Thứ 5, 25/04/2024 15:55:48 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 13:58, 29/07/2016 GMT+7

Tấm lòng cao thượng

Thứ 6, 29/07/2016 | 13:58:00 498 lượt xem

BP - Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, năm 1370, Trần Nguyên Đán từ chức, bỏ đi giúp Cung Định Đại vương Trần Phủ (tức vua Trần Nghệ Tông) tập hợp lực lượng, dẹp được loạn Dương Nhật Lễ. Do có nhiều công lao với nhà Trần, nhất là đã giúp Trần Nghệ Tông lên ngôi hoàng đế, khôi phục nhà Trần, ổn định chính sự, nên năm 1371 Trần Nguyên Đán được phong chức Tư đồ phụ chính. Ông ở ngôi tể tướng lâu năm. Đến thời Trần Duệ Tông (1374-1377), ông được ban tước Chương Túc Quốc Thượng hầu, lại được giao thêm trọng trách trông coi việc quân ở trấn Quảng Oai.

Tiếc rằng, Trần Nguyên Đán làm quan vào thời kỳ nhà Trần suy yếu. Hồ Quý Ly ngày càng thâu tóm quyền bính và lũng đoạn triều đình. Tiên đoán trước nguy cơ nhà Trần sẽ mất về tay Hồ Quý Ly, ông luôn ý thức nhắc nhở bạn bè về nghĩa vụ làm tôi. Đến năm 1385, thấy rõ “vận nước sắp hết”, Trần Nguyên Đán xin về trí sĩ ở Côn Sơn. Ông vẫn không nguôi băn khoăn về việc xuất xử của mình, vẫn canh cánh bên lòng nỗi ưu thời mẫn thế, vẫn đau đáu tâm sự ưu tư vì nước vì dân. Nhiều khi ông hy vọng vào một kỳ thi chọn được những người trẻ tuổi tài năng...

Cũng trong sách “Đại Việt sử ký toàn thư” có đoạn chép rằng, khi về trí sĩ ở Côn Sơn, Trần Nguyên Đán có hai người con gái, trưởng nữ là Trần Thị Thái, thứ là Trần Thị Thai. Nguyễn Ứng Long (tức Nguyễn Phi Khanh) và Nguyễn Hán Anh là một hai nho sinh nổi tiếng hay chữ, giỏi văn thơ nên dù xuất thân tầng lớp nhà nghèo vẫn được Trần Nguyên Đán mời về dạy con gái mình là Trần Thị Thái và Trần Thị Thai. Chẳng bao lâu hai đôi trai tài gái sắc cảm mến nhau, tình duyên nảy nở, kết quả là bà Trần Thị Thái mang thai.

Đến ngày bà Trần Thị Thái sinh nở, Nguyễn Ứng Long và Nguyễn Hán Anh sợ bị trọng tội liền bỏ trốn. Biết chuyện, Trần Nguyên Đán nói: Vận nước sắp hết (ý nói nhà Trần sắp đổ) việc này biết đâu chẳng phải là trời xui nên thế, vị tất không phải là phúc hay sao?

Nói xong, ông liền sai người đi tìm Nguyễn Ứng Long và Nguyễn Hán Anh. Khi trở về, hai người sợ hãi vào gặp quan Tư đồ, trong lòng cầm chắc cái chết. Không ngờ Trần Nguyên Đán không hề bắt tội mà lại ôn tồn bảo: Người xưa cũng đã có chuyện này, các ngươi không biết chuyện nàng Văn Quân với Tương Như đó hay sao? Nếu các người làm được như Tương Như, truyền lại danh tiếng cho đời sau thì đó là điều mong muốn của ta.

Tương Như mà Trần Nguyên Đán nói ở đây là Tư Mã Tương Như, người Trung Quốc đời Hán Cảnh Đế, làm quan vũ kị thường thị, hay dùng tiếng đàn để mê hoặc người thiếu phụ góa bụa là nàng Trác Văn Quân (con gái yêu của Trác Vương Tôn). Sau, hai người lấy nhau. Tương Như nhờ Trác Vương Tôn giúp đỡ mà trở nên giàu có, được làm quan tới chức hiếu văn viên lệnh, rất nổi tiếng về tài văn chương.

Cảm động trước đức độ của Trần Nguyên Đán, hai chàng cám ơn sâu nặng mà chăm chỉ học hành. Đến năm 1374 đời Trần Duệ Tông thì cả hai đều thi đỗ Thái học sinh, tức Tiến sĩ. Khi biết rõ về sự việc này, thượng hoàng khi đó là Trần Nghệ Tông đã nói với triều đình rằng: Bọn chúng có vợ giàu sang, như thế là kẻ dưới mà dám phạm thượng.Triều đình nghe vậy bèn bỏ không dùng. Về sau, Hán Anh ra làm quan cho nhà Hồ và được phong đến chức chuyển vận sứ.

Nguyễn Ứng Long sau đó đổi tên là Nguyễn Phi Khanh rồi ra làm quan cho nhà Hồ và được phong tới chức Đại lý Tự khanh. Vợ chồng Nguyễn Ứng Long và Trần Thị Thái đã sinh ra Nguyễn Trãi. Nguyễn Trãi cũng đỗ Thái học sinh và trở thành một vĩ nhân, một anh hùng dân tộc mà tên tuổi ông gắn liền với Lê Lợi trong mười năm kháng chiến chống giặc Minh.

Lời bàn:

Trần Nguyên Đán lui về ẩn dật, song thâm tâm ông vẫn không nguôi nỗi lo cho nước cho dân. Và tuy những tháng ngày ẩn dật nơi thôn dã và làm bạn với thơ, nhưng thơ của Trần Nguyên Đán là tiếng lòng của một người yêu nước thương dân. Ông thông cảm với nỗi khổ của dân, đau cùng cái đau mất mùa của dân. Trước cái đau của dân, ông cảm thấy mình có lỗi. Trong bài “Nhâm Dần niên lục nguyệt tác” Trần Nguyên Đán dùng thơ chủ yếu để giãi bày tâm sự, thể hiện lòng yêu nước thương dân, tâm trạng lo đời, thương mình trước hiện thực vận nước sắp hết.

Nếu không có tâm hồn của một đại Nho sĩ như vậy, không có tấm lòng bao dung nhân hậu của Trần Nguyên Đán, thì có lẽ dân tộc Việt Nam sẽ không có nhà văn hóa lớn, thi sĩ thiên tài, anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, tác giả “Bình Ngô đại cáo” - bản tuyên ngôn độc lập lần thứ hai của dân tộc. Và chính vì những công lao, những đóng góp to lớn cho lịch sử dân tộc và tư tưởng yêu nước thương dân tiến bộ thể hiện trong những sáng tác văn thơ của mình, Trần Nguyên Đán xứng đáng là một danh nhân văn hóa, một tác gia Hán - Nôm tiêu biểu của Đại Việt vào cuối thời Trần. 

N.D

  • Từ khóa
109817

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu