Thứ 6, 26/04/2024 10:45:14 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:26, 03/07/2018 GMT+7

“Tam nông” đổi mới

Thứ 3, 03/07/2018 | 06:26:00 220 lượt xem

BP - Tại hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5-8-2008 về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, trình độ sản xuất và làm chủ nông thôn mới (NTM) của nông dân. Đồng thời, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, có năng suất và khả năng cạnh tranh cao; xây dựng NTM có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; xã hội ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, dân trí được nâng cao... tạo nền tảng vững chắc cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 5-8-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X thường gọi là Nghị quyết Trung ương 7 về “tam nông”. Sau khi nghị quyết được ban hành, Tỉnh ủy Bình Phước đã tổ chức quán triệt sâu rộng đến toàn thể cán bộ, đảng viên thuộc 22 đảng bộ trực thuộc. Đồng thời, Tỉnh ủy ban hành nhiều kế hoạch, nghị quyết và thực hiện các chủ trương, chính sách có liên quan một cách triệt để. Nhờ đó, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, diện mạo nông thôn ở tỉnh ta đã có nhiều khởi sắc, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện, sản xuất nông nghiệp có những bước phát triển nhảy vọt...

KHƠI THÔNG NGUỒN LỰC

Với chủ trương đưa kinh tế nông nghiệp chuyển dịch rõ nét, nâng cao về sản lượng và chất lượng sản phẩm hơn là tăng diện tích, trong 10 năm qua, giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp Bình Phước đã tăng bình quân mỗi năm đạt 5,95%. Về trồng trọt, đã hình thành nhiều vùng chuyên canh lớn như cao su, tiêu, cây ăn trái, điều, cà phê... Năm 2008, tổng diện tích cây trồng toàn tỉnh 702.694 ha, đến nay là 455.783 ha, giảm 35,14%. Số diện tích giảm này được sử dụng ở các lĩnh vực khác như phát triển trang trại chăn nuôi, dịch vụ... mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trồng rau theo phương pháp thủy canh được nhiều nông dân trong tỉnh quan tâm. Trong ảnh: Các hộ nông dân sản xuất giỏi tham quan mô hình trồng rau thủy canh tại Ban quản lý Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh - Ảnh: Ngân Hà

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 10 năm qua, nhờ chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị và người dân áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật, biện pháp canh tác tiên tiến vào sản xuất đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích. Năm 2017, toàn tỉnh giảm 14,7% diện tích nhưng tăng 37% về sản lượng của cây điều. Cây cao su sau 10 năm đã tăng 77% về diện tích và tăng 105% về sản lượng. Hiện Bình Phước có 237.568 ha cao su với sản lượng hơn 329.172 tấn. Cây cà phê cũng được người dân trong tỉnh lựa chọn để phát triển kinh tế và loại cây trồng này hiện đã tăng 44,1% về diện tích và 146% về sản lượng so với năm 2008.

Những năm trước, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh còn nhỏ lẻ, manh mún theo hộ gia đình. Thế nhưng, với những chính sách của tỉnh trong thu hút đầu tư nên ngành chăn nuôi quy mô lớn đã có những đột phá mạnh. Đó là việc hình thành các vùng chăn nuôi tập trung theo hướng trang trại công nghiệp quy mô lớn ở Lộc Ninh, Hớn Quản, Đồng Phú, Bình Long... Ông Trần Văn Lộc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Năm 2017, đàn heo ở Bình Phước có 354.000 con, tăng gần 200.000 con so với năm 2008. Nuôi heo ở Bình Phước trong thời gian qua được đánh giá là lĩnh vực phát triển mạnh nhất trong hệ thống chăn nuôi với tốc độ tăng bình quân mỗi năm khoảng 11%. Ngoài ra, nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh nên đàn gia cầm của tỉnh cũng đã tăng 4,6% năm. Đặc biệt, toàn tỉnh có trên 60% cơ sở chăn nuôi theo quy mô lớn với công nghệ hiện đại, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước”. Tuy là tỉnh miền núi nhưng trong 10 năm qua nghề nuôi trồng thủy sản ở Bình Phước phát triển khá mạnh, với tổng diện tích nuôi trồng 2.100 ha, sản lượng 6.250 tấn. Đặc biệt, Bình Phước hiện có 1 trại giống thủy sản nước ngọt cấp I, mỗi năm sản xuất hơn 10 triệu con giống các loại, phục vụ trên 20% nhu cầu giống ở địa phương.

Trong những thành tựu về hoạt động sản xuất nông nghiệp truyền thống thì các lĩnh vực về công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh năm 2017 đạt gần 33.000 tỷ đồng, tăng 700% so với năm 2008. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ hiện đạt gần 38.000 tỷ đồng, tăng 330% so với 10 năm trước. Nhờ những chính sách ưu đãi trong đầu tư, Bình Phước hiện có 13 khu công nghiệp, 1 khu kinh tế thu hút 5.500 doanh nghiệp trong nước và 160 dự án đầu tư nước ngoài vào hợp tác làm ăn. Sản phẩm công nghiệp ngày càng đa dạng, phong phú, trong đó nhiều sản phẩm nông nghiệp đã trở thành nguồn nguyên liệu chính trong sản xuất công nghiệp của tỉnh. Đặc biệt, việc thu hút đầu tư hiệu quả đã khơi thông nguồn lực trong đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa nông nghiệp và nông thôn ở tỉnh trong những năm qua, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn.

ĐỘNG LỰC TRONG XÂY DỰNG NTM

Ngoài những thành tựu như đã nêu trên, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đang là “cú hích” mạnh mẽ làm đổi thay toàn diện vùng nông thôn ở Bình Phước. Sau 7 năm triển khai (2011-2017), Bình Phước có 27/92 xã cán đích NTM, 7 xã đạt từ 15-18 tiêu chí và các xã còn lại đều đạt từ 5 tiêu chí trở lên, đưa mức tiêu chí bình quân của toàn tỉnh là 13,59 tiêu chí/xã. Chính nhờ thực hiện chương trình xây dựng NTM mà đời sống, sinh hoạt của người dân nông thôn được nâng lên rõ rệt, diện mạo nông thôn khang trang, văn minh và hiện đại hơn. Đặc biệt, thu nhập bình quân của người dân ở nông thôn trong năm 2017 đạt 44,7 triệu đồng/người/năm. Dự kiến đến năm 2020, Bình Phước có 50% số xã sẽ cán đích NTM và 3 thị xã hoàn thành xây dựng NTM.

Là tỉnh miền núi nhưng nghề nuôi trồng thủy sản trên địa bàn Bình Phước phát triển khá mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao

Hiện trên địa bàn tỉnh, cụm từ “xây dựng NTM” đã trở thành khẩu hiệu quen thuộc và chứa đựng trong đó quyết tâm mạnh mẽ, sự nỗ lực thi đua, sáng tạo, đầy nhiệt huyết của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh. Xã Minh Hưng (Bù Đăng) - một trong những điểm sáng của tỉnh với nhiều đổi thay đột phá, sáng tạo, mạnh dạn, dám nghĩ dám làm để hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM vào năm 2017. Những năm trước, Minh Hưng là xã nghèo, hạ tầng yếu kém, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Toàn xã có khoảng 2.300 hộ dân, trong đó trên 18% đồng bào dân tộc thiểu số. Trong quá trình xây dựng NTM, ngoài tuyên truyền vận động, Minh Hưng đã tranh thủ thực hiện các tiêu chí dễ, ít vốn làm trước, khó thực hiện sau. Đồng thời huy động sức dân, vận động các đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn chung tay làm đường giao thông theo cơ chế Nhà nước 70% kinh phí, còn lại do người dân đóng góp. Trong sản xuất và nâng cao thu nhập, Minh Hưng đã vận động các doanh nghiệp sản xuất, chế biến điều và nông trường cao su trên địa bàn giải quyết việc làm cho 1.500 lao động tại địa phương; phối hợp các ngành chức năng cải tạo và trồng xen cà phê, ca cao trong 1.000 ha điều mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người ở Minh Hưng trong năm 2017 đã đạt trên 43 triệu đồng.

Một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết số 26-NQ/TW về “tam nông” là đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn cũng đã để lại những dấu ấn quan trọng trong 1 thập kỷ qua. Việc chuyển đổi hợp tác xã nông nghiệp, sự ra đời của các tổ hợp tác... đã phát huy sức mạnh thực sự, giúp nông dân, ngư dân đoàn kết, gắn bó, hỗ trợ và đồng hành với nhau. Với sự nỗ lực của các thành viên, nhiều hợp tác xã đã tạo dựng tên tuổi và giúp xã viên, nông dân trong vùng có thu nhập ổn định, đời sống ngày càng được nâng cao. Toàn tỉnh hiện có 110 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động theo Luật Hợp tác xã với 2.434 xã viên và 3.568 lao động, tăng 60 hợp tác xã so với năm 2008. Riêng tổ hợp tác, Bình Phước hiện có 1.315 tổ với gần 12.000 thành viên. Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có 902 trang trại với tổng diện tích gần 16.000 ha, giải quyết việc làm cho 14.000 lao động tại các địa phương.

Ông Trần Văn Lộc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “10 năm qua là một chặng đường tuy chưa dài nhưng những kết quả trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW về “tam nông” ở tỉnh là rất đáng ghi nhận. Chính nhờ sự chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, quyết liệt trong điều hành của UBND tỉnh, hoạt động thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp tăng với tốc độ cao. Năm 2008, toàn tỉnh chỉ có 761 doanh nghiệp thì đến năm 2017 đã có gần 3.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với số vốn gần 35.000 tỷ đồng, đã giải quyết việc làm cho 33.000 lao động. Từ những kết quả này cho thấy, “tam nông” đang là “làn gió mới” mang đến những đổi thay ngoạn mục trong đời sống, xã hội vùng nông thôn Bình Phước trong giai đoạn hiện nay”.

Tấn Phong

  • Từ khóa
94404

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu