Thứ 6, 19/04/2024 10:54:28 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 07:13, 29/07/2016 GMT+7

Suối giữa lòng phố - tại sao không? - Bài 1

Thứ 6, 29/07/2016 | 07:13:00 335 lượt xem
Hà Nội - thủ đô của Việt Nam - chỉ cái tên cũng đủ mang ý nghĩa hình tượng: Sông trong lòng phố. Tuy chưa hấp dẫn nhưng thiên nhiên cũng “ưu đãi” Đồng Xoài khi có suối Đồng Tiền uốn lượn. Nếu được khai thác xứng tầm, suối sẽ mang lại giá trị vật chất và tinh thần không nhỏ.

ĐỪNG LÃNG PHÍ QUÀ TẶNG TỪ THIÊN NHIÊN

Chưa có tài liệu nghiên cứu suối Đồng Tiền có từ bao giờ nhưng suối hiện hữu dài khoảng 6km, chảy qua 3 phường Tân Đồng, Tân Thiện, Tân Xuân và nhánh rẽ qua phường Tân Phú, Tân Bình với tên gọi khác là suối Cái Bè, Tầm Vông. Suối có chức năng thoát nước mưa duy nhất khu vực nội ô thị xã Đồng Xoài. Nếu không kịp thời có quy hoạch dài hơi thì khi Đồng Xoài lên thành phố, tốc độ đô thị mạnh mẽ hơn, dân đổ về đông hơn, việc làm sạch, mở rộng hành lang suối sẽ càng khó thực hiện.

“NGỌC TRONG ĐÁ”

Nếu ví von những con sông, suối trong lòng phố thị là ngọc thì suối Đồng Tiền là “ngọc trong đá”, vì chưa được gọt giũa. Cũng vì thế, chẳng mấy ai ấn tượng rằng, Đồng Xoài có suối uốn lượn trong lòng nó. Còn những ai sống hai bên bờ suối lại thấy sợ.

Nếu nhìn từ thành phố Hồ Chí Minh thì thấy, sau nhiều năm lĩnh hậu quả từ việc lấp sông, gây ô nhiễm kênh, rạch... thì hiện nay, thành phố đang chi khá mạnh tay cho việc khơi thông, nạo vét các lòng sông, kênh, rạch và xây dựng hệ thống thoát nước với hàng ngàn tỷ đồng. Đầu tháng 7-2016, Phó chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Lê Văn Khoa có văn bản yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng về việc nạo vét, khơi thông dòng chảy 18 tuyến sông, kênh, rạch trên địa bàn quận 12 và huyện Hóc Môn. Trong 2 năm 2016 và 2017, các đơn vị phải hoàn thành đưa vào sử dụng để phát huy hiệu quả tiêu thoát nước, phòng chống ngập úng, ô nhiễm môi trường.

Nước thoát ra từ miệng cống ngầu bọt và bốc mùi tanh hôi cho thấy sự ô nhiễm ở suối Đồng TiềnNước thoát ra từ miệng cống ngầu bọt và bốc mùi tanh hôi cho thấy sự ô nhiễm ở suối Đồng Tiền

Với suối Đồng Tiền, hiện có một thực tế đáng buồn là bị rác, cây trồng phủ kín và nhà dân che chắn khá nhếch nhác. Hiện nơi rộng nhất của suối chỉ 4-5m và có nơi bị thu hẹp khoảng hơn 1m. Bên suối không có quy hoạch tổng thể mà mạnh ai nấy làm và không có sự kiểm soát. Từ kiểu nhà tạm bợ đến nhà 2, 3 lầu kiên cố đổ bóng xuống suối. Nhiều nhà dân đã kè móng sân và bờ suối theo kiểu “hai trong một” (kè bờ suối để làm nền sân chắc hơn). Từ đây, không chỉ thu hẹp diện tích lòng suối mà nhiều hộ còn làm luôn đường ống thoát nước xả thẳng xuống suối.

Liệu ai trong số đó cảm thấy áy náy vì đã rất tàn nhẫn với suối? Trong khi đó, nếu suối Đồng Tiền được dọn sạch sẽ tạo cảnh quan thoáng mát, xanh, sạch, trong lành và nếu có hành lang để kê ghế đá cho người dân ngồi thư giãn, dạo mát sẽ góp phần không nhỏ tăng chất lượng không gian sống. Quan trọng hơn nữa là góp phần thoát nước nhanh khi mùa mưa về.

DÒNG SUỐI ĐANG BỊ HỦY HOẠI

Nhà anh Lê Thanh Nam ở gần cống thoát nước chảy ra suối Đồng Tiền nên nước giếng bị ô nhiễm nặng. Mùi nước hôi thối nên chỉ dùng tưới cây. Nước ăn uống, sinh hoạt anh phải xin nơi khác rất bất tiện. Còn chị Vũ Thị Huyền giãi bày: “Chúng tôi tha thiết mong các cấp, ngành sớm khai thông suối để không còn cảnh nước ngập, ô nhiễm”.

Những hộ sống gần suối Đồng Tiền thấm nỗi khổ khi mưa về, cống ngập rác và nước tràn vào nhà, vào giếng. Vì cống thoát nước của toàn trung tâm thị xã đổ về đây nên chỉ cần mưa 30 phút là khu này ngập trắng. Mấy hôm mưa lớn, nước ngập vào nhà cả nửa mét. Mùa nắng thì mùi hôi thối từ suối bốc lên rất khó chịu.

Chị Lê Thị Thoa, khu phố Tân Trà, phường Tân Bình

Gia đình bà Nguyễn Thị Lan ở tỉnh Thừa Thiên - Huế vào khu phố Phước Thọ, phường Tân Thiện sinh sống từ khi tái lập tỉnh. Bà Lan cho biết: “Lúc gia đình tôi mới đến, dân cư khu vực này rất thưa thớt, suối cũng rất trong lành. Nhưng hiện nay dân cư ngày một đông, suối cũng dần bị rác thải làm hôi thối nên cuộc sống các gia đình ở hai bên suối thành “cực hình”. Giếng nước nhà tôi gần suối nên chỉ để tưới cây, rửa tay chân còn bị ám mùi làm sao dám giặt đồ. Đã nhiều năm nay, cứ đến mùa khô là gia đình tôi phải đóng cửa suốt ngày. Nhưng mỗi khi có gió thì mùi hôi thối vẫn thốc lên không chịu nổi”. Chúng tôi hỏi: “Sao người dân chịu ô nhiễm mà không kiến nghị chính quyền để tìm cách khắc phục?”. Bà Lan liền nhăn mặt: “Ở đây toàn bà con, dòng họ, đồng hương từ ngoài quê vào sinh sống nên dù biết người vi phạm, đổ rác, nước thải trực tiếp xuống suối cũng không dám nói, vì nể nang, sợ mất lòng nhau. Vì thế, mọi người sống quanh suối đành chịu vậy”.

Có quán nước nhưng về mùa khô, bà Lan không dám dọn ra bán. Bởi vì mùi xú khí từ dòng kênh này bốc lên quá nặng khiến chẳng ai vào ngồi lâu. Tuy bí bách nhưng  bà cũng như nhiều hộ ở đây chẳng có giải pháp nào ngoài việc chờ các cơ quan chức năng theo kế hoạch, đến mùa mưa lại khơi thông lòng suối. Nhưng người dọn cứ dọn và người xả rác, nước thải cứ xả, mùa khô đến, đâu lại hoàn đó.

Ông Nguyễn Văn Minh ở phường Tân Đồng nói: “Tôi đã từng rất mừng khi vài năm trước nghe tin thị xã có dự án cải tạo, nâng cấp suối nhưng đến nay, nhiều hộ vẫn phải sống trong cảnh thấp thỏm chờ đợi. Chúng tôi rất mong suối được cải tạo sạch sẽ hơn để cuộc sống người dân bớt khổ, lại có không khí trong lành và nơi thư giãn sau ngày lao động nặng nhọc”.

Ngọc Tú

  • Từ khóa
93010

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu