Thứ 6, 19/04/2024 06:09:56 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:39, 16/03/2016 GMT+7

Sự nguy hại của “tín dụng đen”

Thứ 4, 16/03/2016 | 08:39:00 314 lượt xem
BP - Trong những ngày này, người dân các tỉnh Nam bộ đang phải gồng mình đối phó với hạn hán, xâm nhập mặn. Cuối tháng 2-2016, tỉnh Cà Mau đã công bố thiên tai cấp độ 1 trên địa bàn thì trong tháng 3 tại các huyện Cái Nước, Đầm Dơi, Thới Bình và thành phố Cà Mau, không chỉ những người nghèo mà cả những người từng có vài chục tỷ đồng cũng có nguy cơ trắng tay vì “tín dụng đen”. Thiên tai hạn hán, lại thêm “tín dụng đen” hoành hành làm cho đời sống người dân ngày càng thêm điêu đứng.

Theo số liệu của Bộ Công an, từ 2010 đến đầu 2015, lực lượng chức năng đã thụ lý 6.367 vụ việc, khởi tố gần 11.000 bị can liên quan đến “tín dụng đen”, trong đó có nhiều vụ án cực kỳ nghiêm trọng. Ở Bình Phước cũng đã có khá nhiều vụ vỡ nợ do “tín dụng đen”, tiêu biểu là vụ vỡ nợ ở Lộc Ninh với số tiền hơn 30 tỷ đồng vào cuối năm 2014. Hoạt động tín dụng đen ở nước ta đã âm ỉ từ rất lâu nhưng gần đây mới đổ bể nhiều và diễn biến phức tạp. Những người tìm đến tín dụng đen hầu hết là người nghèo, không có tài sản thế chấp, có nhu cầu cần gấp một khoản tiền nhưng không đủ điều kiện để tiếp cận nguồn vốn của các tổ chức tín dụng. Vụ việc tại Cà Mau tiếp tục là lời cảnh báo tới người dân các tỉnh, thành khác về việc tham gia vào các đường dây “tín dụng đen”.

Trong từ điển tiếng Việt không có định nghĩa về “tín dụng đen” nhưng có thể hiểu “tín dụng đen” là dạng huy động và cho vay tín dụng không thông qua hệ thống ngân hàng, không đăng ký kinh doanh cũng như chưa được cấp phép và không chịu sự quản lý chính thức bởi bất cứ cơ quan quản lý nhà nước nào. Tín dụng đen có lãi suất huy động và cho vay cao, thủ tục thực hiện đơn giản, có khi chẳng cần thế chấp. Nhưng một khi đã đến với “tín dụng đen” thì coi như tự đưa chân vào con đường phá sản. Tín dụng đen thường diễn ra âm thầm nhưng hệ lụy của nó thì có thể dẫn đến khuynh gia bại sản.

“Tín dụng đen” như những chiếc vòi bạch tuộc, len lỏi khắp nơi, thu hút các nguồn vốn nhàn rỗi của người dân. Khi chưa có sự vụ gì xảy ra, nhiều người đã coi tín dụng đen như “phao cứu sinh” hoặc có nguồn lợi bất ngờ đối với gia đình, doanh nghiệp mình. Nhưng khi một vụ án “tín dụng đen” vỡ lở, doanh nghiệp và nhiều gia đình phải gánh chịu hậu quả, dẫn đến tan cửa, nát nhà, cơ đồ tiêu tan. Theo các chuyên gia, do quy định pháp luật hiện nay chưa rõ ràng nên các đối tượng cho vay dạng tín dụng đen dễ dàng lách luật bằng nhiều cách. Nhưng nguyên nhân sâu xa vẫn bắt nguồn từ sự thiếu thông tin và thiếu hiểu biết của người dân. Sự thiếu thông tin đó đã mở đường cho tính hám lợi, coi thường pháp luật... dẫn tới hoạt động tín dụng đen ngày càng phát triển.

Để ngăn chặn có hiệu quả “tín dụng đen” thì phải triệt tiêu nguyên nhân phát sinh ra nó. Trước hết, cần nâng cao nhận thức của người dân về pháp luật, sự tác hại và nguy cơ của tín dụng đen để họ tự phòng tránh. Cấp ủy, chính quyền địa phương phải đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin về hậu quả của việc tham gia hoạt động cho vay nặng lãi, cũng như các biểu hiện, hành vi của những kẻ hoạt động tín dụng đen. Nâng cao nhận thức, kết hợp cải thiện đời sống kinh tế của người dân là hai biện pháp then chốt để từng bước loại bỏ tín dụng đen. Nhà nước tiếp tục tăng cường các chế tài pháp luật đủ mạnh để nhận diện và trừng phạt hoạt động tín dụng đen. Song song đó, phải triệt tiêu tận gốc các hành vi kinh doanh phi pháp như buôn lậu, gian lận thương mại, rửa tiền, kinh doanh hàng cấm... Kết hợp đồng bộ các giải pháp thì mới mong có thể loại trừ được “tín dụng đen” ra khỏi đời sống xã hội.

Hà Thanh

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu