Thứ 6, 26/04/2024 18:22:08 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:20, 28/08/2014 GMT+7

Sự cấp thiết của một đạo luật

Thứ 5, 28/08/2014 | 08:20:00 94 lượt xem
BP - Bộ Nội vụ vừa hoàn tất và công bố Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương để lấy ý kiến đóng góp của các cấp, ngành và nhân dân. Luật này sẽ thay thế Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND) số 11/2003/QH11.

Căn cứ Hiến pháp năm 1992, Quốc hội đã ban hành Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 (Luật năm 2003). Và qua hơn 10 năm thi hành luật cho thấy, tổ chức và hoạt động của HĐND và UBND đã đáp ứng các yêu cầu quản lý, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, qua thực tiễn hoạt động của HĐND và UBND các cấp trong thời gian qua và yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ mới cho thấy Luật năm 2003 đã bộc lộ những vấn đề cần được nghiên cứu bổ sung, sửa đổi như: Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND và UBND cơ bản giống nhau ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) dẫn đến tình trạng trùng giẫm nhiệm vụ, thẩm quyền giữa các cấp; có vấn đề cả 3 cấp HĐND cùng ra nghị quyết và UBND cả 3 cấp cùng triển khai thực hiện, nhưng không rõ thẩm quyền quyết định và phạm vi thực hiện mỗi cấp; một số nhiệm vụ theo luật định, HĐND và UBND cấp xã không có khả năng thực thi.

Bên cạnh đó, cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động của HĐND, UBND các cấp được thiết kế cơ bản giống nhau giữa chính quyền khu vực đô thị và chính quyền khu vực nông thôn, chưa phân biệt rõ theo đặc điểm đô thị, nông thôn, hải đảo và yêu cầu quản lý của HĐND, UBND ở các đơn vị hành chính. Trách nhiệm, thẩm quyền giữa cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã chưa được phân định rõ ràng, rành mạch. Việc phân định thẩm quyền, trách nhiệm giữa tập thể UBND và cá nhân người đứng đầu UBND chưa cụ thể; chưa đề cao được trách nhiệm của tập thể UBND trong việc quyết định các vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền; chưa có cơ chế nâng cao tính chủ động, tự chịu trách nhiệm cá nhân của Chủ tịch UBND và các thành viên UBND trong việc thực hiện nhiệm vụ, thẩm quyền được phân công.

Luật năm 2003 chưa quy định rõ việc kiểm tra của UBND cấp trên đối với UBND cấp dưới và cơ chế, hình thức, phương pháp phối hợp giữa UBND với Thường trực HĐND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương. Việc quy định nhiệm vụ, quyền hạn của UBND các cấp, đặc biệt là đối với cấp xã còn bỏ sót một số lĩnh vực công tác.

Hơn nữa, Hiến pháp năm 2013 cũng đã có những điểm mới về chính quyền địa phương. Vì vậy, việc xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương để thay thế Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 nhằm kế thừa những ưu điểm và khắc phục các hạn chế, tồn tại của Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 và luật hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương các cấp là cần thiết.

N.V

 

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu