Thứ 5, 18/04/2024 11:50:40 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 09:38, 29/06/2016 GMT+7

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới: Để đoạn tuyệt với điệp khúc “trồng - chặt”?

Thứ 4, 29/06/2016 | 09:38:00 299 lượt xem
BP - Những năm qua, ngành nông nghiệp có nhiều giải pháp tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Thế nhưng thực tế nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vẫn còn tự phát, thiếu liên kết. Khi mùa mưa đến, những câu hỏi “trồng cây gì?”, “mua cây giống ở đâu?”... rồi điệp khúc “trồng - chặt, chặt - trồng” luôn là nỗi ám ảnh của nông dân.

Phóng viên Báo Bình Phước phỏng vấn ông Trần Văn Lộc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về những vấn đề này.  

Để tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, ngành nông nghiệp đã có những giải pháp gì, thưa ông?

Ông Trần Văn Lộc: Sở NN&PTNT đang thực hiện đề án tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng nông thôn mới, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa. Lấy khoa học - công nghệ làm khâu then chốt để tạo đột phá và thúc đẩy ứng dụng sâu rộng khoa học - công nghệ trong sản xuất, quản lý nông nghiệp. Đưa các giống cây trồng có năng suất, chất lượng, giá trị thương phẩm cao vào sản xuất và ưu tiên nguồn lực cho sản phẩm chủ lực, có khả năng cạnh tranh.

Giá mủ cao su giảm sâu và kéo dài đã khiến một số hộ nông dân ở xã Tiến Thành, thị xã Đồng Xoài cưa cây cao su để trồng cây khác - Ảnh: K.B

Tập trung xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc an toàn thực phẩm đối với các nông sản chủ lực và vùng đã phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn. Khuyến khích hợp tác, liên kết từ sản xuất, bảo quản, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả và bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên tham gia. Hướng người dân “Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt” (GAP) để nâng cao chất lượng sản phẩm và tham gia chuỗi cung ứng bền vững. Hỗ trợ người dân về kiến thức kinh doanh, tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh trên thị trường, đồng thời xây dựng và triển khai các chính sách, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, khuyến khích đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là các loại nông sản chủ lực của tỉnh, như điều, hồ tiêu, cao su..., kể cả sản phẩm đã qua chế biến tham gia thị trường.

Người dân khi mua cây giống cần yêu cầu đại lý bán giống xuất hóa đơn nhằm mục đích thể hiện rõ nguồn gốc, hạn chế việc sản xuất - kinh doanh giống trái phép. Đồng thời, xác định rõ điều kiện khí hậu, đất đai khi chọn cây trồng để đạt hiệu quả cao trong sản xuất.

Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Văn Lộc

Trang bị kiến thức, cập nhật giá nông sản trên website ngành liên tục, giúp nông dân nắm bắt cơ hội cũng như thách thức của thị trường để nông dân và doanh nghiệp (DN) chủ động điều tiết lượng mua bán, dự trữ, xuất khẩu đạt hiệu quả; tạo sự đồng lòng giữa nông dân và DN, tránh bị ép giá, rơi vào bẫy các nhà nhập khẩu. Sở cũng khuyến khích nông dân tự nguyện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bằng nhiều hình thức để có cơ hội giao dịch với các DN lớn.

Nông sản đang là nguồn thu nhập chính của phần lớn người dân Bình Phước và mang về nguồn thu lớn cho tỉnh. Vậy ngành đã có giải pháp gì để xóa bỏ tình trạng trồng - chặt, chặt - trồng, hướng đến xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, những cánh đồng mẫu lớn, thưa ông?

Ông Trần Văn Lộc: Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành là xây dựng vùng nguyên liệu lớn, ổn định, gắn với xây dựng nông thôn mới trong năm 2016 cũng như các năm tiếp theo. Chú trọng công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp sử dụng nhiều lao động, khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất nông sản. Từ năm 2016 trở đi phải phát triển theo hướng thâm canh, chuyên canh; người sản xuất phải liên kết để nâng cao năng suất, chất lượng và hình thành các vùng sản xuất tập trung tạo ra những cánh đồng mẫu lớn, cây trồng có giá trị sản phẩm hàng hóa và xuất khẩu cao, như cao su, điều, tiêu...

Sở NN&PTNT đã và đang điều chỉnh quy hoạch diện tích phát triển các loại cây trồng trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đánh giá lợi thế của từng loại đất đai, khuyến cáo người dân trồng cây phù hợp, hạn chế tình trạng trồng - chặt chạy theo phong trào khi đã trồng đúng quy hoạch. Hiện các cây trồng chủ lực của tỉnh cơ bản đã hình thành các vùng chuyên canh lớn, tạo ra lượng nông sản hàng hóa chất lượng và giá trị kinh tế cao. Cụ thể, 15 năm trở lại đây, diện tích cây trồng đạt 446.731 ha. Trong đó, cơ cấu diện tích cây lâu năm chiếm 90,01% và giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha ngày càng tăng, từ 5,1 triệu đồng năm 2000 lên 45,2 triệu đồng năm 2015.

Trung tâm Giống nông, lâm nghiệp sẵn sàng nguồn giống để cung cấp cho nông dân

Ngành cũng sẽ đề xuất chính sách hỗ trợ phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất, quản lý có hiệu quả trong thực tiễn như: Mô hình hợp tác, liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ theo chuỗi giá trị ngành hàng, liên kết sản xuất theo cánh đồng mẫu lớn giữa DN với hợp tác xã, tổ, đội sản xuất hoặc trực tiếp với nông dân...

Hiện tổng diện tích của các hộ có dưới 1 ha là 86.781 ha, chiếm 64,29%. Rất nhiều hộ trồng xen gừng, ca cao, cà phê... hoặc chăn nuôi dưới tán cây mang lại hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích. Để ổn định diện tích điều của tỉnh, sở sẽ trình UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch phát triển ca cao của tỉnh. Trong quy hoạch sẽ tập trung phát triển diện tích ca cao trồng xen dưới tán điều (trên 50%) giúp người trồng điều có thêm thu nhập, bảo đảm cây điều phát triển bền vững.

Mùa mưa đã bắt đầu, ông có khuyến cáo gì với nông dân trong việc chọn giống cây trồng?

Ông Trần Văn Lộc: Chất lượng giống cây trồng ngày càng được nâng cao, các quy định về sản xuất - kinh doanh giống cơ bản thực hiện tốt. Tuy nhiên, địa bàn tỉnh hiện vẫn còn tồn tại một số lượng nhỏ cây giống chưa thể kiểm soát được, như giống bán dạo, cây giống do nông dân tự trao đổi... Sở cũng khuyến cáo nông dân nên cẩn trọng khi lựa chọn các cơ sở, DN sản xuất - kinh doanh giống cây trồng để mua được cây giống đảm bảo chất lượng. Đối với cây điều nên mua các giống đã được Bộ NN&PTNT và hội đồng bình tuyển địa phương công nhận như: PN1, MH4/5 và MH5/4 với khả năng ra hoa, thu hoạch tập trung, thời vụ thu hoạch ngắn; các giống chọn lọc có triển vọng của địa phương được công nhận năm 2000 là PL18, ĐP41, ĐP27 và BĐ44 cùng 5 giống điều mới được công nhận là BP18, BP27, BP43, BP68 và BP89 để sản xuất.

Xin cảm ơn ông!

Ngọc Bích (thực hiện)

  • Từ khóa
92978

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu