Thứ 6, 29/03/2024 18:12:49 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 10:00, 28/04/2016 GMT+7

Sức trẻ hướng về biên giới

Thứ 5, 28/04/2016 | 10:00:00 157 lượt xem
BP - Cùng các bạn trẻ của Nhóm Sài Gòn tình nguyện (SGV) vượt chặng đường hơn 100km đến xã biên giới Hưng Phước, huyện Bù Đốp vào một ngày trung tuần tháng 4, chúng tôi và một số bạn trẻ của Đoàn Khối cơ quan dân chính đảng cùng các thành viên của nhóm sửa chữa, chỉnh trang lại điểm lẻ của Trường mẫu giáo Hưng Phước ở ấp Phước Tiến.

Các bạn trẻ Nhóm SGV lắp máng trượt và xích đu cho điểm lẻ Trường mẫu giáo Hưng Phước ở ấp Phước TiếnCác bạn trẻ Nhóm SGV lắp máng trượt và xích đu cho điểm lẻ Trường mẫu giáo Hưng Phước ở ấp Phước Tiến

Hết mình vì trẻ em

Vừa cạo mảng sơn đã bong tróc, ố vàng trên tường, bạn Nguyễn Đình Đạo cho biết: Em công tác tại Văn phòng UBND TP. Hồ Chí Minh. Được tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, em vừa vui vừa tự hào. Mới bắt đầu làm nhưng cứ nghĩ đến lúc hoàn thành công trình, các em nhỏ có chỗ vui chơi, học tập thoáng mát, sạch sẽ là chúng em có thêm động lực”. Mặc dù phải dậy từ 3 giờ sáng và vượt chặng đường hơn 200km mới đến được điểm trường nhưng các bạn trẻ vẫn làm việc không mệt mỏi. Giữa trưa nắng như đổ lửa, trong các phòng học của điểm trường, người dọn vệ sinh, người quét trần, sơn tường, sơn cửa... Vừa lao động, các bạn vừa cười nói rôm rả, nhiều bạn kể những mẩu chuyện hài hước xua tan mệt mỏi, tạo động lực cho cả nhóm lao động tốt hơn.

Lau vội những giọt mồ hôi trên trán, bạn Phạm Hoàng Giang, hiện công tác tại Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn TP. Hồ Chí Minh, Trưởng nhóm SGV cho hay: “Khảo sát các điểm lẻ của trường, chúng em nhận thấy đây là nơi cần sớm được chỉnh trang, sửa chữa vì các phòng học đã xuống cấp nghiêm trọng”. Cô Lê Thị Yến, Hiệu trưởng Trường mầm non Hưng Phước hồ hởi: “Chứng kiến các bạn trẻ hăng say lao động trong thời tiết nóng nực, tôi rất xúc động. Các cháu nhỏ sẽ rất vui vì lớp học được sửa chữa khang trang, sạch sẽ, lại có nhiều đồ dùng học tập cũng như cầu trượt, xích đu để vui chơi”.

Trưởng nhóm, Hoàng Giang chia sẻ: Thành viên Nhóm SGV gặp gỡ và bắt đầu sinh hoạt từ sự kiện liên hoan thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác khối các cơ quan tỉnh, thành phố cụm miền Đông Nam bộ lần thứ VII năm 2014. Lúc đầu nhóm có 20 thành viên là đoàn viên đang công tác tại các sở, ban, ngành của thành phố, sau đó tập hợp thêm bạn bè và hiện có gần 30 thành viên. Từ điểm chung là tất cả đều có thời gian gắn bó với công tác đoàn và mong được cùng nhau làm tình nguyện xã hội, các thành viên đã gắn kết ngày càng thân thiết, kịp thời chia sẻ, động viên trong cuộc sống và công việc. Từ khi thành lập đến nay, nhóm đã tổ chức nhiều chuyến đi tình nguyện về các huyện ven thành phố và các tỉnh biên giới, hải đảo giúp đỡ người dân và trẻ em khó khăn. Đây là lần thứ hai nhóm về Bình Phước.

Mong có nhiều tấm lòng như thế

“Thực hiện chuyến công tác xã hội này, các thành viên trong nhóm đã tự đóng góp và vận động nhà hảo tâm ủng hộ gần 30 triệu đồng. Ngoài sơn, sửa các lớp học, chúng em còn vẽ tranh tường, trang bị đồ dùng học tập, trồng cây xanh tạo bóng mát... và tặng đồ chơi cho học sinh ở điểm trường. Cả nhóm chỉ mong các em nhỏ ở ấp Phước Tiến có điều kiện học tập tốt nhất” - Hoàng Giang chia sẻ.

Nhìn gương mặt tươi rói của 2 em Điểu Đạt, Điểu Dét, vì lần đầu tiên được cầm trên tay món đồ chơi yêu thích do các bạn trẻ của Nhóm SGV trao tặng, trong tôi trào dâng một cảm giác khác lạ. Bởi những việc làm và hành động của Nhóm SGV thật thiết thực và ý nghĩa.

Cô Yến cho biết: Trường mẫu giáo Hưng Phước hiện có 11 lớp với 287 cháu. Trong đó 8 lớp ở điểm chính và 3 lớp ở điểm lẻ thuộc các ấp xa trung tâm là Bù Tam, Phước Tiến và Suối Hai Dòng. Địa bàn xã rộng, 2 ấp tập trung đông đồng bào S’tiêng (Bù Tam, Phước Tiến) nằm xa trung tâm, bà con lại sống rải rác trong vườn rẫy nên ít quan tâm đến việc học tập của con, dẫn đến tỷ lệ trẻ trong độ tuổi mẫu giáo ra lớp còn thấp. Nhất là việc vận động trẻ 5 tuổi ra lớp còn gặp nhiều khó khăn và trẻ 5 tuổi đến lớp chưa chuyên cần.

Theo quy định, ở các xã vùng biên giới đặc biệt khó khăn, việc phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi phải đạt từ 95% trở lên. Trường đang duy trì học bán trú với mức tiền ăn 16.000 đồng/trẻ/ngày nhưng phần lớn phụ huynh đóng vào cuối tháng, tháng sau đóng cho tháng trước, thậm chí có trường hợp 3 tháng chưa đóng. Giáo viên chủ nhiệm gặp gỡ trao đổi, nhắc nhở thì phụ huynh cho trẻ nghỉ học. Trường phải huy động giáo viên tới nhà để tuyên truyền, vận động trẻ ra lớp. Một hạn chế nữa cũng ảnh hưởng đến tình trạng trẻ bỏ học là cơ sở vật chất của trường còn nhiều thiếu thốn; các trang thiết bị, đồ dùng dạy học, đồ chơi phục vụ chăm sóc, giáo dục trẻ chưa đầy đủ, chưa đồng bộ...

“Hiện phần lớn người dân trên địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn nên việc vận động xã hội hóa của trường rất hạn chế. Để các cháu đến lớp đạt tỷ lệ cao thì việc đầu tư, nâng cấp trường, lớp rất quan trọng. Nghĩa cử cao đẹp của các bạn trẻ Nhóm SGV góp phần thay đổi bộ mặt của trường, thu hút con em đồng bào đến lớp. Tôi mong có nhiều hơn nữa những tấm lòng quan tâm đến việc học tập của trẻ em ở mảnh đất biên cương còn nhiều gian khó này” - cô Yến chia sẻ.   

Lâm Phương

  • Từ khóa
83720

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu