Thứ 6, 19/04/2024 06:59:20 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:27, 08/11/2019 GMT+7

Tăng chế biến = không còn giải cứu nông sản

Thứ 6, 08/11/2019 | 08:27:00 172 lượt xem
BP - Trả lời chất vấn của các đại biểu tại Hội trường Quốc hội sáng 6-11, về tình trạng giá nông sản bấp bênh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã thẳng thắn: “Không gì bằng tập trung chế biến, vì lượng nông sản được chế biến chỉ chiếm 12% tổng sản lượng nông sản, nhưng đem lại 20% giá trị. Đầu tư chế biến sẽ tạo chuỗi giá trị sản xuất khép kín, có chế biến mới tránh được tình trạng tập trung chào bán trong một thời điểm”.

Lời chia sẻ của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường rất đúng và sát thực tế sản xuất nông nghiệp ở nước ta hiện nay. Bởi xuất khẩu nông sản ở Việt Nam chỉ nhiều về lượng, nhưng giá trị quá thấp do đầu tư cho công nghiệp chế biến chưa tương xứng với tốc độ phát triển của nông nghiệp. Minh chứng là sản phẩm chế biến chủ yếu là sơ chế có giá trị gia tăng thấp chiếm 70-85%; số lượng nhà máy chế biến nông sản hiện đại ít, chủ yếu chế biến thủ công; 90% công nghệ chế biến nhiều mặt hàng nông sản ở mức độ trung bình và lạc hậu... Ngoài ra, còn phải kể đến cơ chế chính sách về đất đai, tài chính, tín dụng, khoa học, công nghệ chưa đủ hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông sản; trình độ quản lý và tay nghề chuyên môn phục vụ công nghiệp chế biến còn thấp; chưa tạo được sự gắn kết giữa công nghiệp chế biến với sản xuất nguyên liệu...

Ở Bình Phước có 445.783 ha đất nông nghiệp, chiếm 66,3% tổng diện tích đất tự nhiên, nhưng có đến 420.750 ha cây lâu năm, tập trung chủ yếu là cao su, điều, tiêu, cà phê, cây ăn trái. Đây là thế mạnh của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, những năm qua, nông dân trong tỉnh lại đứng ngồi không yên vì luôn chịu cảnh “được mùa mất giá - được giá mất mùa”. Bên cạnh những yếu tố bất lợi, như thời tiết diễn biến phức tạp, dịch bệnh trên cây trồng - vật nuôi liên tục bùng phát; giá các loại nông sản chủ lực giảm sâu và tình trạng sản xuất manh mún, chạy theo nhu cầu thị trường... không liên kết với doanh nghiệp. Cũng do đầu tư chế biến sâu chưa được coi trọng nên nông sản bị hư hỏng rất nhiều do thiếu cơ sở vật chất bảo quản đáp ứng yêu cầu. Đơn cử như giá hồ tiêu những năm qua giảm sâu do cung vượt cầu, thu không đủ bù chi nên nhiều hộ dân không hái tiêu, thậm chí bỏ vườn không chăm sóc, gây tổn thất lớn về kinh tế.

Vẫn biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thu hút đầu tư chế biến sâu kém hiệu quả, nhưng sâu xa hơn chính là chiến lược và chính sách huy động, phân bổ nguồn lực cho phát triển công nghiệp chế biến nông sản ở nước ta chưa tạo sự đột phá, chưa hấp dẫn nhà đầu tư; chưa có những chính sách hay đề xuất mang tầm chiến lược, dài hơi... Để huy động được các nguồn lực phục vụ chế biến sâu cũng như nâng cao đời sống người dân, đòi hỏi Nhà nước có những chính sách mang tính đột phá, thông thoáng, sáng tạo, tạo lập môi trường khởi nghiệp trong công nghiệp chế biến. Trọng tâm là tổ chức sản xuất nguyên liệu cung cấp cho công nghiệp chế biến bằng việc rà soát quy hoạch sử dụng đất, cơ cấu sản xuất để xây dựng vùng nguyên liệu tập trung; đầu tư phát triển các cụm liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản tại các địa phương có sản lượng nông sản lớn. Đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng các dự án chế biến lớn với công nghệ đồng bộ, hiện đại; đẩy mạnh đầu tư vào chế biến theo hướng tăng tỷ trọng chế biến sâu có giá trị gia tăng cao...

Lâm Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu