Thứ 6, 29/03/2024 18:27:21 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:32, 08/05/2019 GMT+7

Tận tâm với học trò vùng sâu

Thứ 4, 08/05/2019 | 14:32:00 1,264 lượt xem
BP - Hơn 17 năm gắn bó với học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nhưng cô Lường Thị Hương (1965), Trường mầm non Thuận Lợi (xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú) vẫn tràn đầy nhiệt huyết như ngày mới đứng lớp. Tình yêu nghề và lòng kính trọng của học sinh là động lực để cô vượt qua mọi khó khăn, mang kiến thức đến học sinh.

Năm 1997, tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm Thanh Hóa, cô Hương cùng gia đình chuyển vào miền Nam sinh sống và công tác tại Trường tiểu học Thuận Lợi (gồm cả bậc mầm non và tiểu học). Sau đó, vì hoàn cảnh gia đình cô xin nghỉ. Nhưng với niềm đam mê dạy học, năm 2002, cô xin tiếp tục dạy ở Trường mầm non Thuận Lợi từ đó đến nay. Trường mầm non Thuận Lợi được tách ra từ Trường tiểu học Thuận Lợi, lúc thành lập trường có nhiều điểm lẻ, trong đó điểm Thuận Tiến thuộc vùng sâu, xa, học sinh chủ yếu là đồng bào DTTS. Đời sống kinh tế người dân thiếu thốn, để vận động các cháu đến trường là một bài toán khó với nhiều giáo viên. Nhưng với lòng nhiệt tình, yêu nghề, cô xung phong đứng lớp ở điểm Thuận Tiến và gắn bó từ đó đến nay.

Cô giáo Lường Thị Hương hướng dẫn các bé xếp hàng trước khi vào lớpCô giáo Lường Thị Hương hướng dẫn các bé xếp hàng trước khi vào lớp

Điểm lẻ ấp Thuận Tiến có hơn 90% học sinh DTTS, gia đình các em sống chủ yếu dựa vào làm rẫy, làm thuê, do đó việc vận động cha mẹ cho con đến trường rất khó khăn. Mặc dù còn nhỏ tuổi nhưng các em phải ở nhà trông em, lớn hơn thì lấy củi, nấu cơm, dọn nhà cửa. Những năm trước, vì hoàn cảnh gia đình nên nhiều em phải nghỉ học. Việc vận động trẻ đến trường, nhất là sau dịp nghỉ hè hay những ngày mùa vụ lại càng khó. Nhưng kiên trì và tận tâm với công việc, mỗi khi có học sinh nghỉ đến 2-3 buổi là cô Hương lại tới tận nhà tìm hiểu nguyên nhân, khuyên gia đình cho con đến trường. Nhiều phụ huynh dẫn con đi làm rẫy mấy ngày mới về, cô luôn theo sát và đến tận nơi vận động cha mẹ cho các em tiếp tục đến lớp. Cô Hương nói: “Chỉ có học tập thì các em mới tự tin, mạnh dạn trong giao tiếp với bạn bè, thầy cô và tạo nếp sinh hoạt ngay từ nhỏ”. Biết gia đình các em thiếu thốn, hằng năm cô đều vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ áo quần, đồ dùng học tập cho học sinh hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Những việc làm của cô đã tạo được niềm tin yêu của phụ huynh, từ đó hằng năm học sinh tại điểm Thuận Tiến đến lớp ngày một đông hơn.

“Dạy trẻ mầm non đã khó, trẻ ở điểm lẻ lại càng khó hơn, trong khi lớp học tuềnh toàng, đồ dùng dạy học thiếu thốn. Có hôm đến giờ học, cả lớp chỉ một mình cô giáo. Đa số trẻ người DTTS không thạo tiếng Việt, một số em biết tiếng phổ thông nhưng cũng bập bẹ. Nhiều khi cô nói xuôi nhưng trò làm ngược. Điều băn khoăn nhất lúc ấy là truyền đạt sao để các cháu hiểu và yêu quý cô giáo. Thời gian đầu các em bỏ học nhiều, khó khăn chồng chất...” - cô Hương chia sẻ về những ngày đầu đứng lớp. Để trẻ thích đến trường, cô Hương thường xuyên tìm tòi, đổi mới phương pháp dạy học và luôn tạo sự gần gũi, thân thiện. Nhiều hôm khi tan lớp, cô ở lại cặm cụi làm đồ chơi để ngày mai các cháu đến lớp có thêm niềm vui mới, trò chơi mới. Cô Hương cho biết, trẻ mầm non học mà chơi, chơi mà học thông qua việc tham gia các trò chơi giúp trẻ phát triển về mọi mặt đức - trí - thể - mỹ. Mặt khác, thông qua đó trẻ biết và duy trì các trò chơi dân gian. Để giúp trẻ học tốt, cô Hương đã sưu tầm nhiều đồ dùng dạy học gần gũi với cuộc sống, tận dụng nguyên vật liệu sẵn có để làm ảnh minh họa sinh động, thông qua các tiết kể chuyện bằng tiếng Việt. Qua đó, tạo cho trẻ sự hứng thú, tự tin giao tiếp với cô giáo và các bạn.

Cô Đinh Thị Luận Hiền, Hiệu trưởng trường cho biết: Cô Hương là giáo viên mẫu mực, có trách nhiệm cao trong công việc, luôn nỗ lực phấn đấu vươn lên. Biết điều kiện tại điểm lẻ Thuận Tiến còn nhiều khó khăn nhưng cô Hương đã vì học sinh mà gắn bó để góp sức vào sự nghiệp “trồng người”. 

Minh Hiền

  • Từ khóa
2245

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu