Thứ 7, 20/04/2024 19:21:51 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 09:00, 13/09/2014 GMT+7

Sự mâu thuẫn giữa hai đạo luật

Thứ 7, 13/09/2014 | 09:00:00 153 lượt xem
BP - Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đã được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 29-11-2005 và cả hai luật này đều có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2006.

Theo đó, phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp là việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của doanh nghiệp; còn phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư là hoạt động đầu tư nhằm thực hiện mục đích kinh doanh. Tuy phạm vi điều chỉnh của hai luật này về nguyên tắc hoàn toàn tách bạch nhau, nhưng khi đi vào chi tiết lại có sự chồng chéo và thậm chí là mâu thuẫn.

Cụ thể là về hoạt động của doanh nghiệp, lẽ ra Luật Đầu tư chỉ cần điều chỉnh việc cấp giấy chứng nhận đầu tư nhằm xác nhận những ưu đãi mà dự án được hưởng. Tuy nhiên, trên thực tế thì Luật Đầu tư lại điều chỉnh cả việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp bằng quy định tại khoản 1, Điều 50 như sau: Nhà đầu tư nước ngoài lần đầu đầu tư vào Việt Nam phải có dự án đầu tư và làm thủ tục đăng ký đầu tư hoặc thẩm tra đầu tư tại cơ quan nhà nước quản lý đầu tư để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Với quy định như trên thì Luật Đầu tư đã điều chỉnh cả việc thành lập doanh nghiệp và như vậy cũng có nghĩa là Luật Đầu tư đã lấn vào sân Luật Doanh nghiệp, gây nên những vướng mắc khó giải quyết. Ví dụ như trong trường hợp một doanh nghiệp có giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì có quyền thay đổi đăng ký kinh doanh tại cơ quan đăng ký kinh doanh hay không? Đây là câu hỏi rất khó trả lời, bởi theo quy định của Luật Doanh nghiệp thì những doanh nghiệp trên chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Và chính vì việc không quy định rõ ràng, không tách bạch vấn đề thẩm quyền đăng ký kinh doanh của hai luật này nên đã và đang gây ra không ít khó khăn cho doanh nghiệp.

Mặt khác, Luật Đầu tư còn phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể là nhà đầu tư trong nước phải đăng ký dự án đầu tư theo Luật Đầu tư và thành lập tổ chức kinh tế theo Luật Doanh nghiệp. Còn nhà đầu tư nước ngoài chỉ cần có giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Còn nữa, sau khi nhận được giấy chứng nhận đầu tư, nhà đầu tư cũng không vì thế mà có thể cắt bỏ được các giấy phép khác, như: Giấy phép xây dựng, giấy phép của cơ quan quản lý đất đai, giấy phép của cơ quan quản lý môi trường và các giấy phép khác liên quan đến hoạt động của dự án đầu tư đó. Và trong thực tế thì Giấy chứng nhận đầu tư không thay thế được các loại giấy phép trên.

Vấn đề đặt ra ở đây là doanh nghiệp cần giấy chứng nhận đầu tư để làm gì? Trong khi theo quy định của Luật Đầu tư thì doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư là đã đủ điều kiện để đầu tư, thì tại sao lại buộc nhà đầu tư phải xin các loại giấy phép khác nữa? Do đó, để đẩy nhanh việc thu hút vốn đầu tư từ trong và ngoài nước thì việc sửa đổi, bổ sung các quy định mới trong Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư để tránh tình trạng chồng chéo, lấn sân giữa hai luật trên là rất cần thiết.   

K.N

 

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu