Thứ 7, 20/04/2024 11:11:48 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 10:16, 06/04/2016 GMT+7

Suýt mất ngôi vì rượu

Thứ 4, 06/04/2016 | 10:16:00 386 lượt xem

BP - Trần Nhân Tông là vị hoàng đế thứ 3 của nhà Trần. Ông trị vì 15 năm từ 1278-1293 và làm Thái thượng hoàng 15 năm. Ông được sử sách ca ngợi là một trong những vị hoàng đế nổi tiếng anh minh trong lịch sử Việt Nam, có vai trò lãnh đạo quan trọng trong chiến tranh Nguyên Mông - Đại Việt lần 2 và lần 3. Lúc này, quân đội Đại Việt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn đã đánh tan tác quân đội hùng mạnh của nhà Nguyên, bảo vệ bờ cõi Đại Việt trước vó ngựa nổi tiếng vô địch của người Mông Cổ.

Ngay sau khi dẹp yên quân giặc, ông cho giảm thuế, phát lương chẩn, tích cực khôi phục các công trình đã bị quân Nguyên hủy hoại, mau chóng hồi phục quốc gia. Đại Việt dần lấy lại sự hưng thịnh và phát triển cực thịnh thêm nữa. Năm 1293, Nhân Tông thoái vị, nhường ngôi cho thái tử Trần Thuyên tức Anh Tông hoàng đế, ông lui về làm Thái thượng hoàng, chuyên tâm vào nghiên cứu Phật giáo. Ông là người đã thành lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử nổi tiếng.

Sử sách chép, tuy nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông nhưng Thượng hoàng Trần Nhân Tông không phải phó mặc tất cả cho vua. Ông vẫn để tâm xem xét mọi việc triều chính. Lúc bấy giờ, vào tháng 4-1299, thượng hoàng bất ngờ ở Thiên Trường về kinh đô, các quan đều ra đón rước cả nhưng vua vẫn nằm ngủ. Vì đêm qua, vua Trần  Anh Tông uống rượu xương bồ say khướt. Thượng hoàng không nói gì, vẫn thong thả đi xem xét khắp các cung điện từ giờ Thìn đến giờ Tỵ (khoảng 9 đến 11 giờ trưa), đồng thời không cho ai làm kinh động vua.

Theo sách “Hồn sử Việt”, đến lúc dùng bữa, người trong cung dâng cơm, lúc này vẫn không thấy vua Anh Tông đâu, Thượng hoàng mới ngạc nhiên hỏi: “Quan gia đâu?”. Cung nhân không dám giấu, phải thưa thực tình, rồi vào trong cung đánh thức vua dậy. Nhưng nhà vua uống rượu xương bồ quá say, không thể nào tỉnh dậy được. Thượng hoàng rất giận, lập tức trở về Thiên Trường, sau khi xuống chiếu cho các quan ngày mai phải đến họp ở phủ Thiên Trường, ai trái thì xử tội.

Tới giờ Mùi (2 giờ chiều), vua Trần Anh Tông mới tỉnh giấc. Cung nhân đem chuyện tâu lên, khiến nhà vua hoảng sợ... Trong lúc chưa biết ứng đối thế nào với thượng hoàng, vua Anh Tông rảo bước đến chùa Từ Phúc. Tại đây, nhà vua gặp người học trò Đoàn Nhữ Hài. Thấy vậy, vua hỏi: “Sao ngươi lại ở đây?”. Nhữ Hài rạp người tâu: “Thần vì mải học lỡ ra đến đây”...

Lúc đó, nhà vua nghe tới từ “học tập” thì “ngộ” ra ngôi vị đế vương của mình, không thể vì ham vui của cá nhân mà bỏ bê triều chính. Sau đó, vua Anh Tông bèn dẫn Nhữ Hài vào buồng ngủ và bảo: “Vừa rồi trẫm vì say rượu, có tội với thượng hoàng, giờ trẫm định đến trước mặt ngài tạ tội, ngươi hãy thảo cho trẫm bài biểu”. Sáng sớm hôm sau, vua tới phủ Thiên Trường dâng biểu tạ tội. Thượng hoàng thấy Nhữ Hài, liền hỏi là người nào. Nội nhân trả lời là người dâng biểu của quan gia. Thượng hoàng không nói gì.

Buổi chiều, mưa gió ập đến. Nhữ Hài vẫn cứ quỳ không nhúc nhích. Khi đó, thượng hoàng hỏi: Người ở trong sân có còn đấy không? Nội nhân đáp rằng còn. Thượng hoàng bèn sai nhận biểu để xem và thấy hành động thành khẩn, dập đầu hối lỗi của Anh Tông, Thượng hoàng Trần Nhân Tông đã tha tội cho nhà vua, nhưng vẫn mắng: Trẫm còn có con khác cũng có thể nối ngôi được. Trẫm còn sống mà ngươi còn dám như thế, huống hồ sau này thì sao?

Lời bàn:

Trong lịch sử vương quyền ở Việt Nam, nhà Trần là triều đại hưng thịnh vào bậc nhất trong các triều đại phong kiến với 175 năm tồn tại. Về võ công, đây là vương triều đã thống lĩnh quân dân Đại Việt ba lần đại phá quân Nguyên Mông, bình phục Chiêm Thành, mở mang bờ cõi đến xứ Thuận Hóa (Thừa - Thiên Huế ngày nay). Về văn hiến, đây là vương triều đã nhen lên ngọn lửa khai phóng, tập thành một trào lưu tư tưởng Thiền học vừa cởi mở vừa sâu sắc, mà đỉnh cao là sự xuất hiện của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do vua Trần Nhân Tông khai sáng.

Không chỉ có các sử gia đương thời mà cả ngày nay cũng đều có chung nhận định rằng, Trần Nhân Tông là vị vua duy nhất trong lịch sử nhân loại không cứu đời theo cách của một vị vua, mà theo cách của bậc thánh nhân, bậc vĩ nhân. Bởi vì làm vua chỉ chăn dân trăm họ, làm Phật mới cứu độ cả muôn loài. Chính vua Trần Nhân Tông đã vượt qua cái bình thường để trở thành cái phi thường. Vì vậy, hàng ngàn năm qua, bao triều đại thịnh suy trị vì đất nước, bao người đã làm vua, song không có một ai được mọi người ngưỡng vọng, tôn thờ và nhớ mãi như Phật hoàng Trần Nhân Tông. Và một người cha như thế mới có được một người con như vua Trần Anh Tông, một vị minh quân và thời kỳ ông trị vì là giai đoạn thịnh trị của nhà Trần. Mong rằng hậu thế xin đừng ai vướng vào một trong hai thứ dù “tửu” hay “sắc”. Vì từ thượng cổ cho tới nay chưa có mấy ai vướng vào một trong hai thứ này mà thành danh cả.

ND

  • Từ khóa
109778

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu