và duy trì được chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học và chống mù chữ. Huy động số trẻ em 6 tuổi đi học lớp 1 đạt tỷ lệ 90% trở lên; có ít nhất 80% số trẻ em ở độ tuổi 11-14 tốt nghiệp tiểu học, số trẻ em còn lại trong độ tuổi này đang học tiểu học. Đối với xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, huy động trẻ em 6 tuổi đi học lớp 1 đạt 80% trở lên và có ít nhất 70% số trẻ em ở độ tuổi 11-14 tốt nghiệp tiểu học, số trẻ em còn lại trong độ tuổi này đang học tiểu học. Huy động 95% trở lên học sinh tốt nghiệp tiểu học hàng năm vào học lớp 6 trung học cơ sở phổ thông và trung học cơ sở bổ túc. Đối với xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, huy động 80% trở lên.

Tiêu chuẩn 2: Bảo đảm tỉ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở hàng năm từ 90% trở lên; đối với các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, từ 75% trở lên. Bảo đảm tỷ lệ thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 15 đến hết 18 có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc trung học cơ sở (hệ bổ túc) từ 80% trở lên; đối với những xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, từ 70% trở lên. Tỷ lệ này được gọi là tỷ lệ đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở và được tính như sau: Tổng số đối tượng từ 15 đến hết 18 tuổi đã tốt nghiệp trung học cơ sở hoặc trung học cơ sở bổ túc Tổng số đối tượng từ 15 đến hết 18 tuổi phải phổ cập giáo dục trung học cơ sở

Đối với quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh: Quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở phải đạt hai tiêu chuẩn sau: Đơn vị đã đạt và duy trì được chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học và chống mù chữ. Bảo đảm 90% trở lên số đơn vị cơ sở (xã, phường, thị trấn) được công nhận đạt chuẩn tại thời điểm kiểm tra. Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Bảo đảm 100% số quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở tại thời điểm kiểm tra.

 * Tổ đại biểu khu vực huyện Lộc Ninh và Bù Đốp kiến nghị: Việc thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của ngành giáo dục đã tồn tại nhiều năm và được phản ánh nhiều lần. Đề nghị cho biết tính chủ động, vào cuộc và trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo để khắc phục tình trạng trên như thế nào? Giải pháp trong thời gian tới?

Trả lời: UBND tỉnh và các ngành liên quan luôn quan tâm, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học cho các trường trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, do nhu cầu của các địa phương quá lớn, trong khi nguồn thu ngân sách của tỉnh trong những năm gần đây gặp nhiều khó khăn nên không đáp ứng đủ nhu cầu. Hằng năm, Sở GD-ĐT đều dự báo, xây dựng kế hoạch tham mưu UBND tỉnh, đồng thời chỉ đạo các phòng GD-ĐT tham mưu UBND các huyện, thị quan tâm, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị từ nguồn vốn xây dựng cơ bản và từ nguồn thu xổ số kiến thiết và từ các nguồn vốn khác. Để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh (nhất là ở bậc mầm non và tiểu học), Sở GD-ĐT đề nghị UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư quan tâm, phân bổ bố trí nguồn thu từ xổ số kiến thiết để đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị cho các trường mầm non ở các huyện, thị trên địa bàn tỉnh.

LG

 

  • Từ khóa
11502

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu