Thứ 6, 29/03/2024 19:30:37 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 14:50, 28/01/2015 GMT+7

Tầm quan trọng của biển Đông đối với nước ta

Thứ 4, 28/01/2015 | 14:50:00 2,326 lượt xem

BP - Biển Đông có diện tích khoảng 3,5 triệu km2, trải rộng từ 30-260 vĩ Bắc và từ 1000-1210 kinh Đông. Nước ta có gần 4.000 hòn đảo ven bờ và 2 quần đảo ngoài khơi biển Đông là Hoàng Sa và Trường Sa. Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử đã thực thi chủ quyền của mình đối với vùng biển, đảo và quần đảo phù hợp với luật pháp quốc tế và được công nhận bởi hàng loạt các bằng chứng pháp lý và lịch sử. Biển nước ta có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cả trong lịch sử, hiện tại và tương lai.

Tàu thuyền trên biển Trà Cổ (Quảng Ninh) - Ảnh internet

Ngoài Việt Nam, tiếp giáp với biển Đông còn có 8 nước khác là Trung Quốc, Philippines, Indonesia, Brunei, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Campuchia và một vùng lãnh thổ là Đài Loan. Biển Đông có tầm quan trọng chiến lược đối với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng và các quốc gia khác trên thế giới nói chung. Đây được coi là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ hai của thế giới. Khu vực biển Đông có những eo biển quan trọng đối với nhiều nước, trong đó eo biển Malacca là điểm nhộn nhịp thứ hai trên thế giới. Các đảo và quần đảo trong biển Đông có ý nghĩa phòng thủ chiến lược quan trọng đối với nhiều nước. Biển Đông còn là nơi chứa đựng nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng cho đời sống và sự phát triển kinh tế của các nước xung quanh, đặc biệt là nguồn tài nguyên thủy sản, khoáng sản dầu khí, du lịch và là khu vực đang chịu sức ép lớn về bảo vệ môi trường sinh thái biển.

Lịch sử dân tộc đã ghi nhận có tới 2/3 cuộc chiến tranh kẻ thù đã sử dụng đường biển để tiến công xâm lược nước ta. Những chiến công hiển hách của cha ông ta trên chiến trường sông, biển là: ba lần đại thắng quân thù trên sông Bạch Đằng (năm 938, 981 và 1288); chiến thắng trên phòng tuyến sông Như Nguyệt năm 1077; chiến thắng Rạch Gầm - Xoài Mút năm 1785 và những chiến công trên chiến trường sông biển trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đặc biệt là “Đường Hồ Chí Minh trên biển” đã ghi đậm dấu ấn không bao giờ mờ phai trong lịch sử dân tộc.

Việt Nam có bờ biển dài khoảng 3.260km từ Bắc vào Nam, chiếm tỷ lệ khoảng 100km2 đất liền/km bờ biển, có 28/63 tỉnh, thành phố giáp biển. Biển Đông không những cung cấp nguồn hải sản cho cư dân ven bờ từ hàng ngàn năm mà còn là cửa ngõ để Việt Nam phát triển các ngành kinh tế có quan hệ trực tiếp với các vùng miền của đất nước, giao thương với thị trường khu vực và quốc tế, là nơi trao đổi và hội nhập với nhiều nền văn hóa. Biển Đông đã tạo điều kiện để nước ta phát triển những ngành kinh tế mũi nhọn như thủy sản, dầu khí, giao thông hàng hải, đóng tàu, du lịch... Dọc bờ biển Việt Nam có nhiều điểm có thể xây dựng cảng biển nước sâu và các cảng trung bình. Biển Việt Nam có tiềm năng tài nguyên phong phú, đặc biệt là dầu mỏ, khí đốt. Tại vùng biển và thềm lục địa Việt Nam đã xác định nhiều bề trầm tích có triển vọng dầu khí có trữ lượng dự báo hàng chục tỷ tấn dầu, trong đó trữ lượng khai thác khoảng 2 tỷ tấn, đặc biệt là khí thiên nhiên có tiềm năng rất lớn. Ngoài ra, biển Việt Nam có nhiều điều kiện để phát triển du lịch, ngành công nghiệp không khói, hiện đang đóng góp không nhỏ vào nền kinh tế của đất nước. Do đặc điểm kiến tạo khu vực, các dãy núi đá vôi vươn ra sát biển đã tạo nên nhiều cảnh quan thiên nhiên sơn thủy rất đa dạng; nhiều vũng, vịnh, bãi cát trắng, hang động, các bán đảo và các đảo lớn nhỏ liên kết với nhau thành một quần thể du lịch hiếm có trên thế giới như di sản thiên nhiên thế giới Hạ Long. Về quốc phòng - an ninh, biển Đông đóng vai trò quan trọng là tuyến phòng thủ hướng đông của đất nước. Các đảo và quần đảo trên biển Đông, đặc biệt là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có ý nghĩa phòng thủ chiến lược rất quan trọng. (*)

Từ những năm đầu thập kỷ 70 của thế kỷ XX đến nay, trên biển Đông đang tồn tại những tranh chấp rất quyết liệt và phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố gây mất ổn định. Xu hướng tăng cường lực lượng quân sự, đặc biệt là hải quân của các nước trong khu vực, nhất là những nước có tiềm lực lớn về kinh tế, quân sự. Họ tận dụng ưu thế của mình trên biển, đe dọa chủ quyền các vùng biển đảo, thềm lục địa của nước ta. Vì vậy, việc xây dựng hệ thống phòng thủ, vươn ra biển, làm giàu từ biển là định hướng đúng đắn, phù hợp của nước ta hiện nay và các thế hệ mai sau.

Trung Lương

(*) Tài liệu tham khảo: biendong.net.vn

  • Từ khóa
91047

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu