Thứ 6, 26/04/2024 17:43:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 06:38, 18/09/2017 GMT+7

Tấm lòng cương trực

Thứ 2, 18/09/2017 | 06:38:00 730 lượt xem

BP - Đầu năm 1863, sau khi vua Tự Đức xét thấy trong mấy điều khoản của Hòa ước Nhâm Tuất còn có chỗ chưa thỏa, liền sung Phạm Phú Thứ làm Khâm sai vào ngay Gia Định, hội với Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp để đàm phán với quan soái Pháp và quan đại thần nước Y Pha Nho (Tây Ban Nha). Không hoàn thành nhiệm vụ, ông phải bị giáng một cấp. Tháng 5 năm này, ông được cử làm Phó sứ, cùng với Chánh sứ Phan Thanh Giản và Bồi sứ Ngụy Khắc Đản sang Pháp và Tây Ban Nha xin chuộc lại 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ.

Minh họa: S.H

Tháng 2-1864, sứ bộ về đến Huế. Sau đó, ngoài bản tường trình cốt để thuyết phục vua Tự Đức mau “cải cách việc học tập và phát triển công nghiệp”, Phạm Phú Thứ còn dâng lên vua 2 tác phẩm do ông làm trong chuyến đi, đó là “Tây hành nhật ký” và “Tây phù thi thảo”. Vua xem cảm động, có làm một bài thơ để ghi lại việc này. Được tin cậy, ông được vua thăng làm Tham tri bộ Lại. Năm 1865, nhà vua thăng ông chức Thượng thư bộ Hộ, sung cơ mật viện đại thần. Ở chức việc này, ông đã mật tâu xin đặt 4 tuyên phủ sứ ở Quảng Trị, Bình Định, Nghệ An và Hưng Hóa; đồng thời xin đặt “trường giao dịch chợ búa, sửa thuế thương chính, lập thổ tù” ở các nơi ấy để làm “mạnh vững nơi biên phòng, nhưng việc rút cuộc không thành.

Năm 1866, quan soái Pháp phái tàu đến cửa Thuận An (Huế) đưa thư đòi “quản luôn 3 tỉnh là Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên”, vì ở đây “bọn trộm cướp thường qua lại”. Nhà vua liền sai Phạm Phú Thứ và Phan Huy Vịnh đến “xin giữ giao ước cũ lâu dài”. Năm 1867, Phan Thanh Giản mất, triều đình cử Phạm Phú Thứ làm người điều đình với Pháp. Song thực dân Pháp không hài lòng về cách xử sự cứng rắn của ông, còn triều đình Huế thì không hài lòng vì việc thương lượng cứ đổ vỡ. Cuối cùng, ông bị gọi về kinh “hậu cứu”.

Năm 1873, vì phạm lỗi, ông lại bị giáng làm Thị lang, rồi khôi phục chức Tham tri. Năm 1874, triều đình cho mở nhà thương chính ở Bắc kỳ. Nhà vua cho ông “là người am hiểu, và có tài cán lão luyện” nên tháng 10 năm đó, đổi ông làm Thự tổng đốc Hải Yên (còn gọi là Hải An, gồm Hải Dương và Quảng Yên), kiêm sung Tổng lý thương chánh đại thần. Đến nơi, gặp lúc đê huyện Văn Giang (nay thuộc Hưng Yên) vỡ, nước lũ tràn cả 2 phủ là Bình Giang và Ninh Giang thuộc Hải Dương. Thấy dân đói khổ, ông lập tức xin trích 5 vạn phương gạo ở kho Hưng Yên để phát chẩn. Đồng thời, lại phái thuộc hạ đem những người dân còn khỏe mạnh đến Đông Triều, Nam Sách... khẩn hoang, cày cấy kiếm sống.

Năm 1876, triều đình chuẩn cho Phạm Phú Thứ được thực thụ chức Tổng đốc Hải An. Để yên dân, ông xin đặt trường mua gạo ở chợ An Biên và Đồ Sơn (thuộc Hải Phòng); đồng thời phái Thương biện là Lương Văn Tiến (anh em họ ngoại với Phú Thứ) đi hiểu dụ lưu dân, tạo việc làm cho họ, để họ thôi “càn rỡ, ngang ngược”. Ngoài ra, ông còn cho khai rộng sông ở phủ Bình Giang, mở Nha Thương Chánh và trường học chữ Pháp ở Hải Dương vào năm 1878... Năm 1878, nhà vua thăng ông làm Thự hiệp biện Đại học sĩ, song vẫn lĩnh chức vụ cũ. Cũng trong năm này, Khâm phái ngự sử là Dương Hoàn tâu lên rằng: Lương Văn Tiến cậy thế chở gạo ra ngoại quốc... Vì vậy, Phạm Phú Thứ phải về Huế để chữa bệnh và đợi án. Năm 1880, khi bản án dâng lên, ông bị giáng làm Quang lộc tự khanh, lĩnh chức Tham tri bộ Binh. Nhân có bệnh nên ông xin về quê.

Năm 1882, Phạm Phú Thứ mất tại quê nhà, giữa những ngày u ám nhất của vận mệnh chế độ phong kiến nhà Nguyễn, thọ 61 tuổi. Nghe tỉnh thần tâu lên, vua Tự Đức thương tiếc ban dụ, trong đó có đoạn: Phú Thứ kinh lịch nhiều khó nhọc, đi Đông sang Tây, dẫu yếu đuối cũng vâng mệnh không dám từ chối. Về việc trông coi Thương chính ở Hải Dương, khi tới nơi công việc đều có manh mối, sau này nên lấy đó noi theo. Những lưu dân, gian phỉ chứa ác ở Quảng Yên, Thứ tới kinh lý cũng được yên. Rồi mở đồn điền ở Nam Sách, thực là lo xa chu đáo, đó là công cán ngày thường rực rỡ đáng nêu. Gia ơn cho truy phục nguyên hàm Thự hiệp biện Đại học sĩ và chuẩn cho thực thụ, cũng sắc cho địa phương tới tế một tuần.

Lời bàn:

Những ai đã tìm hiểu về tiểu sử cũng như sự nghiệp của Phạm Phú Thứ sẽ thấy, đường làm quan dài 38 năm của ông có lắm bước gập ghềnh, thăng giáng, không được phẳng phiu do bản tính cương trực, không chịu nhắm mắt làm ngơ trước quyền uy, dù đó là quyền uy của bậc “con trời”. Để làm được điều này, nếu không phải là người có kiến thức uyên bác cả về lý thuyết lẫn thực hành thì không thể thuyết phục được nhà vua và triều đình đương thời. Không những vậy, ông còn là vị quan tài năng, mẫn cán, nhà cải cách tiên phong; nhà văn hóa lớn, là tác giả, đồng tác giả, dịch giả của nhiều công trình quan trọng về đủ mọi thể loại từ thơ văn đến kỹ thuật, hành chánh, ngoại giao khoa học, quân sự... để phục vụ đời sống và công cuộc canh tân đất nước. 

Ngoài những thành tích rực rỡ về mặt quản lý hành chính, Phạm Phú Thứ còn là một chính khách có tầm nhìn chiến lược trước thời cuộc, kiên trì gắn chặt nhiệm vụ cứu nước với yêu cầu canh tân. Và chính ông, một trí thức nho học đã tiên phong trong việc học tập và phổ biến khoa học - kỹ thuật ở nước ta thế kỷ XIX. Ông cũng để lại một sự nghiệp trước tác phong phú cả về nội dung lẫn số lượng. Nếu thơ là tấm gương phản chiếu chiều sâu tâm hồn và tính cách con người, thì những ai đã đọc thơ của Phạm Phú Thứ rồi sẽ chẳng cần bàn thêm gì về văn tài cũng như nhân cách của ông.

N.D

  • Từ khóa
109959

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu