Thứ 7, 20/04/2024 01:54:44 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:24, 21/02/2019 GMT+7

Tăng tốc kỷ luật công vụ

Thứ 5, 21/02/2019 | 08:24:00 129 lượt xem
BP - Ngày 14-2, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong công khai cho biết hồ sơ một doanh nghiệp bị “ngâm” quá lâu. Câu chuyện này được những người làm trong công sở nhà nước cũng như cộng đồng doanh nghiệp, người làm việc ở doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân trao đổi khá nhiều và cũng có quan điểm trái chiều. Phía sau đó có rất nhiều điều đáng suy nghĩ.

Chuyện là một đơn vị gửi hồ sơ xin tham gia chương trình kích cầu doanh nghiệp. Tuy nhiên, hồ sơ đi lòng vòng ở các sở, ngành hết một năm rưỡi mới tới Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, với ý kiến tham mưu trả lời “không được”, khiến Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong không dám ký vì... quá xấu hổ. Nêu ra sự việc, từ đó ông đề nghị các sở, ngành rút kinh nghiệm và suy nghĩ về trách nhiệm của đơn vị mình; đồng thời yêu cầu Sở Nội vụ TP. Hồ Chí Minh nghiên cứu tham mưu quy định cụ thể thời gian giải quyết hồ sơ đề xuất của doanh nghiệp, người dân, nếu sau thời gian đó, sở, ngành không trả lời coi như đồng ý.

Những câu chuyện như vậy không hiếm trong thực tế. Thậm chí, đã có nhiều trường hợp tương tự cũng được lãnh đạo các cấp công khai chia sẻ rồi chỉ đạo gắt gao ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Thế nhưng, điểm chung của các trường hợp này cuối cùng có bao lý do được nêu ra, không ai bị xử lý nghiêm hoặc công khai xử lý. Rốt cuộc, tình hình thay đổi không nhiều, vẫn lặp lại ở đơn vị khác với tình huống khác, thậm chí xảy ra ngay tại đơn vị cũ và sự việc được bưng bít theo quan điểm “tốt khoe, xấu che”, không làm ảnh hưởng đến hình ảnh của địa phương mình.

Người đứng đầu chính quyền công khai chia sẻ chuyện cơ quan chức năng “hành” doanh nghiệp và cảm thấy xấu hổ là việc làm văn hóa, văn minh với mong muốn địa phương mình sẽ tốt đẹp hơn. Nhưng những ngày qua có không ít ý kiến cho rằng, như thế là chưa thực sự quyết liệt; những ai, cơ quan nào đã “ngâm” hồ sơ của doanh nghiệp và phải bị xử lý thế nào thì chưa được đề cập tới nên vẫn “huề cả làng”. Có ý kiến cho rằng, bị ngâm và không được duyệt là do doanh nghiệp không “lót tay”, “đi đêm”... Rõ ràng, với những gì đang diễn ra thì thật khó ngăn được ý kiến đó, khi không có thông tin nào về việc cơ quan chức năng đã cố gắng giúp doanh nghiệp song rốt cuộc vẫn không đủ điều kiện nên mới kéo dài như vậy.

Lại có quan điểm cho rằng lãnh đạo phải phẫn nộ nếu thấy cấp dưới làm việc như thế chứ không chỉ “xấu hổ”. Bởi lãnh đạo thấy xấu hổ nhưng cấp dưới chưa chắc đã xấu hổ, cho dù cấp dưới có xấu hổ cũng chưa chắc là xấu hổ thật hay không, cấp dưới xấu hổ thật cũng chưa chắc có tiếp tục làm việc tắc trách, có hành doanh nghiệp nữa hay không... Doanh nghiệp cũng như nhân dân nói chung rất cần một lời tuyên chiến mạnh mẽ với sự trì trệ, yếu kém của chính quyền chứ không phải những yêu cầu “chịu trách nhiệm” chung chung...

Chuyện cơ quan công quyền vô cảm với việc mà doanh nghiệp hay nhân dân đang nóng lòng không hiếm, thậm chí được đề cập nhiều. Nhưng quy trách nhiệm, có hình thức kỷ luật thích đáng và công khai trước dư luận lại rất hiếm. Cũng vì thế, tốc độ nghiêm minh dần lên của kỷ luật công vụ ở nước ta còn khá chậm. Làm thế nào để tốc độ ấy tăng lên và nhanh đạt được tới nền hành chính kỷ luật cao, chuyên nghiệp là câu hỏi đối với người đứng đầu tất cả các đơn vị, các cấp và mỗi công chức, viên chức, người lao động vậy.

Trần Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu