Thứ 7, 27/04/2024 00:06:20 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:32, 26/06/2018 GMT+7

Tăng lương, đừng để tăng lo!

Thứ 3, 26/06/2018 | 08:32:00 144 lượt xem
BP - Theo Nghị định số 72/2018/NĐ-CP, ngày 15-5-2018 của Chính phủ, từ ngày 1-7-2018, mức lương cơ sở của cán bộ, công chức từ 1,3 triệu đồng/tháng sẽ tăng lên 1,39 triệu đồng/tháng. Thông thường, với những người chỉ trông chờ vào đồng lương, khi được tăng lương sẽ rất mừng. Tuy nhiên, thực tế là mỗi lần được tăng lương, nhiều người không mừng mà lại thấy lo.

Nghe thì có vẻ nghịch lý nhưng sự thật là đã qua nhiều kỳ tăng lương, đời sống của cán bộ, công chức vẫn chưa được cải thiện là bao. Bởi vừa có thông tin tăng lương thì giá các mặt hàng đã tăng trước đó cả tháng và giá đã lên thì rất khó xuống. Bên cạnh đó, khi lương tăng thì các chính sách thuế, phí, bảo hiểm cũng sẽ được điều chỉnh tăng theo. Chính vì vậy, tăng lương không hoàn toàn đồng nghĩa với việc cải thiện điều kiện sống của những người làm công ăn lương.

Tiền lương liên quan trực tiếp đời sống của người lao động và câu chuyện về tiền lương chưa bao giờ hết “nóng”. Những năm gần đây, năm nào cũng có vài cuộc họp bàn, tranh cãi về lương và mỗi lần tăng lương lại là một cuộc vật lộn, “cân não” giữa cơ quan bảo vệ người lao động với người làm chính sách, chủ doanh nghiệp. Từ năm 2003-2017, Chính phủ đã qua nhiều lần điều chỉnh lương và mức lương cơ sở (khối hành chính sự nghiệp), từ 290 ngàn đồng lên 1,3 triệu đồng. Tuy nhiên, mức lương này vẫn mới chỉ đáp ứng từ 50-65% mức sống trung bình của công chức, viên chức, chưa đáp ứng được điều kiện sống cơ bản của người làm công ăn lương. Vì thế, nhiều người không sống bằng lương mà bằng các khoản tiền không chính thức khác, gây nên nạn tham nhũng trong bộ máy, bởi trước hết người ta phải sống rồi mới cống hiến được.

Bên cạnh nguyên nhân chính là bộ máy quá cồng kềnh nên quỹ lương phải rải đều, chia nhỏ thì công tác quản lý giá, quản lý thị trường chưa hiệu quả nên cứ đến hẹn lại lên, lương chưa tăng thì giá đã nhích. Thực tế là cách quản lý, điều hành của chúng ta mang tính chắp vá, thiếu đồng bộ, giật chỗ này, vá chỗ kia mà mục đích cuối cùng là nâng cao đời sống người lao động lại chưa thấy rõ. Chính vì thế, việc Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ban hành Nghị quyết số 18, 19-NQ/TW về tinh giản, sắp xếp lại bộ máy theo hướng hiệu lực, hiệu quả thực sự là một cuộc “đại phẫu”, vừa để tinh gọn bộ máy theo hướng hiệu lực, hiệu quả, vừa có điều kiện nâng cao thu nhập của người làm công ăn lương. Cuộc “đại phẫu” này sẽ gây đau đớn nhưng không thể không làm.

Các triều đại phong kiến Việt Nam đã biết sử dụng lương bổng hợp lý để khuyến khích quan lại giữ thanh liêm. Đời nhà Lý, vua Lý Thánh Tông đặt ra “bổng dưỡng liêm” cho các quan trông coi việc hình pháp, xét xử, giam giữ... nhằm nuôi dưỡng đức tính liêm khiết của quan lại trong bộ máy tư pháp, ngăn chặn nạn hối lộ trong hoạt động chấp pháp. Chính sách ưu dụng đại thần được thể hiện ở mấy câu thơ: “Ân riêng mưa móc đượm nhuần/Đã tiền lại lúa ân cần dưỡng liêm”. Thời vua Lê Thánh Tông thì quy định chế độ bổng lộc cho quan lại trong kinh, ngoài trấn theo nguyên tắc các quan cùng phẩm hàm nhưng giữ trọng trách ở địa phương thì tiền lương cũng giống các quan trong triều. Chính sách này nhằm để các quan ở địa phương yên tâm làm việc và không vì lương bổng thấp mà vơ vét của dân, sinh ra nhũng lạm.

Thời nào cũng thế, chỉ khi đồng lương được trả xứng đáng với công sức của người lao động, đáp ứng được các điều kiện sống cơ bản thì mới kích thích được khả năng sáng tạo trong công việc, kích thích sự cống hiến. Và có như thế thì mỗi kỳ tăng lương, người “ăn lương” mới không đi kèm với “tăng lo”.

Nguyên Thủy

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu