Thứ 6, 29/03/2024 05:37:57 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 10:11, 17/07/2014 GMT+7

Tăng cơ chế ngăn chặn và đẩy lùi lãng phí

Thứ 5, 17/07/2014 | 10:11:00 104 lượt xem
BP - Bắt đầu từ ngày 1-7-2014, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sửa đổi chính thức có hiệu lực thi hành. So Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2005, luật sửa đổi năm 2013 có nhiều điểm mới:

Một là, kế thừa và nâng cao tính pháp lý của các quy định về thực hành tiết kiệm,

chống lãng phí trên các mặt của đời sống kinh tế - xã hội, thể hiện ở một số điểm đáng chú ý sau: Xác định rõ hơn về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng. Quy định rõ, cụ thể về việc xây dựng, thực hiện, kiểm tra thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong các cơ quan, tổ chức. Đổi mới cơ chế xây dựng chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, quy định rõ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải trên cơ sở xác định cụ thể mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm, yêu cầu chống lãng phí trong các cơ quan, tổ chức và các biện pháp thực hiện.

Với những quy định mới, luật đã nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức và của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt đã bổ sung trách nhiệm giải trình về việc xảy ra lãng phí trong cơ quan, tổ chức. Luật cũng gia tăng các quy định về cơ chế, giải pháp, biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bổ sung và cụ thể hóa các quy định về giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán nhằm tăng tính hiệu quả, hiệu lực của các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đồng thời có cơ chế khen thưởng hợp lý để khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hành tiết kiệm, tham gia phát hiện lãng phí...

Hai là, luật hóa cơ chế về phát hiện lãng phí và trách nhiệm xử lý thông tin phát hiện lãng phí. Đây là điểm mới quan trọng của luật, tạo cơ chế khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia phát hiện và cung cấp kịp thời các thông tin về lãng phí, góp phần ngăn chặn lãng phí cũng như xác định trách nhiệm kiểm tra, xử lý, giải trình của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc để xảy ra lãng phí. Luật quy định nghiêm cấm mọi hành vi cản trở việc thực hiện quyền cung cấp thông tin phát hiện lãng phí; đe dọa, trả thù, trù dập, xúc phạm người cung cấp thông tin phát hiện lãng phí...

Ba là, luật đã xác định rõ các hành vi lãng phí trong từng lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, làm cơ sở để xử lý nghiêm các hành vi gây lãng phí, góp phần đưa công tác chống lãng phí đi vào thực chất, tăng tính hiệu lực, hiệu quả của luật. Trong Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2005, các hành vi gây lãng phí không được quy định trực tiếp nên đã gây không ít khó khăn cho việc xử lý các vi phạm. Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013 đã bổ sung quy định về hành vi gây lãng phí tất cả các lĩnh vực phải thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Và quy định về hành vi lãng phí cùng chế tài xử lý vừa mang ý nghĩa răn đe vừa đảm bảo có công cụ cụ thể để xử lý, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Có thể khẳng định, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã quy định rõ các hành vi lãng phí và biện pháp xử lý các hành vi gây lãng phí để xử lý nghiêm nhằm ngăn ngừa lãng phí, thực hành tiết kiệm. Bên cạnh đó, luật cũng tăng cường các cơ chế ngăn chặn, đẩy lùi lãng phí. Điều quan trọng hơn là với những quy định mới này sẽ góp phần nâng cao ý thức về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của các cấp, ngành và toàn thể nhân dân. 

K.N

 

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu