Thứ 6, 26/04/2024 16:29:04 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 09:22, 05/08/2017 GMT+7

Sức khỏe con người là trên hết

Thứ 7, 05/08/2017 | 09:22:00 143 lượt xem

BP - Sự kiện được dư luận quan tâm trong tuần qua là việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chính thức khởi động Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý, sử dụng kháng sinh và phòng chống kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2017-2020. Phát biểu tại hội nghị triển khai kế hoạch chiều 2-8 vừa qua, đại diện lãnh đạo Bộ NN&PTNT thông báo, từ năm 2018 cấm dùng thức ăn chứa kháng sinh kích thích tăng trưởng trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam. Thông báo này nhận được sự đồng tình của dư luận bởi vấn đề bảo vệ sức khỏe người dân phải được đặt lên hàng đầu.

Là quốc gia có thế mạnh về chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, những năm qua hai ngành này đã đóng góp không nhỏ vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước. Chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh đã thúc đẩy nhiều ngành khác như sản xuất giống, thức ăn, thuốc thú y... phát triển theo. Đặc biệt, trong giai đoạn 2010-2015, ngành công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi ở nước ta đã tăng trưởng kỷ lục với 8,4%/năm, cao nhất trong các ngành kinh tế. Năm 2015, cả nước sản xuất 16 triệu tấn thức ăn chăn nuôi, dự báo đến năm 2020 là 19 triệu tấn. Tuy nhiên, cùng với việc phát triển ngành chăn nuôi nói chung thì vấn đề sử dụng chất kháng sinh bừa bãi đã gây ra nhiều hệ lụy khôn lường về sức khỏe cho người dân. Kết quả điều tra của Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT tại 94 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi ở 18 tỉnh, thành cho thấy, nhiều cơ sở sử dụng hàm lượng kháng sinh trong sản xuất cao hơn mức quy định nhiều lần. Theo đánh giá của ngành chức năng, mỗi năm ngành chăn nuôi Việt Nam sử dụng đến hàng chục tấn kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi nhằm kích thích tăng trưởng, nâng cao sức đề kháng cho gia súc, gia cầm và vật nuôi. Việc lạm dụng kháng sinh đã gây ra nhiều hệ lụy khôn lường như gia tăng sự hiện diện của các vi khuẩn kháng thuốc trong sản phẩm gia súc, gia cầm, thủy sản. Sự tồn dư hóa chất và kháng sinh trong thực phẩm sẽ gây nguy hại cho sức khỏe của người tiêu dùng khi tiêu thụ thực phẩm. Các dư lượng kháng sinh có trong thực phẩm chuyển hóa thành những chất độc hại để kháng lại cơ thể con người, kháng lại thuốc gây khó khăn cho công tác điều trị khi bị nhiễm khuẩn, làm giảm sự đáp ứng miễn dịch của cơ thể... Đặc biệt, một số kháng sinh, hóa dược có thể gây ung thư cho con người. Việc bán thuốc kháng sinh không theo đơn, trộn kháng sinh vào thức ăn cho gia súc, gia cầm, thủy sản mà không có sự giám sát về chuyên môn đang là vấn đề hết sức lo ngại. Theo khảo sát, trên thị trường có khoảng 75% kháng sinh trong chăn nuôi được nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng không được quản lý chặt chẽ. Nhiều loại kháng sinh cấm hoặc hạn chế sử dụng vẫn được nhập khẩu và buôn bán tự do ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm tiêu dùng trong nước và xuất khẩu cũng như sức khỏe người dân.

Bình Phước là tỉnh tập trung nhiều trang trại nuôi heo, gà và nuôi trồng thủy sản lớn của khu vực Đông Nam bộ. Tổng đàn heo năm 2016 đạt trên 301.000 con và đàn gia cầm gần 4,5 triệu con cùng hàng ngàn mét vuông ao, hồ nuôi trồng thủy sản. Đây là thị trường khá màu mỡ trong việc tiêu thụ thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y... Vì vậy, những năm qua, việc người dân Bình Phước sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi cũng trong tình trạng chung của cả nước. Vì vậy, việc Bộ NN&PTNT chính thức cấm sử dụng chất kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản từ năm 2018 là việc làm thiết thực nhằm đảm bảo sức khỏe người dân, được nhiều người đồng tình ủng hộ.

Gia Nghi

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu