Thứ 6, 19/04/2024 20:04:13 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 13:30, 15/03/2017 GMT+7

Tạo lợi thế cạnh tranh từ thông tin thị trường

Thứ 4, 15/03/2017 | 13:30:00 90 lượt xem

BP - Trong sản xuất nông nghiệp, thông tin thị trường, nhất là giá cả đóng vai trò rất quan trọng, có thể quyết định thành công hay thất bại của mặt hàng nông sản, đặc biệt trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.

Với 21,7 ha đất ở ấp 6, xã Lộc Hòa (Lộc Ninh), nhà nông Trần Minh Chánh trồng 10 ha mít Thái lá bàng, còn lại trồng tiêu, sầu riêng, măng cụt, đào ao, nuôi dê... Để thu được 400 tấn mít/năm như hiện nay, gia đình ông đã trải qua rất nhiều thăng trầm bởi thị trường giá nông sản khi trồi, khi sụt. Do không nắm được giá mít trên thị trường nên sản phẩm của gia đình ông bị thương lái trong vùng ép giá. Nhờ chịu khó nghe đài, xem tivi, đọc báo, nhất là chuyên mục giá các mặt hàng nông sản nên ông nắm bắt được diễn biến của thị trường, chủ động hơn trong đầu tư sản xuất. “Đặc biệt, tôi phải cảm ơn các nhà báo. Nhờ các phóng sự, bài viết mà thương lái ở nhiều nơi trong, ngoài tỉnh biết đến trang trại mít Thái của gia đình tôi mà tìm đến. Thời điểm đó, thương lái trong vùng chỉ mua mít với giá 1.500 đồng/kg, nhưng từ nguồn thông tin, tôi đã bán được 4.000 đồng/kg. Hiện tôi có hàng chục địa chỉ thương lái lớn nên không sợ bị làm giá hay lo đầu ra của sản phẩm” - lão nông Trần Minh Chánh cho biết.

Trong sản xuất nông nghiệp, điệp khúc “được mùa, rớt giá”, “được giá, mất mùa” đã quá quen thuộc. Nhiều nhà nông cho rằng, các nhà khoa học, nhà quản lý chủ yếu quan tâm đến năng suất, sản lượng của sản phẩm mà chưa chú trọng đến đầu ra, thị trường tiêu thụ. Qua việc nghiên cứu thị trường trong nước và thế giới (cả ngắn và dài hạn) sẽ có những khuyến cáo, dự báo chính xác, giúp nông dân định hướng sản xuất. Đồng thời giúp nhà quản lý quy hoạch sản xuất hợp lý cho từng sản phẩm ở địa phương, vùng, miền, tạo cầu nối thương mại để đưa hàng nông sản Việt Nam ra thế giới. Từ nghiên cứu thị trường cũng giúp nhà khoa học có thêm thông tin để sản xuất ra những giống cây trồng, vật nuôi phù hợp. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Việt Cường, nguyên Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy cho rằng: Nhà nước phải vào cuộc, cùng với doanh nghiệp bắt tay với người nông dân. Sự vào cuộc phải đồng bộ, theo tôi không chỉ “4 nhà” mà thêm cả nhà ngoại giao để giải quyết đầu ra cho nông sản. Vừa qua, khi gặp mặt các nhà ngoại giao, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu mỗi nhà ngoại giao phải là một nhà kinh tế. Hiện trái vải của Việt Nam đã gia nhập được các thị trường khó tính như Nhật Bản, Úc... Đó là có tác động của ngoại giao.

Từ câu chuyện của lão nông Trần Minh Chánh cho thấy, nhà nông, chủ trang trại cần chủ động tìm hiểu thị trường qua nhiều kênh khác nhau, như internet, các phương tiện thông tin đại chúng... Đồng thời, nhà nông cũng tập dần thói quen phân tích, nhận định, phán đoán, dự báo thị trường sản phẩm nông nghiệp để lập kế hoạch sản xuất, đầu tư hợp lý. Trong xu thế liên kết hiện nay, nhà nông cũng cần liên kết theo tổ hợp tác hoặc hợp tác xã để chủ động điều phối sản xuất, chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh và phát triển bền vững.

Hoàng Ngọc

  • Từ khóa
108597

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu