Thứ 7, 20/04/2024 20:35:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 10:18, 30/07/2014 GMT+7

Sở TN-MT trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh

Thứ 4, 30/07/2014 | 10:18:00 1,611 lượt xem
BPO - Tại kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 9, khóa VIII vừa qua, Giám độc sở tài nguyên - Môi trường (TN-MT) đã có Văn bản số 1077/STNMT-VP trả lời chất vấn của các đại biểu. Dưới đây, Binhphuoc Online xin giới thiệu cùng bạn đọc về những nội dung chất vấn và trả lời chất vấn:

Nội dung chất vấn: Công tác giao, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) nói chung và đối với diện tích đất lâm phần giao về địa phương quản lý đến thời điểm hiện nay đạt tỷ lệ bao nhiêu %, những khó khăn vướng mắc và giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

Trả lời: Về kết quả cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất:

Theo số liệu tổng hợp kết quả cấp GCNQSD đất từ các huyện, thị xã lũy tiến tới thời điểm 30-6-2014 kết quả như sau: Tổng số GCN đã ký cấp là: 391.566 giấy. Trong đó: Có 6.013 GCN của tổ chức và 385.584 GCN của hộ gia đình, cá nhân. Tổng diện tích đã cấp GCN là: 522.025,8 ha. Trong đó tổ chức: 256.199,4 ha; hộ gia đình, cá nhân: 265.826,4 ha. Như vậy, tỷ lệ diện tích đã cấp GCN đến thời điểm hiện tại là: 86,0% trên tổng diện tích cần cấp GCN, so với cuối năm 2013 tăng 9,85%, đạt chỉ tiêu hoàn thành cơ bản cấp GCN lần đầu theo Chỉ thị số 05/CT-TTg của Thủ tướng chính phủ và Nghị quyết số 30/2012/QH13 của Quốc hội.


Đất lâm nghiệp giao về cấp huyện quản lý theo quy hoạch 3 loại rừng, cấp GCN đạt tỷ lệ rất thấp (đến nay mới được 16,2% diện tích) - Ảnh: Trần Phương

Tiến độ cấp GCNQSD đất đối với đất lâm nghiệp trả về địa phương theo  quy hoạch 3 loại rừng (tính đến ngày 30-6-2014): Tổng số hồ sơ đã cấp GCN: 11.675 hồ sơ; tổng diện tích đã cấp: 18.823.5 ha. Trong đó, giao đất: 5.876 hồ sơ, diện tích: 6.764,4 ha; Thuê đất: 5.799 hồ sơ, diện tích: 12.059,1 ha. Tỷ lệ diện tích đã cấp GCN trên tổng diện tích đất cần cấp là: 16,2 %, tăng 8,6 % so với thời điểm sơ kết thực hiện Quyết định số 52/2009/QĐ-UBND ngày 4-11-2009 của UBND tỉnh.

Những khó khăn, vướng mắc: Một số địa phương tổ chức công tác xét duyệt hồ sơ đăng ký cấp GCN còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Các chủ sử dụng đất nằm trong phần diện tích đất lâm nghiệp trả về địa phương không muốn đăng ký cấp giấy chứng nhận do ngại phải thuê đất. Nhiều trường hợp giấy chứng nhận đã cấp chồng lên đất lâm trường trước đây, nay giao về địa phương quản lý sau quy hoạch 3 loại rừng.

Nguồn vốn của Trung ương và địa phương chi cho Dự án tổng thể xây dựng hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai không chủ động được: có năm bố trí, có năm không. Công tác quy hoạch, quản lý, cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010 và Nghị định số 15/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung của Luật Khoáng

sản. Dự án “Quy hoạch thăm dò, khai thác chế biến và sử dụng khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường tỉnh Bình Phước đến năm 2010 và định hướng tới năm 2020” đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 11/QĐ-UBND ngày 3-1-2008. Trong quá trình thực hiện việc cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản, Sở TN-MT đã tham mưu UBND tỉnh bổ sung 18 vị trí mỏ vào quy hoạch thăm dò, khai thác chế biến và sử dụng khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường đến năm 2010 và định hướng tới năm 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại các Quyết định: số 974/QĐ-UBND ngày 15-4-2011, số 1334/QĐ-UBND ngày 9-6-2011, số 1492/QĐ-UBND ngày 28-6-2011, số 1861/QĐ-UBND ngày 15-8-2011.

Để cụ thể hóa Luật Khoáng sản năm 2010 và thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 10 Luật Khoáng sản và Khoản 1, Điều 9 Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 9-3-2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản, ngày 17-9-2012 Sở TN-MT đã đề nghị UBND tỉnh thuận chủ trương lập quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 (Công văn số 842/STNMT-KS) và đã được UBND tỉnh chấp thuận tại Công văn số 3275/UBND-KTN ngày 2-10-2012.

Ngày 25-4-2013, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 658/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề cương dự án quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025. Ngày 5-8-2013, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1340/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự toán và kế hoạch đấu thầu gói thầu: Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản. Sau đó, Sở TN-MT đã tổ chức đấu thầu thực hiện dự án. Ngày 2-10-2013, sở đã phê duyệt kết quả đấu thầu gói thầu quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 (Quyết định số 172/QĐ-STNMT). Kết quả đấu thầu là Liên đoàn bản đồ địa chất miền Nam trực thuộc Tổng cục địa chất và khoáng sản Việt Nam trúng với với giá trị gói thầu là 2.496.600.000 đồng (Bằng chữ: Hai tỷ, bốn trăm chín mươi sáu triệu, sáu trăm nghìn đồng). Thời gian thực hiện là 6 tháng kể từ ngày ký hợp đồng (ngày 10-10-2013). Dự án quy hoạch dự kiến thông qua tại kỳ họp HĐND tỉnh giữa năm 2014.

Dự toán thực hiện dự án được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1340/QĐ-UBND là 2.496.614.000 đồng và được giao trong năm 2013 và 2014. Đến nay, sở mới được cấp kinh phí là 748.980.000 đồng (30% dự toán được duyệt). Do tình hình thu ngân sách tỉnh gặp khó khăn nên Sở Tài chính sẽ tổng hợp dự toán vào ngân sách tỉnh năm 2015 (theo Công văn số 1660/STC-HCSN ngày 17-6-2014). Do nguồn kinh phí đã cấp không đảm bảo theo dự toán đã được phê duyệt nên tiến độ thực hiện dự án chưa đảm bảo theo thời hạn hợp đồng đã ký kết. Mặt khác, theo trình tự lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu trên địa bàn tỉnh (Công văn số 3270/UBND-KTTH, ngày 10-10-2014 của UBND tỉnh) thì Sở TN-MT phải tổ chức lấy ý kiến, hội thảo, phản biện quy hoạch (Bước 3); phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư trình Chủ tịch UBND tỉnh thành lập Hội đồng thẩm định tỉnh để tổ chức thẩm định (Bước 4); lập báo cáo thẩm định, lấy ý kiến của Sở Kế hoạch và Đầu tư về sự phù hợp mục tiêu, công trình trọng điểm, tính đồng bộ với quy mô, tiến độ, bước đi, thứ tự ưu tiên và về khả năng đáp ứng nguồn lực cho quy hoạch trước khi trình HĐND tỉnh thông qua và UBND tỉnh phê duyệt.

Đến nay, Dự án quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản đã thực hiện xong công tác điều tra, đánh giá khoáng sản; công tác khoan, khai đào; công tác lấy mẫu thí nghiệm, phân tích mẫu để đánh giá chất lượng khoáng sản và đơn vị tư vấn đang tiến hành lập báo cáo tổng kết dự án gửi Sở Tài nguyên và Môi trường xin ý kiến phản biện của các chuyên gia, các ngành của Trung ương và địa phương. Do có sự thay đổi về trình tự, thủ tục thông qua dự án quy hoạch nên sở đã đề nghị UBND tỉnh hoãn trình HĐND tỉnh nghị quyết thông qua dự án quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản đến năm 2020 và định hướng 2025 tại kỳ họp giữa năm 2014 và bổ sung trình vào kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm 2014 và đã được UBND tỉnh xem xét, trình Thường trực HĐND tỉnh tại Công văn số 1266/UBND-KTTH ngày 6-5-2014.

Trách nhiệm của Sở TN-MT đối với các vấn đề nêu trên:

Đối với công tác giao, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác giao, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Sở TN-MT đề ra giải pháp thực hiện, cụ thể như sau:

Đôn đốc các huyện, thị xã đẩy nhanh tiến độ xét duyệt và đơn vị tư vấn tập trung rà soát hoàn thiện hồ sơ đăng ký cấp GCN. Tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và chấp hành chính sách thuê đất của tỉnh theo Quyết định số 21/2013/QĐ-UBND ngày 6-5-2013 của UBND tỉnh. Đối với GCN đã cấp chồng đất lâm trường, trước mắt cho đăng ký cấp đổi (trong khu đo chính quy) để thống kê, phân loại và xin ý kiến của UBND tỉnh giải quyết.

Đối với công tác quy hoạch, quản lý, cấp phép khai thác khoáng sản: Ý thức được trách nhiệm của Sở TN-MT trong việc tham mưu UBND tỉnh công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh, sở đã tham mưu UBND tỉnh triển khai lập dự án quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bình Phước đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 đối với các loại khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp của UBND tỉnh theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tuy nhiên việc triển khai chậm tiến độ do các điều kiện khách quan như: kinh phí được cấp không đảm bảo dự toán, trình tự thẩm định, phê duyệt quy hoạch có sự thay đổi nên tiến độ thực hiện dự án quy hoạch không đảm bảo. Sở TN-MT sẽ nghiêm túc rút kinh nghiệm và cố gắng phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn thành dự án gửi hội đồng thẩm định của tỉnh xem xét, trình HĐND tỉnh thông qua trong kỳ họp cuối năm 2014.

Nguyễn Phú Quới

  • Từ khóa
11482

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu