Thứ 6, 19/04/2024 11:15:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:38, 26/09/2017 GMT+7

Sự trở về của một người con xa xứ

Thứ 3, 26/09/2017 | 08:38:00 4,418 lượt xem
BP - Về thăm quê đợt này, tôi tình cờ gặp một người ở xóm trên, tên Toàn, hiện định cư ở Mỹ và cũng đang trong những ngày thăm quê hương. Tôi không biết chính xác ông Toàn bao nhiêu tuổi, chỉ biết ông thuộc lớp người đã trưởng thành vào thời điểm miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Ngày ấy, dân làng đồn rằng ông đã tìm mọi cách để trốn không phải đi bộ đội. Ở lại quê hương nhưng ông không mang sức dài vai rộng ra để cống hiến như hầu hết thanh niên thời đó, mà thường ngược xuôi trên các chuyến tàu chợ Thanh Hóa đi Lạng Sơn, Móng Cái để “đánh quả”. Ông mải mê làm giàu khi những người cùng trang lứa rút máu viết tâm thư để được ra chiến trường. Vì thế, ông là cái gai trong mắt mọi người. Cha mẹ ông vì quá xấu hổ với dân làng đã ra xã làm giấy cam kết từ con.

Có nhiều tiền nhưng không ai chơi với ông. Những người đồng trang lứa đều đã ra trận cầm súng đánh Mỹ. Những người lớn tuổi thì khinh bỉ ông vì hèn nhát, dùng trò bẩn để trốn nghĩa vụ quân sự. Đám con gái thấy ông thì tránh như tránh bệnh cùi. Bơ vơ lạc lõng giữa quê hương nên miền Nam giải phóng không bao lâu, ông tìm đường vào Nam rồi vượt biên sang Mỹ và may mắn là ông còn sống chứ không làm mồi cho cá như nhiều người đi tìm miền đất hứa trong thời gian đó.

Ở tuổi ngoài 60, trông ông vẫn rất tráng kiện. Thấy tôi trầm trồ khen, ông ngượng ngùng chia sẻ, hồi đầu ngộ nhận, tưởng cứ sang Mỹ là sẽ có cuộc sống sung sướng. Nhưng rồi thất nghiệp, nay đây mai đó mãi cũng chán, ông đi làm thuê rồi phiêu dạt xuống tận miền Nam nước Mỹ, trụ lại bằng nghề làm vườn ở bang Virginia. Những năm đầu, phần nhớ quê hương, phần buồn chán do cuộc sống bấp bênh, ông đã viết thư cho gia đình ngỏ ý muốn quay về nhưng cha của ông không đồng ý. Ông cụ tuyên bố không còn quan hệ gì với ông nữa và cấm ông trở về làm muối mặt gia đình. Vài năm sau thì ông cụ mất. Bản thân ông vì mặc cảm nên cũng không liên lạc gì với gia đình nữa.

Gặp lại ông lần này, biết tôi làm báo ông rất vui. Ông kể mình ra đi đã hơn 40 năm, nhưng từ 7 năm trước ông đã đánh liều về thăm quê lần đầu. Ông thừa nhận quãng thời gian trước đó ông mù tịt thông tin về tình hình đất nước. Thậm chí không ít lần ông còn tham gia các cuộc biểu tình chống lại Việt Nam ở Mỹ. Nhưng lần đầu trở về quê hương, điều làm ông bất ngờ ngay khi đặt chân tới Sân bay Nội Bài là đất nước đã phát triển khác xa so với ông vẫn hình dung. Suốt chặng đường từ Nội Bài về Thanh Hóa, nhìn phố xá sầm uất và hệ thống giao thông hiện đại dày đặc xe ôtô, ông mới biết bấy lâu nay mình bị bưng bít thông tin và bị lừa gạt.

Trường hợp của ông Toàn cũng là chung của rất nhiều người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài. Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, có rất nhiều người Việt đã nghe lời dụ dỗ của các thế lực thù địch trốn sang nước ngoài mà chủ yếu là sang Mỹ. Chúng dùng những lời lẽ ngon ngọt, hứa hẹn một cuộc sống tốt đẹp để dụ dỗ bà con ta sang đó với âm mưu, ý đồ sau này sẽ dùng chính người Việt để chống lại Việt Nam. Bởi thế, chúng tìm mọi cách che giấu thông tin về Việt Nam; thậm chí còn xây dựng hẳn một lực lượng đặc biệt chuyên tuyên truyền, xuất bản sách, báo viết về Việt Nam với những nội dung xuyên tạc, bôi nhọ đất nước ta, nói xấu chế độ. Và chúng đã làm cho nhiều bà con Việt kiều tin rằng cho đến bây giờ, Việt Nam vẫn là một nước nghèo nàn, người dân vẫn lầm than, khổ cực, luôn bị chính quyền đàn áp. Những kẻ chống phá bên ngoài còn bắt tay với các phần tử bất mãn, chống đối trong nước ra nước ngoài để dựng chuyện nói xấu Đảng, nói xấu chế độ. Chúng kích động bà con Việt kiều biểu tình, thành lập các tổ chức chống lại Việt Nam, với mục đích lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta... Tất cả việc làm của chúng rất bài bản và có chiến lược lâu dài.

Kể từ khi nước ta mở cửa và những người con xa xứ được trở về, các thế lực thù địch, phản động tìm mọi cách bưng bít thông tin, đồng thời tung tin nếu bà con Việt kiều trở về sẽ bị trừng phạt vì đã vượt biên trái phép. Đáng buồn là nhiều bà con ta ở nước ngoài tin vào những lời bịa đặt đó, không dám trở về quê hương để thăm gia đình, người thân. Tuy nhiên, sự thật không thể che giấu được mãi, vẫn có những người bất chấp mọi thông tin của bọn chúng, trở về thăm quê hương như ông Toàn. Và họ đã tận mắt thấy được sự thật, cảm nhận rõ sự phát triển vượt bậc của Việt Nam, thấy được cuộc sống bình yên của quê hương dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Ông Toàn cho biết đã 7 năm nay, năm nào ông cũng trở về Việt Nam ít nhất 1 tháng. Phần lớn ông về thăm quê vào dịp tết Nguyên đán nhưng cũng có năm vào dịp hè. Năm nay, ông trở về đúng dịp Quốc khánh 2-9 và ở đến đầu tháng 10 mới quay lại Virginia. Tâm sự với ông, tôi được biết, vẫn còn một bộ phận trong cộng đồng người Việt ở Mỹ mang tâm lý nặng nề về quá khứ, thậm chí có suy nghĩ và hành động cực đoan. Phần lớn họ là những người đã cao tuổi, không thạo internet nên việc cập nhật thông tin về tình hình đất nước hạn chế. Trong khi đó, họ lại bị nhồi nhét quá nhiều thông tin sai lệch, dẫn đến hiểu lầm về tình hình đất nước. Đây chính là mục đích mà các thế lực thù địch hướng tới. Chúng muốn người Việt ở nước ngoài không trở về quê hương và luôn có tư tưởng chống lại chế độ xã hội chủ nghĩa. Và ông nói, nếu 7 năm trước ông không đánh liều trở về thì sẽ không bao giờ thấy được thực tế tình hình đất nước. Khi trở lại Mỹ, nhiều người không tin những gì ông kể. Thậm chí có người còn cho rằng ông bịa chuyện để biện minh cho hành động mà họ gọi là “phản bội” cộng đồng.

Rồi ông Toàn vui vẻ khoe lần này trở về cùng ông còn có thêm 2 gia đình nữa. Ông đã nói với họ rằng, hãy trở về và tự tìm câu trả lời chứ đừng nghe những thông tin đã bị bóp méo nhằm mục đích gây hận thù và chia rẽ tình đoàn kết dân tộc. Còn tôi thì mừng cho ông, bởi sau hơn 40 năm xa xứ, ông đã thực sự tìm được đường về.

Thảo Linh

  • Từ khóa
2678

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu