Thứ 6, 26/04/2024 22:29:16 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 15:16, 05/08/2015 GMT+7

Sự giận dữ của thiên nhiên

Thứ 4, 05/08/2015 | 15:16:00 1,051 lượt xem

BP - Trong những ngày qua, mưa lớn liên tục đã diễn ra ở các tỉnh phía Bắc nước ta. Địa phương chịu nhiều thiệt hại nhất là tỉnh Quảng Ninh. Mưa lũ đã làm hàng chục người chết, hàng ngàn ngôi nhà ngập chìm trong biển nước, các công trình công cộng và nhất là những công trường khai thác than tan hoang dưới trời mưa lũ, thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng. Người dân phải đối mặt với tình trạng mất điện, mất nước, thiếu lương thực thực phẩm.

Hầu như năm nào vào mùa mưa bão nước ta cũng phải chịu những cảnh thiên tai tàn phá, không địa phương này thì cũng là nơi khác; không ở miền Bắc thì miền Trung. Đó chính là sự thay đổi phức tạp của hiện tượng biến đổi khí hậu. Có người bảo khi ông trời “nổi giận” thì con người đành “bó tay”?. Đúng là ông trời đã “nổi giận” nhưng nguyên nhân vẫn là do con người. Đã có ý kiến buộc tội nha khí tượng đưa ra những dự báo thời tiết không chính xác; do một số dự án đang xây dựng tại các khu vực ven bờ vịnh thuộc thành phố Hạ Long gây tắc nghẽn nguồn nước xả, hoặc như ông Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho rằng “dân chủ quan, chính quyền chưa quyết liệt”... tất cả những nguyên nhân đó đều chưa thỏa đáng. Đơn giản là thiên nhiên vốn dĩ vô thường, còn khoa học dự báo là chủ quan và hữu hạn. Xung quanh những trận mưa lũ ở các tỉnh phía Bắc dẫu chưa phải là “đại hồng thủy”, nhưng đã bộc lộ bao nhiêu điều bất cập. Vì vậy, chắc chắn sau trận lũ lụt này, Chính phủ cũng như tỉnh Quảng Ninh và nhiều địa phương khác trong cả nước cần phải xem lại quy hoạch, rút ra những bài học kinh nghiệm để ứng phó với thiên nhiên. Theo các nhà khoa học, việc ông trời “nổi giận” là hậu quả của sự không tính toán trong quy hoạch; không kiểm soát được tốc độ đô thị hóa; không giữ được rừng phòng hộ; là sự tàn phá rừng ngập mặn; các công trình công nghiệp chồng lấn hủy hoại môi trường và thôn tính nhau...

Tỉnh Bình Phước nằm ở vùng Đông Nam bộ, khí hậu, đất đai được cho là khá ổn định, chưa chịu sự tàn phá lớn của thiên nhiên, nhưng hằng năm cứ vào mùa khô là thiếu nước; vào mùa mưa là dông lốc, sét, lũ cục bộ. Hầu như năm nào cũng có người chết do bị sét đánh. Theo Viện Vật lý địa cầu, Việt Nam nằm ở một trong ba tâm dông trên thế giới có hoạt động dông sét mạnh. Đây là lý do vì sao cứ mỗi khi mùa mưa đến, số người bị sét đánh gây tử vong ở tỉnh ta nói riêng và cả nước nói chung lại tăng cao. Đáng lưu ý là sấm sét thường gắn liền với hoạt động của những cơn dông, lốc. Những nằm gần đây, khi mùa mưa bão đến thì bão không còn là bão mà là siêu bão. Hạn hán kéo dài và lan rộng cả một vùng rộng lớn ở miền Trung; miền Tây điêu đứng vì thiếu nước ngọt...

Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng một trong những nguyên nhân căn bản mà nhà hoạt động môi trường người Anh James Lovelock, đã nói: “Con người chúng ta đã quá nhẫn tâm với thiên nhiên nên phải chấp nhận trả giá. Chúng ta cần phải nhanh chóng thay đổi nhận thức một cách tích cực, nếu không muốn đón nhận sự giận dữ của thiên nhiên”.

Hà Thanh

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu