Thứ 6, 29/03/2024 03:40:26 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 10:57, 14/01/2019 GMT+7

Tăng cường phòng chống sạt lở bờ biển

Thứ 2, 14/01/2019 | 10:57:00 490 lượt xem
BP - Biển đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vì vậy, việc bảo vệ bờ biển, môi trường biển cần phải được đặc biệt quan tâm. Trong những năm qua, tình trạng sạt lở bờ biển đã xảy ra với tần suất cao và ngày càng tăng trên toàn tuyến bờ biển nước ta. Bờ biển bị sạt lở với những phạm vi khác nhau, ở từng vùng và vị trí khác nhau, tùy thuộc vào cấu trúc địa chất và các hoạt động xâm hại của con người. Chống sạt lở bờ biển và kiểm soát xói lở một cách hiệu quả đòi hỏi phải thực hiện các biện pháp kết hợp tổng thể.

THỰC TRẠNG SẠT LỞ

Những năm gần đây, nhất là từ sau trận mưa lũ lịch sử năm 1999, diễn biến sạt lở bờ biển và bồi lấp cửa sông ở nước ta, nhất là các tỉnh miền Trung diễn ra phức tạp và nghiêm trọng với quy mô, mức độ ngày càng tăng. Sạt lở bờ biển đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống nhân dân cũng như phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Bên cạnh hiện tượng sạt lở bờ biển, tình trạng bồi lắng các khu vực cửa sông cũng đang diễn ra phức tạp. Vấn đề nghiêm trọng nhất hiện nay là sạt lở không chỉ xảy ra vào mùa lũ mà còn xuất hiện cả ở mùa khô và diễn ra rộng khắp, từ các tuyến sông chính đến hệ thống kênh, rạch; mức độ ngày càng lớn, nghiêm trọng và khốc liệt hơn.

Bờ biển Cửa Đại, thành phố Hội An (Quảng Nam) bị sạt lở - Ảnh tư liệu

Ở đồng bằng sông Cửu Long, hầu hết bờ biển đã bị sạt lở với nhiều mức độ khác nhau. Những đoạn bờ biển có tốc độ xói lở mạnh (từ 30-100m/năm) như xã Tân Thành (Tiền Giang), Đông Hải (Trà Vinh), Gành Hào (Bạc Liêu)... Tại tỉnh Sóc Trăng, đoạn bờ biển từ ấp Biển Trên, thị trấn Vĩnh Châu, huyện Vĩnh Châu đến khu vực giáp ranh tỉnh Bạc Liêu đang bị xâm thực mạnh. Dải đất ven biển tỉnh Cà Mau một số đoạn bờ biển bị xói lở nghiêm trọng, hằng năm diện tích đất mất đi hàng ngàn héc ta. Nhiều vùng trong khu vực ven biển đồng bằng sông Cửu Long hiện đã mất rừng, có nơi cây rừng bị sóng đánh bật gốc, bờ biển bị sạt lở vào sát tới gần chân đê, khiến cư dân sống quanh khu vực này rất lo lắng.

Đối với khu vực ven biển miền Trung (từ Nghệ An đến Bình Thuận) gồm 13 tỉnh, thành phố có chiều dài bờ biển 1.649km cùng mạng lưới sông dày đặc với 48 cửa sông lớn, nhỏ đổ ra biển. Theo báo cáo của các địa phương, đến tháng 7-2018, dọc dải bờ biển miền Trung có 88 điểm sạt lở với tổng chiều dài 120,4km. Bên cạnh đó, hiện tượng bồi lắng các khu vực cửa sông cũng đang diễn ra rất phức tạp. Tình trạng sạt lở bờ biển và bồi lấp cửa sông đã xảy ra tại nhiều địa phương ở khu vực miền Trung, đe dọa an toàn các khu dân cư, cản trở thoát lũ, hoạt động tàu thuyền khó khăn, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống của ngư dân.

GIẢI PHÁP NGĂN CHẶN

Trong năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã có các cuộc làm việc với lãnh đạo các tỉnh miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long. Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần tập trung khắc phục khẩn cấp khu vực sạt lở bờ biển đặc biệt nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến các khu dân cư và cơ sở hạ tầng quan trọng. Khắc phục ngay những khu vực cửa sông bị bồi lấp, gây ảnh hưởng thoát lũ và hoạt động của tàu cá ngư dân. Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, địa phương liên quan tiếp tục có các đề án, dự án nghiên cứu, đánh giá, đề xuất giải pháp tổng thể phòng, chống sạt lở bờ biển, bờ sông, bồi lấp cửa sông, sạt lở đất ở vùng núi. Trên cơ sở đó xây dựng chương trình, kế hoạch đầu tư theo từng giai đoạn phù hợp với khả năng nguồn lực, gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và địa phương. Các bộ, ngành và cơ quan liên quan tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để chính quyền và người dân có các biện pháp chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai. Đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ để phòng chống sạt lở bờ biển, bồi lấp cửa sông.

Mục 1(3) “Một số chủ trương lớn” của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ: “Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiệt hại thiên tai, động đất, sóng thần, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng trên cơ sở ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, đặc biệt là áp dụng các mô hình thông minh có khả năng thích ứng, chống chịu với thiên tai và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống biển xâm thực, xói lở bờ biển, ngập lụt, xâm nhập mặn”.

Tại hội thảo báo cáo kết quả các nghiên cứu thuộc chương trình khoa học và công nghệ phục vụ bảo vệ môi trường và phòng tránh thiên tai do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức tại Đà Nẵng ngày 11-10-2018, các nhà khoa học cho rằng, nguyên nhân xói lở bờ biển liên quan đến 3 yếu tố chính, đó là: ngoại sinh (thủy, hải văn), nội sinh (địa chất, địa mạo) và nhân sinh (con người). Trong 3 yếu tố này, ngoại sinh là nguyên nhân chủ yếu, trực tiếp liên quan đến quá trình thủy thạch động lực gây ra thiếu hụt bùn, cát. Nguyên nhân nội sinh và nhân sinh góp phần lớn hình thành nên tình trạng sạt lở bờ biển, bờ sông. Từ thực tế đó cần phải có giải pháp chống sạt lở bờ biển tổng thể với chiến lược lâu dài. Đặc biệt phải kết hợp phòng chống sạt lở với việc sa bồi ở vùng cửa sông. Các cơ quan chức năng tăng cường cơ sở pháp lý, quy định bảo vệ bờ biển, xây dựng cơ sở dữ liệu, thành lập mạng lưới quan trắc, giám sát xói lở bờ biển định kỳ để có những giải pháp ứng xử kịp thời.

Đức Hồng

  • Từ khóa
111364

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu