Thứ 6, 26/04/2024 06:37:36 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 08:33, 23/09/2018 GMT+7

Tăng cường công tác đảm bảo an ninh mạng

Chủ nhật, 23/09/2018 | 08:33:00 209 lượt xem

BP - Hiện nay, an ninh trên không gian mạng là vấn đề nóng bỏng, thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia và cộng đồng quốc tế. Sự bùng nổ của công nghệ thông tin, các phương tiện truyền thông, đặc biệt là internet ngày càng trở thành phương tiện hữu ích đối với đời sống con người. Với sự phát triển như vũ bão của khoa học - công nghệ, không gian mạng trở thành một bộ phận cấu thành không thể thiếu và đóng vai trò quan trọng trong xây dựng xã hội thông tin và phát triển kinh tế tri thức. Sự phát triển bùng nổ của công nghệ mang tính đột phá như trí tuệ nhân tạo, internet của vạn vật, máy tính lượng tử, điện toán đám mây, hệ thống dữ liệu lớn, hệ thống dữ liệu nhanh... đã làm không gian mạng thay đổi sâu sắc cả về chất và lượng, được dự báo sẽ mang lại những lợi ích chưa từng có cho xã hội loài người nhưng cũng làm xuất hiện những nguy cơ tiềm ẩn vô cùng lớn.

Lực lượng chức năng rà soát đảm bảo tình hình an ninh thông tin mạng trên địa bàn tỉnh

Là một quốc gia có trên 90 triệu dân và trong thời kỳ “dân số vàng”, không ngạc nhiên khi Việt Nam được xác định là một trong những quốc gia mà internet phát triển nhanh nhất thế giới. Cùng với sự phát triển của mạng xã hội, trí tuệ nhân tạo và các thiết bị kết nối internet ngày càng phổ biến đã và đang tạo ra những thành tựu khoa học - công nghệ vượt trội. Tuy nhiên, cũng tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động tác động, chuyển hóa chính trị, khủng bố, tấn công mạng có chủ đích không chỉ có thể phá hoại các mục tiêu, công trình quan trọng về an ninh quốc gia mà còn chiếm đoạt thông tin, tài liệu bí mật, chiếm đoạt để sử dụng các hệ thống dữ liệu lớn, dữ liệu nhanh phục vụ các ý đồ chính trị và hoạt động phạm tội.

Theo thống kê, hiện mỗi năm nước ta đang phải đối phó với hàng chục ngàn cuộc tấn công mạng với quy mô lớn, cường độ cao, đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, gây tổn hại nặng nề về kinh tế. Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, ngành chức năng đã phát hiện 2.769 trang, cổng thông tin điện tử tên miền quốc gia, trong đó có 35 trang, cổng thông tin điện tử thuộc quản lý của các cơ quan đảng, nhà nước bị tấn công, thay đổi giao diện, chiếm quyền điều khiển, chỉnh sửa nội dung. Tuy nhiên, điều nguy hiểm hơn là các thế lực thù địch sử dụng internet, mạng xã hội để thực hiện kế hoạch lật đổ chế độ, Nhà nước bằng việc kích động người dân tụ tập đông người, biểu tình “bất bạo động” gây bất ổn chính trị xã hội, gây ra hậu quả khôn lường. Thực trạng, nguy cơ nêu trên đã đặt ra yêu cầu bức thiết phải xây dựng và ban hành văn bản luật về an ninh mạng để phòng ngừa, đấu tranh, xử lý các hành vi sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Việc thông qua Luật An ninh mạng tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV là cơ sở pháp lý và cơ sở khoa học xử lý những kẻ lợi dụng internet, mạng xã hội để chống phá chế độ xã hội, Nhà nước và làm tổn hại đến cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam. Luật gồm 7 chương, 43 điều, quy định những nội dung cơ bản về bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng; triển khai hoạt động bảo vệ an ninh mạng và quy định trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Để bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, Luật An ninh mạng đã dành 1 chương (Chương III) quy định đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nhằm loại bỏ các nguy cơ đe dọa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật, bao gồm: phòng ngừa, xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; phòng, chống gián điệp mạng, bảo vệ thông tin bí mật nhà nước, bí mật công tác, thông tin cá nhân trên không gian mạng; phòng ngừa, xử lý hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự; phòng, chống tấn công mạng; phòng, chống khủng bố mạng; phòng, chống chiến tranh mạng; phòng ngừa, xử lý tình huống nguy hiểm về an ninh mạng; đấu tranh bảo vệ an ninh mạng. Đây là hành lang pháp lý vững chắc để người dân có thể yên tâm buôn bán, kinh doanh hay hoạt động trên không gian mạng.

Trên cơ sở đó, từ ngày 1-1-2019, Luật An ninh mạng được thi hành, các đơn vị chức năng có thể chủ động tiến hành hiệu quả các hoạt động, biện pháp cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, đấu tranh, loại trừ những hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trên không gian mạng; các hành vi tấn công vào hạ tầng kỹ thuật mạng máy tính, viễn thông, internet ở Việt Nam. Đồng thời bảo đảm quyền con người, quyền công dân; khắc phục các hạn chế của pháp luật hiện hành, góp phần bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới và xây dựng môi trường internet lành mạnh, an toàn, hữu ích ở Việt Nam.

Minh Giang

  • Từ khóa
31229

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu