Thứ 6, 26/04/2024 09:24:49 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 07:40, 07/01/2016 GMT+7

Tầm “nhìn xa” và tầm “nhìn gần”

Thứ 5, 07/01/2016 | 07:40:00 113 lượt xem
BP - Từ ngày 1-1-2016, việc thu phí bảo trì đường bộ đã tạm dừng trên toàn quốc. Nguyên nhân là do trong 3 năm thực hiện chính sách này, số tiền thu được không cao.

Trong 2 năm 2013 và 2014, mỗi năm cả nước chỉ thu được 550 tỷ đồng, nửa đầu năm 2015 chỉ thu được 175 tỷ đồng - một con số quá nhỏ so với ngân sách nhà nước hoặc phí bảo trì đường bộ trong cả nước. Bên cạnh đó, chế tài xử phạt đối với các trường hợp không nộp phí chưa khả thi. Tại Bình Phước, năm 2013 thu 8,424 tỷ đồng, đạt 38,68%; năm 2014 thu 7,61 tỷ đồng, đạt 40,93%; 6 tháng đầu năm 2015 thu 2,334 tỷ/12,111 tỷ đồng kế hoạch cả năm, đạt 19%.

Báo Bình Phước từng có nhiều bài phân tích sự bất hợp lý khi thực hiện chính sách này và nguyên nhân vì sao tỷ lệ thu đạt thấp. Từ thực tiễn triển khai trên phạm vi cả nước, Chính phủ quyết định dừng thu phí đường bộ đối với xe máy là hợp lý. Có nhiều vấn đề đặt ra từ quyết định của Chính phủ. Trong bài viết này, xin được nêu lên vấn đề xây dựng và đưa chính sách vào thực tiễn.

Những năm gần đây, cộng đồng xã hội không ít lần “cười ra nước mắt” về một chính sách hay một quy định trong chính sách nào đó. Có thể mới chỉ là dự thảo, hoặc chính sách đã có hiệu lực pháp luật nhưng không triển khai được hay triển khai được nhưng không hiệu quả để rồi “sống lay lắt” trong cảnh “tiến không được, lui không xong”, hoặc triển khai rồi lại phải tạm dừng, phải bãi bỏ. Điển hình như dự thảo thông tư liên bộ Y tế và Giao thông - Vận tải quy định về thể chất đối với việc cấp giấy phép lái xe máy, có quy định người được cấp phải có vòng ngực trung bình không dưới 72cm, cân nặng không dưới 40kg... Những quy định “trên trời” như vậy khiến hàng triệu phụ nữ phải “khóc ròng”, thậm chí lo lắng không biết người ta sẽ đo vòng ngực của mình như thế nào! Rất may, những quy định này trong dự thảo không trở thành hiện thực. Quy định phải “đi xe chính chủ” của ngành công an một thời gian dài khiến cộng đồng xã hội “phát hoảng”. Bởi nếu thực hiện nghiêm, hầu hết những ai đi xe máy ra đường đều sẽ bị phạt. Khi quy định bắt đầu có hiệu lực, cảnh sát giao thông ban đầu chỉ nhắc nhở người dân phải chấp hành pháp luật và cho biết “sắp tới sẽ phạt thẳng tay”. Nhưng rồi, quy định không sát thực tiễn nên các anh cảnh sát giao thông cũng “lơ” cho người dân và đến nay thì không còn ai nhắc tới. Hoặc Bộ Giáo dục - Đào tạo ban hành chính sách ưu tiên đối với tuyển sinh đại học, từng có quy định cộng thêm 2 điểm vào tổng điểm thi đại học đối với thí sinh là... Mẹ Việt Nam anh hùng!

Trở lại vấn đề bỏ thu phí đường bộ đối với xe máy. Hàng triệu người đã “thở phào” nhẹ nhõm nhưng cũng phải ngần ấy người sẽ cảm thấy ấm ức, bực bội sau khi có quyết định của Chính phủ. Bởi lẽ, 3 năm qua, với tỷ lệ phí thu được chưa đạt 50%, có nghĩa là mới chỉ chừng ấy phần trăm số người phải nộp đã nộp phí, còn lại chưa nộp. Nay thì “hòa cả làng” giữa những người nghiêm túc thực hiện chính sách với người “lầy” không chịu thực hiện nghĩa vụ của mình. Khi quyết định có hiệu lực bắt buộc phải nộp, người ta còn không nộp, bây giờ chỉ còn cách “bắc thang lên hỏi ông trời” xem họ có nộp phần còn “nợ nần” với xã hội, với cộng đồng hay không. Còn một giải pháp nữa, nhà nước... trả lại tiền cho những ai đã nộp? Xem ra khó!

Từ những phân tích trên cho thấy, các nhà hoạch định chính sách không chỉ phải có tầm “nhìn xa trông rộng” mà còn cần có cả tầm “nhìn gần coi kỹ” đối với cộng đồng.

Trần Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu