Thứ 3, 16/04/2024 13:13:20 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:13, 27/12/2018 GMT+7

Sự đòi hỏi vô cùng phi lý

Thứ 5, 27/12/2018 | 09:13:00 1,134 lượt xem
BP - Để phục vụ mưu đồ “phi chính trị hóa” quân đội, các thế lực thù địch, phản động không từ bất cứ thủ đoạn nào, dù là phi lý nhất, từ công kích vào chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong toàn quân. Trong đó, thâm độc hơn cả là luận điệu đòi bỏ cơ quan chính trị và cán bộ chính trị trong quân đội.

Có thể nói, đây là một đòi hỏi hoàn toàn phi lý. Bởi vì, cơ quan chính trị và cán bộ chính trị là một phần không tách rời của quân đội ta. Mọi người đều biết, trước khi Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ra đời năm 1944, thì ngay trong các đội vũ trang tiền thân của mình là Cứu Quốc quân, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bố trí cán bộ chính trị - lúc bấy giờ gọi là đại diện của Đảng - bên cạnh người chỉ huy để chăm lo về mặt tổ chức, tư tưởng và chính sách, đảm bảo các hoạt động quân sự luôn đi đúng đường lối chính trị của Đảng.

Sau khi Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập, chiến đấu và ngày càng phát triển về quy mô, lực lượng, tính chất tác chiến thì một mình người cán bộ đại diện của Đảng không thể hoàn thành nhiệm vụ được giao. Vì vậy, Đảng, Bác Hồ và Quân ủy Trung ương đã quyết định thành lập cơ quan chính trị từ cấp đại đội trở lên - gọi là ban công tác chính trị đại đội đến Tổng cục Chính trị - để đảm nhiệm toàn bộ hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội và dân quân tự vệ. Có thể nói, công tác đảng, công tác chính trị là linh hồn, mạch sống của quân đội, bảo đảm cho quân đội càng đánh càng mạnh, càng đánh càng chiến thắng.

Như vậy, cơ quan chính trị và cán bộ chính trị - chủ thể tiến hành công tác đảng, công tác chính trị - ra đời gắn liền với quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và chiến thắng của quân đội ta. Nếu bỏ cơ quan chính trị và cán bộ chính trị chẳng khác nào từ bỏ sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, sẽ làm cho quân đội mất phương hướng, cán bộ, chiến sĩ không rõ mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của mình. Từ đó, chúng sẽ dễ dàng tiến công để xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa. Đó là điều vô cùng nguy hại, vì những việc làm như vậy hoàn toàn trái với bản chất, truyền thống tốt đẹp của quân đội ta: Trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng.

Lịch sử quá trình dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm của dân tộc, đâu phải lúc nào ta cũng sử dụng đòn quân sự. Cha ông ta đã kết hợp rất nhuần nhuyễn giữa tiến công quân sự với hoạt động chính trị, nhằm củng cố sĩ khí quân ta, làm nhụt chí quân địch. Thời Trần, là các Hội nghị Diên Hồng, Bình Than; thời Lê Lợi kháng chiến chống quân Minh là Hội thề Lũng Nhai, rồi các đòn tâm công - đánh vào lòng người (quân Minh) - của Nguyễn Trãi. Hay, lời hứa sẽ làm lễ khao quân ở Thăng Long ngày tết Kỷ Hợi của Quang Trung - Nguyễn Huệ. Như vậy, chính trị trong quân sự là truyền thống ngàn đời của cha ông, ngày nay chúng ta càng phải ra sức giữ gìn và phát huy lên một tầm cao mới.

Hiện nay, tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, nhanh chóng, khó lường. Bất cứ một sai sót nào về mặt chính trị của Đảng, Nhà nước ta nói chung, quân đội ta nói riêng, cũng sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường. Do đó, đòi hỏi quân đội ta phải luôn luôn tỉnh táo, vững vàng, nhạy bén về chính trị. Muốn vậy, cần tăng cường hơn nữa công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội. Vì vậy, kêu gọi bỏ cơ quan chính trị, cán bộ chính trị trong quân đội ở thời điểm hiện nay và mãi mãi về sau là một đòi hỏi vô cùng phi lý. Bài học “Hải Dương 981” (tháng 5-2014) trên biển Đông là một minh chứng điển hình. Thử hỏi, nếu lúc đó lực lượng chấp pháp của ta không có bản lĩnh chính trị vững vàng, không tuyệt đối trung thành với chủ trương của Đảng, không kiên trì đấu tranh, chỉ cần một phút thiếu kiềm chế thì có lẽ hậu quả sẽ vô cùng khôn lường, khó đoán định được.

Quân đội ta đã và đang được xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, lấy xây dựng vững mạnh về chính trị làm cơ sở. Do đó, đòi bỏ cơ quan chính trị, cán bộ chính trị trong quân đội lại càng phi lý hơn bao giờ hết. Và nhìn vào thực tế xây dựng, chiến đấu của quân đội các nước trên thế giới, chúng ta càng thấy vai trò to lớn, không thể thiếu của cơ quan chính trị và cán bộ chính trị. Trước đây, Hồng quân Liên Xô chủ yếu là đội quân bạch vệ của Sa hoàng - đây đích thực là đội quân đánh thuê chuyên nghiệp, làm gì có mục tiêu, lý tưởng chiến đấu vì Tổ quốc, vì nhân dân. Nhưng từ sau khi Lênin thực hiện chế độ chính ủy, tiến hành công tác chính trị thì Hồng quân đã lột xác hoàn toàn, trở thành một đội quân cách mạng thực thụ, một lực lượng chiến đấu trung thành của Đảng, Nhà nước Xô Viết, là nỗi khiếp đảm của bọn phát xít xâm lược, của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động quốc tế. Nói về vai trò của chế độ chính ủy, Lênin đã tổng kết “không có các chính ủy, chúng ta không có Hồng quân”. Ngay chính các nước tư bản phương Tây, mặc dù không gọi là cơ quan chính trị, cán bộ chính trị, song trong quân đội các nước này đều biên chế các sĩ quan tuyên úy thực hiện nhiệm vụ như cán bộ chính trị vậy.

Tóm lại, tiến hành công tác đảng, công tác chính trị là nhiệm vụ xuyên suốt trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của quân đội ta. Nó là sự đúc kết truyền thống dân tộc, lý luận xây dựng lực lượng vũ trang thế giới và tinh hoa quân sự Mác - Lênin, tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh. Vì vậy, kêu gọi bỏ cơ quan chính trị và cán bộ chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ là luận điệu phản động, hòng đạt mục đích sâu xa lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam mà thôi.

Thanh Quang

  • Từ khóa
2823

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu