Thứ 6, 29/03/2024 15:05:43 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 09:14, 29/08/2015 GMT+7

Tấm lòng vì nước, vì dân

Thứ 7, 29/08/2015 | 09:14:00 541 lượt xem

BP - Cách đây 178 năm, tại làng Cách Bi, tổng Bồng Lai, huyện Quế Dương, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc xã Cách Bi, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh), một con nguời đã được sinh ra mà tên tuổi của ông sau này gắn liền với giai đoạn lịch sử chống thực dân Pháp hào hùng của dân tộc. Người đó là Nguyễn Cao, hiệu Trác Hiên. Theo sách “Đại Nam thực lục”, Nguyễn Cao sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước, khoa bảng. Cha ông là Nguyễn Thế Hanh, đỗ đầu kỳ thi Hương, làm Tri huyện các huyện: Thạch An, Tiên Minh, Thủy Đường. Còn ông là một danh tướng của nhà Nguyễn và là một nhà thơ có tài. 

Minh họa: S.H

Theo bài “Văn tự thuật” của ông còn lưu lại đến ngày nay thì Nguyễn Cao sinh năm Đinh Dậu - 1837, là con của cử nhân Nguyễn Thế Hanh và bà Nguyễn Thị Điềm, một người con gái xinh đẹp, hiền thục thuộc dòng họ Nguyễn Đức. Nguyễn Cao sớm sống trong cảnh mồ côi, 3 tuổi ông mồ côi cha, 4 tuổi thì mẹ qua đời. Người nuôi Nguyễn Cao khôn lớn là chị gái chỉ hơn ông có 6 tuổi và bà nội cùng các chú ruột, nhưng người dẫn dắt Nguyễn Cao vào con đường khoa cử lại chính là anh rể họ Lê ở Yên Đinh. Chính người anh rể đã khuyên Nguyễn Cao đến học thầy là cử nhân Phạm Công Hỷ, ở Bảo Triện (nay thuộc xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh). Những người có công nuôi Nguyễn Cao ăn học là nhạc phụ và nhạc mẫu của ông thuộc dòng dõi Lê Doãn, làng Đại Mão (nay thuộc xã Hoài Thượng, huyện Thuận Thành). Nhưng người giúp Nguyễn Cao quyết tâm vượt qua gian khó để đạt được học vị là thầy Ngô Phùng, người làng Thạch Hà.

Năm 30 tuổi, Nguyễn Cao đỗ đầu kỳ thi Hương khoa Đinh Mão - 1867,  tại trường thi Hà Nội. Không giống hầu hết các sĩ tử thi đỗ rồi ra làm quan, Nguyễn Cao về quê dạy học. Năm 1873, khi thực dân Pháp xâm lược Bắc kỳ lần thứ nhất, do có sự tiến cử của quan tỉnh phiên là Phạm Thận Duật, vị Tổng đốc tỉnh Bắc Ninh cấp cho Nguyễn Cao tấm bằng để theo việc quân và ông đã chiêu mộ trong vùng được hơn 1.000 nghĩa dũng. Tháng 10 năm đó, khi giặc Pháp từ Hà Nội tràn sang chiếm đóng Gia Lâm, Siêu Loại (nay là huyện Thuận Thành), Nguyễn Cao đã lãnh đạo quân nghĩa dũng chặn đánh. Ngày 14-12 năm đó, nghĩa quân do Nguyễn Cao chỉ huy tấn công địch ở Gia Lâm, Siêu Loại, diệt nhiều giặc, bắt sống 150 tên, giải phóng một vùng rộng lớn. Năm 1874, triều đình nhà Nguyễn ký Hòa ước với Pháp, Nguyễn Cao cáo bệnh về quê. Quan tỉnh dâng sớ lên triều đình cử ông tham gia việc quân để đánh dẹp giặc cướp ở vùng rừng núi và ven sông. Vì có công đó, Nguyễn Cao được trao chức Tri huyện Yên Dũng. Tiếp đó, Nguyễn Cao có công giúp triều đình mộ quân, thu lương và phòng giữ trật tự trị an trong hạt nên được bổ làm Tri phủ Lạng Giang.

Khi nhà Thanh phái 24 doanh đội sang phối hợp cùng triều đình nhà Nguyễn tiễu phỉ, Nguyễn Cao lãnh đạo dân trong hạt cung ứng dân phu, lương thực rất đầy đủ, quan tỉnh dâng sớ lên triều đình xin thăng chức Thị độc cho ông, nhưng vì có bệnh nên Nguyễn Cao xin về quê trị bệnh và ở luôn nhà để dạy học. Sau đó, vì có bọn thổ phỉ Trung Quốc do Lý Dương Tài cầm đầu sang quấy nhiễu các tỉnh miền Bắc nước ta, quan tỉnh có văn thư mời ông trở lại quan trường để cùng lo việc quân.

Đến năm 1880, quan Đốc bộ Nam Định là Nguyễn Trọng Hợp dâng sớ tiến cử Nguyễn Cao vào chức Thương biện tỉnh vụ Nam Định, vài tháng sau Nguyễn Cao được thăng chức Án sát sứ ty. Tháng giêng năm 1881, Nguyễn Cao xin lên vùng biên giới để lãnh đạo việc khai khẩn đồn điền. Do có thành tích nên được thăng lên chức Bố chánh sứ Thái Nguyên. Sau đó, ông xin về Nhã Nam giúp dân chuyên lo việc khai khẩn đồn điền.

Lời bàn:

Nguyễn Cao sinh ra trong gia đình có truyền thống yêu nước, khoa bảng. Chính vì vậy mà trong ông sớm có lòng yêu nước thương dân. Văn bia  do chính ông soạn vào năm 1876 và cho khắc vào năm 1877, hiện còn lưu giữ ở đình làng Cách Bi đã cho biết khá rõ về ông. Theo đó, ông là một trong số những người có công di dời làng Cách Bi từ ngoài đê vào trong nội đê để tránh lụt lội và là người cho xây văn chỉ của làng để đề cao truyền thống hiếu học, đề ra thuần phong, mỹ tục cho quê hương. Khi ông ra làm quan cho triều đình nhà Nguyễn thì cũng là lúc thực dân Pháp tiến hành xâm lược Bắc Kì lần thứ nhất. Nguyễn Cao đã tập hợp nghĩa quân và đánh bật đồn bốt của Pháp tại Gia Lâm.

Tiếng súng chống xâm lược Pháp của ông không chỉ mở đầu cho phong trào yêu nước chống thực dân Pháp xâm lược ở tỉnh Bắc Ninh mà còn góp phần dấy lên phong trào yêu nước chống Pháp của các sĩ phu và nhân dân nước ta lúc bấy giờ. Và không những là biểu tượng của tinh thần yêu nước, thương dân và đánh giặc bảo vệ quê hương đất nước, mà Nguyễn Cao còn là nhà thơ, nhà văn hóa lớn. Tiếc rằng triều đình nhà Nguyễn khi đó nhu nhược, hèn yếu nên cuộc kháng chiến do ông lãnh đạo không được sự hậu thuẫn của triều đình và sớm rơi vào thất bại. Mặc dù vậy, song tinh thần yêu nước, thương dân của ông vẫn còn sống mãi với non sông đất Việt.                         

 N.D

  • Từ khóa
109703

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu