Thứ 7, 27/04/2024 12:22:04 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 08:22, 19/12/2013 GMT+7

Bài dự thi “Những tấm gương bình dị mà cao quý”:

Tận tình đưa sách về nông thôn

Thứ 5, 19/12/2013 | 08:22:00 383 lượt xem

Làm thế nào để mỗi người dân, nhất là người dân ở vùng nông thôn được tiếp cận và được đọc sách thường xuyên để nâng cao dân trí? Câu hỏi đó cứ thường trực trong chàng thanh niên trí thức nghèo và sự trăn trở ấy đã thúc giục anh đi đến nhiều miền quê khắp cả nước để tìm hiểu cách đưa sách đến với người dân...

Từ ý tưởng “Tủ sách dòng họ”…

Ngay từ khi là sinh viên Trường Đại học Vinh, Nguyễn Quang Thạch, ở xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh đã trăn trở: “Dân mình nghèo, một phần do dân trí thấp, chỉ có tri thức mới có thể giải quyết gốc rễ các vấn đề và góp phần nâng cao trình độ dân trí”, nhất là với nông dân - đối tượng còn nhiều thiệt thòi. Nguyễn Quang Thạch nghĩ suy về sách khi nhiều nông dân chủ yếu vẫn còn lo cái ăn, cái mặc và chiếc cày, chiếc đòn gánh đã tồn tại hàng trăm năm.          

Khát vọng đưa sách về nông thôn đã thôi thúc anh hành động không ngừng nghỉ trong một thời gian dài. Anh đã nghiên cứu kết cấu cộng đồng theo hệ thống chính quyền, cũng như các đặc tính văn hóa vùng miền để thiết kế ra những mô hình thư viện phù hợp. Dòng họ là nơi dễ huy động tài lực và nhân lực để làm đòn bẩy cho tiến trình đưa sách về nông thôn đạt yếu tố bền vững và tự nhân rộng. Hàng trăm dòng họ đã có quỹ khuyến học. Hầu hết các dòng họ đều có các sĩ quan quân đội, công an, công chức, doanh nhân và trí thức đang sinh sống ở các thành phố và trong số họ đều lo cho dòng tộc mình ở thôn quê bằng những hành động cụ thể như góp tiền xây mộ, xây nhà thờ, biên soạn gia phả... Theo Thạch: “Các công chức hằng năm chỉ đóng góp khoảng vài triệu đồng thì có thể mua được hàng trăm đầu sách để hàng nghìn người ở thôn quê có sách đọc. Vài triệu đồng có thể chỉ là một khoản nhỏ của các gia đình khá giả, nhưng cái bền vững và truyền thống hiếu học của dòng họ sẽ được nhân lên khi có tủ sách”.

 “Tủ sách dòng họ” Trần Đình, ở thôn Thanh Cù, xã Ngọc Thanh (Kim Động, Hưng Yên) (người đeo kính đứng trong cùng, bên trái là Nguyễn Quang Thạch).

Từ năm 1997, Thạch đã tiến hành theo dõi, phỏng vấn, khảo sát để bắt đầu thực hiện ý tưởng của mình. Anh bỏ ra mấy năm trời chỉ để nghiên cứu văn hóa các dòng họ Việt Nam. Anh viết thư gửi Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân và Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm (nguyên Phó thủ tướng Chính phủ) trình bày ý tưởng của mình và mong được sự giúp đỡ của cộng đồng để nhân rộng mô hình. Trong thư có đoạn anh viết: “… Trong quá trình khảo sát thiết lập và thực hiện mô hình tủ sách khuyến đọc nông thôn, cháu thấy rằng ở nông thôn rất thiếu sách, nhân dân có nhu cầu đọc sách, tuy nhiên chưa rộng lớn. Văn hóa đọc sẽ hình thành khi hầu hết các dòng họ ở nông thôn được trang bị đủ sách…”.

… đến nhiều mô hình tủ sách nông thôn

Mười năm nung nấu cho một ý tưởng cũng như chuẩn bị tài chính cho việc biến ý tưởng thành hiện thực, Nguyễn Quang Thạch đã dành nhiều thời gian dịch tài liệu và dạy thêm để kiếm tiền hiện thực hóa khát vọng của mình. Anh trở thành kẻ hành khất sách khi ý tưởng tủ sách dòng họ được nhiều dòng họ hưởng ứng. Thạch tâm sự: “11 tủ sách ban đầu là giai đoạn tôi thực hành ý tưởng của mình, nên phải đầu tư cả tủ lẫn sách, hầu hết bằng tiền túi của mình. 50% trong số tủ sách này đã không thành công như mong đợi, nhưng tôi vẫn kiên nhẫn và đã chuyển hướng. Từ tủ sách thứ 12, tôi đề nghị các dòng họ tự đóng tủ và tôi chỉ cung cấp sách, nhờ đó mà kết quả khả thi hơn nhiều”.

Sự nhiệt tâm của Thạch đã được đền đáp từ nhiều chiều. Đó là số dòng họ đăng ký xin sách ngày càng tăng, hỏi cách bày tủ sách ngày càng nhiều; số người ủng hộ tăng nhanh, nhiều người đã ủng hộ hàng trăm đến hàng nghìn đầu sách, như nhà văn Nguyễn Quang Thân (400 đầu sách), giáo sư Phong Lê (1.150 cuốn sách), nhà văn Nguyễn Quang Thiều (1.500 cuốn sách). Ông Alistair Sawer, một doanh nhân người Úc đã ủng hộ 3.200USD để mua sách. Chương trình “Doanh nhân xã hội” hỗ trợ 400 triệu đồng để Thạch chuyên nghiệp hóa mô hình tủ sách sớm hơn dự kiến. Ngoài ra, có hàng trăm cá nhân, tổ chức ủng hộ với hàng chục nghìn cuốn sách và hàng trăm triệu đồng. Đến nay, có rất nhiều dòng họ đã liên lạc với anh Thạch hỏi cách làm tủ sách dòng họ. Hiện tại, gần 300 dòng họ đã đăng ký xin sách, còn dòng họ sẽ tự đóng tủ…

Tháng 5-2010, Thạch lại khởi động thêm mô hình “Tủ sách phụ huynh” đặt tại lớp 7A3, Trường THCS An Dục, Quỳnh Phụ, Thái Bình. Sau một năm hoạt động, số sách được mượn đưa về nhà gấp 6 lần thư viện nhà trường và sách mượn đọc tại chỗ đã tăng 50 lần so với thư viện nhà trường. Nhờ kết quả của mô hình này, đến nay, trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ đã triển khai đến 77 trường học; huyện Thái Thụy xây dựng tủ sách ở 96 trường học. Đặc biệt, mô hình tủ sách dòng họ đã được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho phép chuẩn hóa tại 3 xã gồm An Dục, An Vũ và Đồng Tiến, huyện Quỳnh Phụ. Đến nay, Nguyễn Quang Thạch đã phối hợp với các dòng họ xây dựng hơn 110 tủ sách dòng họ, phối hợp với phòng giáo dục các huyện: Quỳnh Phụ và Thái Thụy, tỉnh Thái Bình xây dựng gần 2000 tủ sách phụ huynh, phối hợp với gia đình có vợ là giáo viên, chồng là bộ đội xây dựng 5 tủ sách hậu phương chiến sĩ và nhiều tủ sách giáo xứ ở 25 tỉnh, thành phố trong cả nước. Có hàng trăm dòng họ đã nhận được sách, tiền do con cháu gửi về bổ sung vào tủ sách, như tủ sách dòng họ Nguyễn Đại, ở Hợp Hải, Lâm Thao, Phú Thọ, con cháu họ Nguyễn Đại đã bổ sung 500 đầu sách và 50 triệu đồng để mua thêm sách và phục vụ khuyến học; có 4.500 lượt sách được mượn đưa về nhà. Ông Nguyễn Tiến Lập, Phó tổng Giám đốc Tập đoàn Invest Consult đã bỏ tiền đặt báo Dân trí cho dòng họ và xóm làng đọc trong 10 năm. Không ít người con xa quê đã bỏ ra từ 1 triệu đến 50 triệu đồng để xây dựng các “tủ sách phụ huynh/tủ sách lớp em” ở các tỉnh Thái Bình, Bắc Giang, Sơn La, Đắc Lắc. Anh Thạch kỳ vọng, trong khoảng 7 năm nữa sẽ có thêm 200.000 tủ sách lớp học, 70.000 tủ sách dòng họ và 7000 tủ sách giáo xứ đến với các miền quê Việt Nam khi vào năm 2016, anh sẽ thực hiện chuyến đạp xe xuyên Việt và vòng quanh thế giới kêu gọi người Việt Nam ở nhiều nước đưa sách về nông thôn.

Cô Bùi Thị Thoan, giáo viên Trường THCS An Dục (huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) cho biết: “Từ khi có tủ sách phụ huynh đặt ngay trong lớp, các em học sinh chủ động và chăm đọc sách hơn, sự hiểu biết của các em có tiến bộ đáng kể. Tôi cho rằng, cần nhân rộng mô hình này trong các trường học”.

Cuối tháng 6-2013, Nguyễn Quang Thạch lại tiếp tục mở thêm mô hình “Tủ sách hậu phương chiến sĩ” cho gia đình Trung tá Hòa Quang Hùng (hiện là Trợ lý Tác chiến, Bộ CHQS tỉnh Điện Biên) ở xã An Dục (huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình). Ý tưởng mở tủ sách ở hậu phương quê hương chiến sĩ nhằm mục đích phát triển mô hình đọc sách trong người dân, đồng thời xây dựng hình mẫu gia đình khi có chồng là quân nhân, vợ là giáo viên. Chính các cô giáo là những người tiếp cận với sách nhiều nhất, có tri thức, có nhiều nguồn cảm hứng phục vụ cộng đồng. Ngoài ra, Thạch đã hỗ trợ cho nhóm sinh viên tình nguyện “Hoa Nắng” khai trương tủ sách cho Cơ sở dạy nghề cho trẻ mồ côi và khuyết tật Nhân Tâm tại TP Hồ Chí Minh. Khát vọng cống hiến cho tiến trình sách hóa nông thôn nên Nguyễn Quang Thạch đã xin nghỉ việc ở PMU85, thuộc Bộ Giao thông vận tải, tổ chức World Vision và lần bỏ việc cuối với mức lương 900 USD/tháng của dự án phòng chống HIV của “Quỹ Toàn cầu” để dành mọi tâm huyết cho sách hóa nông thôn, cũng như thiết kế nhiều mô hình khác để bảo vệ môi trường, phòng chống buôn bán phụ nữ, trẻ em, HIV/AIDS…

Nguyễn Quang Thạch đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép đi xuyên Việt từ Hà Nội đến Thành phố Hồ Chí Minh trong dịp Tết Nguyên đán năm 2010 bằng xe gắn máy để giới thiệu mô hình tủ sách dòng họ đến các tỉnh dọc Quốc lộ 1A. Chuyến đi nhằm tạo yếu tố kích thích các họ trên cả nước tự nhân rộng tủ sách, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội đến việc đưa sách về nông thôn theo chính sách xã hội hóa thư viện của Nhà nước. Dự định năm 2016, Nguyễn Quang Thạch sẽ đạp xe vòng quanh thế giới để thu hút sự quan tâm của mọi người với “sách cho nông dân”.

Những năm qua, hình ảnh Nguyễn Quang Thạch và chiếc xe gắn máy luôn chở đầy sách có mặt tại các làng quê Việt Nam để đưa sách về với bà con ở vùng nông thôn đã trở nên quen thuộc. Tin tưởng rằng, sáng kiến xây dựng “Tủ sách dòng họ”, “Tủ sách phụ huynh”, “Tủ sách hậu phương chiến sĩ”… sẽ tạo cho hàng triệu người dân ở vùng nông thôn có cơ hội tiếp cận với sách để nâng cao dân trí, dần hình thành văn hóa đọc cho nông dân, tạo sự kết nối giữa các thành viên trong gia đình và dòng họ, thôn xóm; giảm thiểu các tệ nạn xã hội, góp phần để nông thôn Việt Nam phát triển an toàn, tiến bộ, bền vững và nhân văn…

(Theo QĐND)

  • Từ khóa
47719

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu