Thứ 6, 26/04/2024 16:45:48 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 09:15, 08/08/2017 GMT+7

Tấm gương trung nghĩa

Thứ 3, 08/08/2017 | 09:15:00 1,422 lượt xem

BP - Theo sách “Đại Nam liệt truyện” Nguyễn Hữu Quân, tự là Trúc Hiện, sinh năm Bính Thân (1836) tại thôn Trúc An, thường gọi Phước Yên, tổng Phú Mỹ, huyện Duy Xuyên, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay là thôn Phước Yên, xã Đại An, huyện Đại Lộc). Thân sinh của ông là Nguyễn Hữu Phước, một nhà nho nghèo lều chõng đi thi nhưng công không thành, danh không toại, bèn ở nhà dạy chữ cho học trò và con. Có ít vốn liếng chữ nghĩa từ kiến thức của cha, Nguyễn Hữu Quân đỗ cử nhân khoa Đinh Mão tại trường Thừa Thiên năm Tự Đức thứ hai mươi (1867).

Minh họa: S.H

Sau khi thi đỗ, Nguyễn Hữu Quân được bộ Lại đề tấu và ngày 4-6-1868, vua Tự Đức ban hành sắc dụ phê chuẩn ông vào ngạch Huấn đạo rồi bổ đi làm quan Giáo thụ phủ Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Khi ông đang làm quan thì được tin thân phụ qua đời, ông xin phép triều đình về quê chịu tang cha. Không lâu sau, khi quay lại phủ Quảng Trạch, ông được đổi làm Giáo thụ phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương, giữ chức Nhiếp biện phủ vụ phủ Nam Sách (tức quyền tri phủ).

Theo sách trên, khi Nguyễn Hữu Quân giữ chức quyền tri phủ Nam Sách cũng là lúc bọn giặc Tàu Ô ở phương Bắc luôn rình rập, quấy phá bờ cõi nước ta. Đêm 26 tháng giêng năm 1872, hơn 90 chiến thuyền và trên 1.300 quân Tàu Ô bất ngờ ập đến đánh chiếm phủ thành Nam Sách. Dù biết quân giặc đông và mạnh gấp nhiều lần, nhưng Nguyễn Hữu Quân đã cùng Phó lãnh binh Hoàng Văn Chữ chỉ huy binh lính đánh trả quyết liệt. Cuối cùng Nguyễn Hữu Quân bị giặc bắt sống, thành Nam Sách thất thủ.

Lúc bị giặc bắt, Nguyễn Hữu Quân tỏ rõ khí phách của vị quan yêu nước triều Nguyễn chiến đấu bảo vệ giang sơn, đất nước. Ông mắng nhiếc, chửi rủa xối xả bọn giặc xâm lăng. Ông đã bị chúng hành quyết tàn bạo. Ở quê nhà, hay tin chồng hy sinh, bà Phan Thị Tú, người làng Phiếm Ái, xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc đau đớn tột cùng. Tuy là liễu yếu, thân gái đơn côi, phương tiện đi lại vô cùng khó khăn nhưng bà vẫn quyết một mình khăn gói để ngược Bắc tìm thi hài chồng. Đầu tháng 4 năm ấy, bà tìm tới phủ Nam Sách, được các quan địa phương tận tình giúp đỡ, nhất là Cai tổng thuộc huyện Thanh Lâm, phủ Nam Sách Đặng Văn Lương.

Trong tờ trình vị cai tổng này gửi cho bà Phan Thị Tú ghi ngày 9 tháng 4 năm Tự Đức thứ hai mươi lăm (1872) có đoạn: Ngày 26 tháng giêng năm nay, phủ này bị giặc bể vào công phá, cướp phủ thành. Tôn ông là quan tri phủ chống nhau với giặc bị giặc giết chết, di hài nằm tại trong phủ. Nay tôi nghĩ là người vì con, dân mà hết lòng, vì nhiệm vụ mà xông pha, bị như vậy rất là thương xót cho nên đến nửa đêm ngày 26 tôi đem anh em tuần phiên lần vào phủ tìm kiếm thì thấy thi hài của người bèn đem về địa phận xã tôi. Nhưng ngặt nỗi vì lúc đó khó mua, kiếm được quan quách sơn son nên phải dùng tạm mấy miếng ván xấu để mai táng...

Cai tổng Đặng Văn Lương kể thêm, rằng lúc mới phát hiện thi hài Nguyễn Hữu Quân thì vẫn không biết giặc giết ông bằng cách nào bởi thân thể của ông còn lành lặn chứ không hề có thương tích, song cho đến lúc khâm liệm thì mới phát hiện lưỡi của ông bị cắt. Theo sự suy đoán của quan cai tổng thì có lẽ khi bị bắt Nguyễn Hữu Quân lớn tiếng mắng nhiếc thậm tệ lũ giặc Tàu Ô nên chúng tức giận... cắt lưỡi ông.

Mặc dù được quan Cai tổng Đặng Văn Lương khuyên nhủ cứ để mộ phần Nguyễn Hữu Quân tại Nam Sách vài ba năm cho dân chúng thăm viếng, khói hương để tỏ lòng tri ân vị quan một lòng trung liệt với mảnh đất này nhưng bà Phan Thị Tú nhất quyết đưa hài cốt ông về an nghỉ tại quê cha, đất tổ. Bà chuyển hài cốt của chồng bằng đường thủy vào cửa Thuận An để về Huế. Tại triều đình Huế, các quan bộ Binh, bộ Lễ cùng bà đưa linh cữu của ông vào trước Trung Nghĩa từ để thắp hương và lập thần vị thờ ông tại đây. Sau khi làm các thủ tục ghi công tại Huế, bà tiếp tục vượt đèo Hải Vân đưa hài cốt chồng về quê chôn cất.

Lời bàn:

Trong khoảng vài chục năm, kể từ năm 1868, ngoài việc đương đầu với họa xâm lăng của thực dân Pháp từ phương Tây sang, nhân dân các tỉnh vùng đồng bằng Bắc bộ còn phải đối phó với bọn giặc Cờ Đen, Cờ Trắng, Cờ Vàng, vốn là dư đảng của Thái Bình thiên quốc ở Trung Quốc, tràn qua biên giới cướp phá dân ta và chúng còn tranh giành rồi đánh lẫn nhau ở mạn Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Cao Bằng... Ở các khu vực thuộc phía nam của đồng bằng Bắc bộ lại có bọn giặc Tàu Ô từ biển kéo vào cướp phá từ Quảng Yên đến Nam Hà, Hải Dương... Tuy là quan văn song Giáo thụ kiêm Nhiếp biện công vụ phủ Nam Sách Nguyễn Hữu Quân vẫn đích thân chỉ huy binh lính giữ thành, đánh trả quyết liệt. Khi bị sa vào tay giặc, ông đã lớn tiếng mắng chửi quân giặc cho tới khi bị chúng giết. Cùng tuẫn nạn với ông còn có người em ruột là Nguyễn Văn Bốn.

Tấm gương trung nghĩa của anh em Nguyễn Hữu Quân không chỉ được người đương thời và triều đình nhà Nguyễn mà cả hậu thế tôn vinh, ngưỡng mộ. Và để tưởng thưởng công lao của Nguyễn Hữu Quân, ngày 25-7-1872, vua Tự Đức truy tặng ông chức Giáo thụ, gia tặng “Phụng thành Đại phu Hàn lâm viện Thị giảng” và ban tờ chế, trong đó có đoạn viết: Cái khí tiết của người chí sĩ lúc lâm nguy dù chết cũng chẳng đổi dời... Và chính sự biểu dương, khen ngợi của triều đình đối với ông cũng là để khuyến khích tương lai mãi mãi về sau noi gương sáng về truyền thống chống giặc giữ nước.

N.D

  • Từ khóa
109944

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu