Thứ 6, 29/03/2024 17:49:19 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 14:37, 06/07/2015 GMT+7

Tăng cường phòng chống bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu

Thứ 2, 06/07/2015 | 14:37:00 115 lượt xem
BP - Theo số liệu tổng hợp của Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), tính đến tháng 5-2015, tổng diện tích hồ tiêu cả tỉnh là 12.067 ha, tăng 1.314 ha so với năm 2013. Diện tích hồ tiêu tăng nhanh trong khi nhiều hộ trồng tiêu thiếu kinh nghiệm, chưa áp dụng đúng quy trình trồng và chăm sóc theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp nên dịch bệnh tăng lên.

Năm 2014, diện tích bị nhiễm bệnh chết nhanh là 199 ha, trong đó nhiễm nhẹ 183 ha, trung bình 16 ha. Năm 2015, diện tích nhiễm bệnh chết nhanh tăng lên 478 ha, trong đó nhiễm nhẹ 272 ha, trung bình 170 ha và nhiễm nặng 36 ha. Bệnh chết chậm: Năm 2014 bị nhiễm 307 ha, trong đó nhiễm nhẹ 249 ha, trung bình 54 và nhiễm nặng 4 ha. Năm 2015, diện tích nhiễm giảm còn 115 ha, nhưng nhiễm nặng tăng 6 ha.

Xóa sổ vườn tiêu do bệnh chết nhanh ở ấp Vườn Bưởi, xã Lộc Thiện (Lộc Ninh)

Bệnh chết nhanh được coi là căn bệnh nan y với cây tiêu do chưa có thuốc đặc trị. Bệnh chết nhanh chỉ sau 2 tuần là chết nọc. Ở Tây Nguyên và Đắk Nông trong 2 năm 2013 và 2014, bệnh chết nhanh đã xóa sổ có tỉnh cả ngàn ha hồ tiêu. Bệnh do nấm tấn công bộ rễ làm cây héo nhanh toàn bộ, người trồng tiêu không thể cứu chữa dẫn đến hủy diệt vườn tiêu. Bệnh chết chậm do nhiều loại nấm tấn công, cây có biểu hiện vàng lá, sinh trưởng kém nhưng không làm tiêu chết ngay mà giảm năng suất.

Thạc sĩ Lê Thúc Long, Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật cho biết: Nguyên nhân gia tăng bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu là do lợi nhuận từ hồ tiêu đang cao hơn nhiều lần so với các loại cây chủ lực như cao su, điều nên nông dân nóng lòng chuyển đổi diện tích cây trồng, không lựa chọn nguồn giống bảo đảm. Giống có thể nhiễm bệnh trước khi trồng. Nhiều hộ trồng trên diện tích đất không phù hợp, bị ngập úng dẫn đến bệnh tấn công và gây hại cho cây tiêu. Đầu và cuối mùa mưa nhiệt độ trong ngày chênh lệch lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loại nấm bệnh gây hại, trong đó có nấm phytopthora và fusarium gây nên bệnh chết nhanh và chết chậm trên hồ tiêu.

Do người trồng tiêu thiếu kinh nghiệm nên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không hợp lý trong phòng trừ bệnh chết nhanh, chết chậm; lạm dụng bón phân cả trong mùa mưa dẫn đến cây bị “ngộ độc” phân bón do dư đạm...

Để phòng trừ bệnh chết nhanh, kỹ sư Lê Thúc Long khuyến cáo nông dân phải sử dụng phương pháp tổng hợp: Thường xuyên thăm vườn để phát hiện sâu bệnh sớm; vườn tiêu phải luôn được thông thoáng, chăm sóc đúng quy trình. Trị dứt điểm rệp sáp, mối, tuyến trùng. Không bón phân, làm cỏ bồn trong mùa mưa để hạn chế làm tổn thương bộ rễ. Bón phân cân đối, đặc biệt giữa đạm và kali, chú ý bổ sung các chất trung và vi lượng. Khi vườn tiêu có trụ bị bệnh cần lấy vôi bột rải quanh vườn, rải nhiều quanh cây bị bệnh. Phun một trong các loại thuốc: Acrobat MZ 90/600WP, Alpine 80WP, Ridomil Gold 68 WP...

Trong Tháng hành động phòng chống bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu do Bộ NN-PTNT phát động (tháng 5-2015), Sở NN-PTNT đã cấp phát tài liệu chuyên ngành và tổ chức tuyên truyền ở 24 câu lạc bộ IPM và 23 câu lạc bộ phát triển tiêu bền vững. Sở NN-PTNT phát động chiến dịch phòng trừ bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây tiêu ở huyện Chơn Thành, Bù Đăng và thị xã Bình Long, đồng thời tổ chức được 42 lớp tập huấn cho 2.256 nông dân tham dự.

P.Hà

  • Từ khóa
38816

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu