Thứ 6, 29/03/2024 17:40:56 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 15:24, 03/03/2016 GMT+7

Tấm lòng của một “bác sĩ cấp xã”

Thứ 5, 03/03/2016 | 15:24:00 1,709 lượt xem
BP - Hiện không bác sĩ nào muốn về công tác tại trạm y tế xã vì họ sợ “lụt nghề” và khó có thể phát triển kinh tế. Đó là thực trạng và cũng chính là nỗi niềm của nhiều bác sĩ trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, ở xã Tiến Hưng (Đồng Xoài), bác sĩ Hoàng Văn Lãm, Trưởng trạm Y tế xã đã chứng minh ngược lại điều đó. Thậm chí, có thời điểm được cấp trên điều động nhưng bác sĩ Lãm xin ở lại trạm để tiếp tục cống hiến.


Bác sĩ Hoàng Văn Lãm khám cho bệnh nhân

“Bác sĩ gia đình” của người nghèo

Đã trở thành công việc thường xuyên nên mỗi khi gia đình bệnh nhân Nguyễn Duy Tâm ở ấp 1, xã Tiến Hưng yêu cầu là bác sĩ Hoàng Văn Lãm có mặt tại nhà để chăm sóc người bệnh. Anh Tâm bị ung thư tuyến giáp giai đoạn cuối, sức khỏe trong tình trạng suy kiệt. Kinh tế gia đình đã khó khăn, anh Tâm bệnh nặng nên vợ anh - chị Phạm Thị Tơ không thể đi làm thuê mà phải ở nhà chăm sóc chồng. Mẹ anh Tâm kể trong nước mắt: “Nó (anh Tâm - PV) bệnh đã 6 tháng nay, điều trị ở TP. Hồ Chí Minh hết mấy chục triệu đồng mà không khỏi. Gia đình thấy nó đau đớn, cầm lòng không được nên đưa đi 3 thầy thuốc nam chữa nhưng cũng không có hy vọng. Từ hôm bị bệnh viện trả về đến nay, bác sĩ Lãm thường đến chích thuốc, truyền nước, rửa vết thương và cho sữa. May có bác sĩ Lãm hỗ trợ, con tôi mới sống được tới ngày hôm nay”. Chị Tơ cho biết: “Cảm kích trước tấm lòng của bác sĩ Lãm, cận tết Bính Thân, tôi đưa tiền thuốc nhưng bác sĩ Lãm không nhận, còn động viên tôi giữ gìn sức khỏe để lo cho chồng”.

Ở ấp 3, cháu Vũ Tuấn Khôi (SN 2002) bị bại não cũng là bệnh nhân quen thuộc của bác sĩ Lãm. Chị Vũ Thị Xuyến, mẹ cháu Khôi nói, nhờ sự chăm sóc tận tình của bác sĩ Lãm nên bệnh con chị đến nay đã đỡ nhiều.

Bác sĩ Lãm cho biết: “Hiện tôi có 5 bệnh nhân phải đến tận nhà chăm sóc. Họ mắc những bệnh hiểm nghèo nên không thể đi được và hầu hết kinh tế đều khó khăn. Có bệnh nhân ở tận ấp 7, rất xa nhưng có yêu cầu là tôi đi ngay. Nếu không có mặt kịp thời, tôi tư vấn qua điện thoại để gia đình chăm sóc”. Người nhà của các bệnh nhân này đều cho biết: “Bác sĩ Lãm hầu như không lấy tiền của bệnh nhân hoặc chỉ lấy 1 phần rất nhỏ tiền thuốc để gia đình không cảm thấy áy náy”.

Bác sĩ ở xã không chỉ biết chữa lành bệnh!

“Đồng Xoài hiện chỉ 3/8 trạm y tế có bác sĩ cố định, còn 5 xã, phường phải điều bác sĩ ở Trung tâm Y tế thị xã luân phiên về cơ sở. Hiện bác sĩ không ai muốn về trạm y tế vì sợ “lụt nghề”. Trung tâm không thể cho họ tiền, không thể mua sắm thêm trang thiết bị cho trạm và không tạo được môi trường để họ nâng cao tay nghề. Vì vậy, để bác sĩ gắn bó với cơ sở phải tạo điều kiện cho họ phát triển kinh tế thông qua dịch vụ y tế tư nhân. Tuy nhiên, không phải ai cũng làm được điều này như bác sĩ Lãm”.

Bác sĩ NGUYỄN THỊ THẢO, Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Đồng Xoài

Chức năng của Trạm Y tế xã là chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân nên chủ yếu thực hiện công tác phòng bệnh. Vì vậy, đội ngũ y, bác sĩ không thể ngồi tại chỗ chờ bệnh nhân mà phải thường xuyên đi cơ sở nắm bắt các yếu tố dịch tễ hoặc để kiểm soát dịch bệnh. Ngoài ra, trạm y tế còn phối hợp với chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể và mạng lưới y tế thôn bản để quản lý các chương trình khám bệnh. Bác sĩ Lãm cho rằng, khó khăn lớn nhất của Trạm Y tế xã Tiến Hưng là địa bàn rộng, dân cư đông nhưng lực lượng y tế rất mỏng. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân, trạm phải sắp xếp nhân lực kiêm nhiệm; tổ chức khám bệnh theo đối tượng.

Bác sĩ Lãm chia sẻ: “Công việc của trạm giờ khác xưa nhiều lắm! Trước đây người dân chủ yếu làm nông nghiệp, khi nào rảnh thì mới đến khám bệnh, còn giờ đa số là công nhân nên phải khám bệnh ngoài giờ. Một số người lớn tuổi phụ thuộc con cái nên công tác chăm sóc phải linh hoạt theo nhu cầu thực tế của nhân dân”.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thảo, Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Đồng Xoài đánh giá: “Tuy gặp nhiều khó khăn, trạm chỉ có 5 người nhưng nhờ cách quản lý tốt, đội ngũ y, bác sĩ trách nhiệm nên năm 2015 khi chấm điểm theo bộ tiêu chí quốc gia mới, Trạm Y tế xã Tiến Hưng đạt 94,5 điểm, là một trong những trạm y tế đứng đầu của thị xã”. Đối với bác sĩ Lãm, bà Thảo cho rằng, đó là một trạm trưởng điển hình của ngành, vì đã có 21 năm gắn bó với cơ sở, tự nâng cao trình độ và hiện đã là bác sĩ chuyên khoa I. Bác sĩ Lãm 5 năm liền đạt Chiến sĩ thi đua cơ sở, 1 năm đạt Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh.

Với bác sĩ Lãm, thành công của một “bác sĩ cấp xã” không chỉ điều trị khỏi cho một ca bệnh khó, mà chính là biết chăm sóc sức khỏe của đa số nhân dân trên địa bàn ngày càng tốt hơn. “Có người nói tôi học xong chuyên khoa I nên tìm chỗ “cao” hơn mà làm nhưng tôi nghĩ làm ở đâu cũng phải thấy được hiệu quả công việc của mình thì mới gắn bó lâu dài được” - bác sĩ Lãm nói.

P.Dung

 

  • Từ khóa
1940

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu