Thứ 6, 19/04/2024 03:21:34 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 10:29, 27/04/2017 GMT+7

Sự bảo trợ của người tiêu dùng

Thứ 5, 27/04/2017 | 10:29:00 135 lượt xem

BP - Những ngày gần đây, cư dân mạng trong nước bất ngờ trước sự xuất hiện của một chiếc điện thoại cao cấp do chính Viện Nghiên cứu và Phát triển Viettel tạo ra và được lan truyền trên mạng. Với tên gọi Viettel Luxury Phone, chiếc điện thoại có ngoại hình khá giống điện thoại siêu sang của Vertu nhưng lại có khả năng siêu bảo mật khi sản phẩm được tích hợp chip bảo mật với nhiệm vụ mã hóa tin nhắn, cuộc gọi, chặn cuộc gọi, chống nghe lén, hủy dữ liệu từ xa hay lọc tin nhắn quảng cáo. Viettel cho biết, trong trường hợp người dùng điện thoại nhập sai mật khẩu nhiều lần hoặc tháo sim ra khỏi máy, nó sẽ tự động xóa các dữ liệu có trong máy ngay lập tức để đảm bảo an toàn. Được biết Viettel có kế hoạch chỉ sản xuất khoảng 100 chiếc điện thoại Viettel Luxury Phone với mục tiêu hướng đến đối tượng người dùng là doanh nhân hoặc những người cần tính bảo mật cao. Loại điện thoại này dự kiến được bán ra vào cuối năm 2017 với giá trên 23 triệu đồng/chiếc.

Với người Việt Nam, từ xưa tới nay, tâm lý sính hàng ngoại là điều dễ hiểu khi mà chất lượng hàng hóa của chúng ta thường thua kém các nước tiên tiến trên thế giới. Cũng vì tâm lý sính hàng ngoại đó mà từ năm 2009, Ủy ban Trung ương MTTQVN đã phát động cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên phạm vi cả nước. Từ đó đến nay, ủy ban MTTQVN các cấp đã phải huy động đến tình cảm cộng đồng để hỗ trợ sản xuất trong nước. Không thể phủ nhận sức lan tỏa của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong thời gian qua. Với một nền kinh tế đang trên con đường hội nhập, sự tiếp sức bằng tình cảm cộng đồng, tình yêu Tổ quốc của gần 90 triệu người dân Việt Nam sẽ là nguồn lực to lớn để tiếp sức cho hàng hóa được sản xuất trong nước. Những câu khẩu hiệu “Hãy mua hàng Việt Nam”, “Dùng hàng Việt Nam là yêu nước”... được chăng trang trọng tại các hội chợ hàng Việt, những chuyến hàng Việt về nông thôn... đã và đang giúp các doanh nghiệp mới chập chững những bước đi đầu tiên trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế.

Tuy nhiên, trong cuộc chơi mang tên cạnh tranh toàn cầu này, việc hướng người Việt đến xu hướng tiêu dùng hàng nội địa không thể chỉ dừng lại ở những lời kêu gọi “hãy dùng hàng Việt Nam”. Cùng với lời kêu gọi, các doanh nghiệp, nhà sản xuất cần nỗ lực rất nhiều để giành được sự bảo trợ của người tiêu dùng trong nước. Khác với sự bảo trợ của Nhà nước, sự bảo trợ từ phía người tiêu dùng là hoàn toàn tự nguyện. Nhưng để có được sự tự nguyện đó, các doanh nghiệp, nhà sản xuất cần phải phấn đấu liên tục để giữ gìn lấy nó. Không phải ngẫu nhiên mà một sọt thịt heo an toàn của một chị nông dân “tự sản tự tiêu” bày nhếch nhác ở góc đầu đường vào chợ Đồng Xoài buổi sáng sớm lại vòng trong vòng ngoài người mua tranh giành nhau; trong khi các sạp thịt đề huề bên cạnh lại chỉ đứng đuổi ruồi! Hãy ưu tiên dùng hàng Việt Nam, nhưng nếu các doanh nghiệp, nhà sản xuất lợi dụng sự ưu ái của người tiêu dùng để gian dối, làm ẩu thì họ lập tức sẽ bị trả giá. Bởi “một sự bất tín, vạn sự bất tin”, mỗi khi người tiêu dùng thay đổi sự lựa chọn sẽ có nguy cơ dẫn đến phá sản của một doanh nghiệp, một thương hiệu.

Bằng sự nhận thức phù hợp với thay đổi của thời cuộc, ngày nay các nhà sản xuất trong nước đã lấy chữ tín làm đầu. Rất nhiều sản phẩm “made in Vietnam”, trong đó có những sản phẩm đặc biệt như chiếc Viettel Luxury Phone nói trên đã trở thành đối tượng săn lùng của nhiều người. Chỉ có con đường không ngừng cạnh tranh về chất lượng sản phẩm và giá thành thì các doanh nghiệp, nhà sản xuất mới giành được sự bảo trợ của người tiêu dùng - không kể là người tiêu dùng trong nước!

 Nguyên Thủy

  • Từ khóa
108624

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu