Thứ 7, 20/04/2024 02:15:53 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 13:05, 27/07/2014 GMT+7

Sở Giáo dục - Đào tạo trả lời kiến nghị của cử tri

Chủ nhật, 27/07/2014 | 13:05:00 1,994 lượt xem
BPO - Tại kỳ họp lần thứ 9, HĐND tỉnh khóa VIII, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Văn Hùng đã có Văn bản số 1091/SGDĐT-VP về trả lời những ý kiến, kiến nghị của cử tri. Dưới đây, Binhphuoc Online xin gửi đến bạn đọc nội dung chính của văn bản này:

Một lớp học tại trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh - Ảnh: Hải Châu

Cử tri Lê Mộng Dân ngụ tại khu phố Phú Trung, phường An Lộc, thị xã Bình Long phản ánh: Gia đình ông thuộc diện chính sách (bệnh binh), theo quy định, con ông đi học được hưởng chế độ miễn học phí và được trợ cấp, nhưng từ tháng 6-2013 đến nay con ông vẫn chưa nhận được trợ cấp. Đề nghị ngành chức năng xem xét, giải quyết.

Sở Giáo dục trả lời: Theo quy định tại Nghị định số 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ qui định về miễn, giảm, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015, thì con của cử tri Lê Mộng Dân thuộc đối tượng được miễn học phí. Tuy nhiên, do ông không nêu rõ trường hợp của con ông đang học cấp nào nên Sở GD-ĐT chưa có cơ sở để trả lời rõ. Nếu trường hợp đang học mầm non, trung học cơ sở hoặc trung học phổ thông thì số tiền cấp bù học phí sẽ được ngân sách nhà nước cấp trực tiếp về cơ sở giáo dục người đó đang theo học. Trong trường hợp con của cử tri Lê Mộng Dân đang theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học công lập thì việc chi trả tiền cấp bù học phí thuộc trách nhiệm của nơi con ông theo học. Sở GD-ĐT đề nghị ông làm đơn và liên hệ trực tiếp với nơi con ông đang theo học để được xem xét, giải quyết.

Cử tri Điểu Má, ngụ tại Thôn Đắk Úy, xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng kiến nghị: Tỉnh xem xét lại quy định về tiêu chuẩn xét hồ sơ vào trường Dân tộc nội trú tỉnh đối với con em đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Thực tế hiện nay con em đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ học lực yếu hơn con em các đồng bào dân tộc thiểu số khác nên kết quả học tập đạt khá, giỏi là rất khó, khi tuyển vào trường dân tộc nội trú số em là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ đạt rất ít. Rất mong các cơ quan chức năng quan tâm để con em đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ có điều kiện tiếp tục theo học.

Sở GD-ĐT trả lời: Việc tuyển sinh vào trường phổ thông dân tộc nội trú phổ thông trung học tỉnh, hiện nay đang thực hiện theo quy định tại Quyết định số 49/2008/QĐ-BGDĐT của Bộ GD-ĐT về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường PTDTNT và Thông tư số 02/2013/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT về việc ban hành quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông. Theo đó, đối tượng tuyển sinh vào trường DTNT gồm: Thanh niên, thiếu niên là con em dân tộc thiểu số, con em gia đình các dân tộc định cư lâu dài tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Thanh niên, thiếu niên là con em dân tộc thiểu số ở các vùng khác nếu được UBND cấp tỉnh quy định là vùng có nhu cầu tạo nguồn cán bộ cho các dân tộc thì cũng thuộc diện tuyển sinh vào học trường PTDTNT. Tỷ lệ tuyển số học sinh này do UBND tỉnh quy định; Trường PTDTNT được phép tuyển sinh không quá 5% trong tổng số học sinh được tuyển là con em dân tộc Kinh định cư lâu dài ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Hàng năm, căn cứ trên cơ sở vật chất và trang thiết bị trường học của trường phổ thông DTNT THPT tỉnh, Sở GD-ĐT trình UBND tỉnh quyết định chỉ tiêu tuyển sinh của trường, trong công tác tuyển sinh vào trường DTNT năm học 2014-2015, tỉnh Bình Phước đặc biệt ưu tiên cho đối tượng học sinh là người dân tộc thiểu số tại chỗ, với tỷ lệ tuyển sinh vào trường như sau: Học sinh DTTS tại chỗ ưu tiên tuyển 60% tổng chỉ tiêu; Học sinh DTTS nhập cư tuyển 35% tổng chỉ tiêu; Học sinh người Kinh tuyển 5% tổng chỉ tiêu. Vì vậy không thể xảy ra trường hợp “khi tuyển vào trường phổ thông dân tộc nội trú số em là con em đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ đạt rất ít” như cử tri nêu.

Mặt khác, bên cạnh trường phổ thông DTNT THPT tỉnh Bình Phước, Sở GD-ĐT đã tham mưu UBND tỉnh xem xét và thành lập thêm trường phổ thông DTNT THPT Bù Gia Mập để tạo điều kiện cho học sinh dân tộc thiểu số của tỉnh có thêm cơ hội để học tập, trường bắt đầu tuyển sinh bậc THCS vào năm học 2014-2015, đến năm học 2015-2016 trường sẽ tuyển sinh bậc THCS và THPT.

Cử tri La Công Tâm ngụ tại ấp Phước Tân, xã Tân Phước, huyện Đồng Phú phản ánh: Việc dạy và học thêm ở trường Dân tộc nội trú huyện Đồng Phú và công tác quản lý học sinh chưa tốt; cụ thể như khai giảng được 1 tháng nhưng không có nước uống cho học sinh, dồn tiết học (thứ bảy, chủ nhật cho nghỉ), giáo vụ đánh học sinh nhưng khi phụ huynh hỏi thì Hiệu trưởng không trả lời. Trong khi đó, chế độ học sinh dân tộc được hưởng các chế độ tiền ăn ở trường, nhà trường cho học sinh nghỉ nhưng không cho học sinh hưởng chế độ tiền ăn của ngày thứ bảy, chủ nhật đó. Đề nghị Sở GD-ĐT kiểm tra và chấn chỉnh.

Sở GD-ĐT trả lời: Sở GD-ĐT đã tổ chức kiểm tra, xác minh các thông tin cử tri đã nêu tại trường DTNT huyện Đồng Phú về tình trạng nêu trên, cụ thể như sau: Việc dạy thêm học thêm, thu tiền học sinh ở trường hoàn toàn không có. Nhà trường chỉ tổ chức bồi dưỡng học sinh giỏi và phụ đạo học sinh yếu không thu tiền. Ý kiến cử tri cho rằng trường khai giảng được 1 tháng nhưng không có nước uống cho học sinh mà không nói rõ vào thời điểm nào. Trên thực tế, vào đầu năm học 2011-2012 do trường mới thành lập, thời gian đầu chưa có kinh phí hoạt động nên trường đã vận động phụ huynh tự túc nước uống cho các em học sinh trong gần 1 tháng là đúng (có biên bản họp và vận động chung đối với phụ huynh học sinh), sau đó nhà trường đã mua hệ thống lọc nước sạch đặt tại khu ký túc xá, phục vụ đủ nước uống cho học sinh. Về việc phản ánh nhà trường dồn tiết học để nghỉ thứ 7, Chủ nhật: Trường PTDT Nội trú THCS Đồng Phú là trường chuyên biệt dưới sự quản lý của Sở GD-ĐT nên thực hiện dạy, học 2 buổi/ngày đúng theo quy định của Bộ GD-ĐT và phân phối chương trình của Sở GD-ĐT. Theo đó, trường tổ chức dạy từ thứ 2 đến thứ 6 (5 ngày/tuần), còn lại vào thứ 7, chủ nhật nhà trường tổ chức chuyên đề ngoại khóa, bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu (có thời khóa biểu, kế hoạch phụ đạo, bồi dưỡng học sinh...) và sinh hoạt chuyên môn. Ngoài việc dạy 2 buổi trên lớp, nhà trường còn bố trí mỗi buổi tối thêm 2 giáo viên (có giáo vụ trực riêng) lên hướng dẫn các em học sinh học. Vì vậy, ý kiến của cử tri cho rằng nhà trường dồn tiết học để nghỉ thứ 7, Chủ nhật là không đúng.

Về ý kiến giáo vụ đánh học sinh khi phụ huynh hỏi thì thầy Hiệu trường không trả lời: Qua kiểm tra cho thấy không có trường hợp giáo vụ đánh học sinh xảy ra tại trường Nội trú Đồng Phú.

Về ý kiến về chế độ học sinh dân tộc được ăn, ở tại trường, cho học sinh nghỉ thứ 7, chủ nhật nhưng không cho học sinh hưởng chế độ đó: Trường cho học sinh nghỉ về thăm nhà vào thứ 7, chủ nhật cuối mỗi tháng theo nhu cầu của học sinh, tuy nhiên số lượng học sinh về thăm nhà chỉ chiếm khoảng 20-30% (có sổ ký nhận học sinh về thăm nhà của phụ huynh). Hội phụ huynh học sinh đã thống nhất với nhà trường dùng số tiền dư và đóng góp thêm kinh phí để tổ chức cho học sinh đi tham quan trong các năm học (có biên bản thống nhất chung với Ban đại diện cha mẹ học sinh).

Cử tri xã Minh Thắng, huyện Chơn Thành kiến nghị: Hiện nay, tình trạng dạy thêm vẫn còn tràn lan, đề nghị Sở GD-ĐT có giải pháp chấn chỉnh.

Sở GD-ĐT trả lời: Trong thời gian qua, Sở GD-ĐT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo quản lý công tác dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh. Trong năm học 2013-2014, Sở GD-ĐT không cấp giấy phép dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường mà chỉ cấp giấy phép dạy thêm trong nhà trường (đối với các trường trực thuộc sở), đồng thời chỉ đạo các phòng GD-ĐT quan tâm đến công tác cấp giấy phép cho các trường THCS. Trong năm học vừa qua, trong toàn tỉnh có 89 trường (33 trường THPT và 56 trường THCS) được cấp giấy phép dạy thêm với số giáo viên tham gia dạy thêm là 2.030 giáo viên (1468 giáo viên THPT và 562 giáo viên THCS), số học sinh tham gia học thêm là 37.470 học sinh (24.962 học sinh THPT và 12.508 học sinh THCS).

Để tăng cường quản lý công tác dạy thêm, Sở GD-ĐT và các phòng GD-ĐT huyện/thị xã đã tăng cường kiểm tra, khảo sát các điều kiện về cơ sở vật chất, kế hoạch giảng dạy, nội dung chương trình dạy thêm học thêm đối với các trường, cơ sở đề nghị cấp giấy phép. Kết hợp các đợt thanh tra toàn diện, kiểm tra đột xuất hoặc định kì việc tổ chức dạy thêm học thêm đối với các đơn vị trực thuộc. Trong năm học 2013-2014 đã tổ chức 20 đợt thanh tra, kiểm tra cấp phòng, sở và 90 đợt thanh tra, kiểm tra cấp trường. Qua thanh tra, kiểm tra, các cấp quản lý chưa phát hiện các trường hợp vi phạm quy định về dạy thêm học thêm trên địa bàn tỉnh.

Với các biện pháp nêu trên, tình hình dạy thêm học thêm trên địa bàn tỉnh đã cơ bản đi vào nề nếp và mang lại hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng giáo dục của cả tỉnh, trên địa bàn tỉnh không xảy ra tình trạng dạy thêm, học thêm tràn làn như cử tri đã nêu. Nếu cử tri phát hiện giáo viên dạy thêm không có giấy phép trên địa bàn tỉnh thì cung cấp thông tin cụ thể cho Sở GD-ĐT (qua Thanh tra sở) để Sở GD-ĐT có cơ sở xử lý người vi phạm theo quy định.

Cử tri Nguyễn Thị Sông Thao - Trường tiểu học Minh Hưng A-B huyện Chơn Thành kiến nghị: Trên địa bàn xã có nhiều khu công nghiệp, thu hút lượng lớn lao động về xã sinh sống và làm việc dẫn tới phòng học cho cấp mầm non và tiểu học thiếu rất nhiều. Đề nghị tỉnh hỗ trợ xây thêm phòng học cấp mầm non và tiểu học để đáp ứng nhu cầu cho năm học mới”

Sở GD-ĐT trả lời: Theo phân cấp quản lý thì việc quyết định thành lập thêm trường mầm non, mẫu giáo và tiểu học thuộc thẩm quyền của UBND các huyện, thị xã. Theo ý kiến của cử tri phản ánh, Sở GD-ĐT sẽ thường xuyên theo dõi tình hình để chỉ đạo các phòng GD-ĐT tham mưu cho UBND huyện/thị xã quyết định thành lập thêm trường học để giải quyết nhu cầu học tập tại các khu công nghiệp khi có đủ điều kiện thành lập trường theo quy định. Đồng thời, Sở GD-ĐT sẽ tham mưu UBND tỉnh xem xét, ban hành chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng trường mẫu giáo, tiểu học để giải quyết nhu cầu học tập cho con em công nhân tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Trước mắt, để giải quyết tốt nơi học tập cho học sinh, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo, hướng dẫn phòng GD-ĐT các huyện/thị xã một số biện pháp giải quyết tình trạng thiếu phòng học cho học sinh, nhất là học sinh mầm non ở các khu vực đô thị và các khu công nghiệp. Đồng thời, tạo điều kiện bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao chuyên môn cho giáo viên tại các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, các nhóm trẻ gia đình để phụ huynh yên tâm khi gửi trẻ mầm non tại các cơ sở ngoài công lập.

Nguyễn Văn Hùng

  • Từ khóa
11466

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu