Thứ 7, 27/04/2024 01:44:09 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:34, 17/02/2018 GMT+7

CHÀO XUÂN MẬU TUẤT 2018

Tạo phên dậu biên cương vững chắc

Thứ 7, 17/02/2018 | 14:34:00 1,731 lượt xem
BP - Giao lưu nhân dân hai bên biên giới được coi là mô hình sáng tạo, tiêu biểu cho công tác ngoại giao nhân dân nói chung và công tác đối ngoại biên phòng nói riêng. Bình Phước có đường biên giới dài 260,433km, với 15 xã, 31 ấp, thôn, sóc tiếp giáp 16 phum, ấp thuộc 6 xã của nước bạn Campuchia. Vì vậy, triển khai thực hiện ký kết chương trình giao lưu nhân dân không chỉ nhằm cụ thể hóa các chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước trong tình hình mới mà còn đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai bên biên giới.

ký kết giao lưu điểm đầu tiên

Giữa tháng 12-2017, tại Đồn biên phòng cửa khẩu Hoàng Diệu, trong không khí vui tươi, tràn đầy tình đoàn kết của nhân dân ấp 3, xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước (Việt Nam) và nhân dân phum Ô Am, xã Sre Khtum, huyện Keosima, tỉnh Mondulkiri (Campuchia) đã diễn ra lễ ký kết chương trình giao lưu nhân dân hai bên biên giới. Trước sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Bình Phước, lãnh đạo 2 huyện Bù Đốp và Keosima cùng đông đảo nhân dân ấp 3, xã Hưng Phước và phum Ô Am, xã Sre Khtum, người đứng đầu 2 cụm dân cư đã ký biên bản thỏa thuận chương trình giao lưu nhân dân với 9 nội dung cơ bản. Đây là sự kiện có ý nghĩa rất to lớn đối với nhân dân ấp 3, xã Hưng Phước và phum Ô Am, xã Sre Khtum.

Trưởng ấp Vườn Bưởi (Việt Nam) và Trưởng phum Cooc Thomo (Campuchia) ký kết chương trình giao lưu nhân dân

Để có được kết quả này, lực lượng bộ đội biên phòng đã trải qua một quá trình lâu dài khảo sát thực tế, trao đổi, bàn bạc, làm việc cụ thể, chi tiết với chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang phía đối diện; đồng thời có sự ủng hộ, tham gia của chính quyền địa phương các cấp và nhân dân. Trung tá Nguyễn Xuân Đạt, Chính trị viên Đồn biên phòng cửa khẩu Hoàng Diệu cho biết: Từ trước đến nay, nhân dân hai bên biên giới thường xuyên có những hoạt động giúp đỡ hỗ trợ, trao đổi thông tin qua lại. Các hoạt động canh tác, phong tục, tập quán cũng có nhiều nét tương đồng. Việc tổ chức ký kết chương trình giao lưu đáp ứng nguyện vọng của nhân dân hai bên biên giới.

Là người thường xuyên qua lại biên giới mua bán nông sản, trái cây chị Cao Thị Sáu ở ấp 3, xã Hưng Phước vui mừng: “Trước đây, mình vẫn thường xuyên qua lại phum Ô Am, xã Sre Khtum để mua bán, trao đổi hàng hóa. Việc ký kết chương trình giao lưu tạo điều kiện cho nhân dân hai bên biên giới ngồi lại với nhau nói chuyện, cùng giao lưu văn hóa, văn nghệ để hiểu nhau hơn”.

Chia sẻ về những tình cảm của nhân dân và chính quyền địa bàn hai bên biên giới thời gian qua, ông Bất Sầm El, Chủ tịch xã Sre Khtum khẳng định: “Tình cảm của nhân dân, chính quyền địa phương và lực lượng vũ trang hai bên biên giới từ trước đến nay rất tốt đẹp. Trên tinh thần tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, các bạn Việt Nam đã tổ chức nhiều chương trình khám, chữa bệnh, tặng quà bà con và chính quyền địa phương nhân ngày tết, lễ của Campuchia. Hoạt động giao lưu nhân dân này sẽ góp phần gắn kết hơn nữa tình cảm đoàn kết gắn bó truyền thống của chúng ta. Tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi hàng hóa, qua lại thăm thân cũng như chia sẻ kinh nghiệm trong trồng trọt, chăn nuôi, phát triển kinh tế”.

Mô hình cần được nhân rộng

Hơn ai hết, những người lính biên phòng ngày đêm làm nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới hiểu rất rõ ý nghĩa quan trọng của chương trình giao lưu nhân dân. Bởi bảo vệ biên giới không đơn thuần là bảo vệ đường biên, cột mốc mà quan trọng hơn đó là duy trì mối quan hệ và tình cảm gắn bó, đoàn kết giữa hai nhà nước, hai dân tộc. Đại tá Nguyễn Văn Phương, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ đội biên phòng Bình Phước cho biết: “Chương trình giao lưu nhân dân như một luồng gió mát gắn kết hơn nữa tình cảm của chính quyền và nhân dân hai bên biên giới. Thông qua biên bản ký kết, nhân dân hai bên sẽ cùng chia sẻ kinh nghiệm trong trồng trọt, chăn nuôi, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, khám chữa bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, phòng chống bệnh dịch. Đồng thời nhân dân hai bên sẽ cung cấp cho lực lượng chức năng những thông tin phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm quy chế biên giới”.

Lãnh đạo Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Bình Phước tặng quà đại diện chính quyền các cấp huyện Keosima (Campuchia) trong buổi giao lưu nhân dân hai bên biên giới

Sau thành công từ việc tổ chức ký kết tại Đồn biên phòng cửa khẩu Hoàng Diệu, Đồn biên phòng Tà Nốt là đơn vị tiếp theo ký kết giao lưu nhân dân giữa ấp Vườn Bưởi, xã Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh (Việt Nam) với phum Cooc Thomo, xã Tuần Lung, huyện Mi Mốt tỉnh Tbong Khmum (Campuchia). Già làng Điểu Nắng ở ấp Vườn Bưởi phấn khởi: “Già có họ hàng sống ở phum Cooc Thomo nên thường xuyên qua lại bên đó thăm hỏi mọi người. Người dân ấp Vườn Bưởi cũng có mối quan hệ rất gắn bó với nhân dân phum Cooc Thomo. Nhân dân hai bên thường xuyên mời nhau qua lại để dự đám tiệc, ăn lễ, tết. Hai ấp ở hai quốc gia song tình cảm thì lại như một nhà”.

Phó chủ tịch huyện Keosima, Dưn Sock Lênh tin tưởng: “Tôi rất mong muốn những chương trình, hoạt động có ý nghĩa thiết thực như ký kết giao lưu nhân dân được nhân rộng. Tôi hy vọng sau này chúng ta có thể ký kết chương trình giao lưu không chỉ ở những ấp, phum giáp biên mà cả những ấp thuộc xã biên giới để nhân dân hai bên tăng cường giao lưu, hiểu biết lẫn nhau”.

Cùng chung suy nghĩ, ông Âng Sầm On, Chánh văn phòng huyện Mi Mốt nói: “Tôi đánh giá cao mô hình giao lưu nhân dân hai bên biên giới. Có thể khẳng định đây là một chủ trương đúng đắn và phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Tôi hy vọng thời gian tới, Bộ đội biên phòng Bình Phước và chính quyền các địa phương của Việt Nam tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để hai bên sẽ tổ chức ký kết giao lưu ở tất cả ấp, phum, sóc giáp biên còn lại trên địa bàn hai tỉnh Tbong Khmum và Bình Phước”.

và Nhiều vấn đề cần quan tâm

Đại tá Hoàng Văn Thành, Phó chính ủy Bộ đội biên phòng tỉnh Bình Phước, người trực tiếp cùng các đơn vị đồn biên phòng khảo sát, bàn bạc thống nhất với các ban, ngành, chính quyền địa phương để ký kết giao lưu nhân dân hai bên biên giới hiểu rõ về những khó khăn, vất vả trong quá trình thực hiện. Đại tá Hoàng Văn Thành cho biết: Khó khăn lớn nhất hiện nay là một số ban, ngành chức năng chưa thực sự chú trọng, quan tâm đến công tác ngoại giao nhân dân. Các cấp chính quyền địa phương, nhất là phía bên nước bạn còn nhiều vướng mắc về tính pháp lý bởi chủ trương, chính sách đối ngoại của hai nhà nước có những sự khác biệt nhất định. Mặt khác, trong quá trình triển khai cũng gặp một số vướng mắc ảnh hưởng đến việc nhân rộng mô hình cần phải giải quyết như bố trí dân cư ở một số ấp, thôn giáp biên thưa thớt; trình độ dân trí, đời sống kinh tế - văn hóa không đồng đều; cơ sở hạ tầng thấp kém, thiếu đồng bộ.

“Mục đích của chương trình giao lưu nhân dân là góp phần nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở các ấp giáp biên về ý thức, trách nhiệm đối với chủ quyền lãnh thổ của mỗi quốc gia. Đồng thời giúp đỡ, hỗ trợ, gắn bó với nhau trên tất cả lĩnh vực, để cùng xây dựng khu vực biên giới phát triển bền vững. Chính vì ý nghĩa to lớn đó mà Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Bình Phước đang chỉ đạo các đồn biên phòng tiếp tục phối hợp MTTQVN các huyện biên giới tham mưu huyện ủy, UBND 3 huyện Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Gia Mập tổ chức ký kết giao lưu nhân dân trên các cặp ấp - phum, thôn, sóc - ấp”.

Đại tá Nguyễn Văn Phương, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ đội biên phòng Bình Phước.

Ngoài ra, kinh phí để tổ chức thực hiện cũng là vấn đề rất nan giải, trong khi nguồn kinh phí đầu tư cho công tác đối ngoại trên cấp rất hạn chế. Trong thời gian qua, Bộ đội biên phòng Bình Phước đã vận động các cơ quan, tổ chức, công ty, doanh nghiệp và các đơn vị kết nghĩa đỡ đầu hỗ trợ nguồn kinh phí cũng như trích kinh phí từ tăng gia sản xuất để tổ chức các đợt thăm hỏi, khám chữa bệnh, tặng quà chính quyền, lực lượng vũ trang, nhân dân Campuchia đối diện và hỗ trợ bạn kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà ở. Với phương châm “Giúp bạn là tự giúp mình”, vì vậy trước mắt Bộ đội biên phòng Bình Phước căn cứ vào tình hình thực tế để xác định mục tiêu cụ thể trong chương trình giao lưu nhân dân sát thực tiễn, phù hợp với mỗi đơn vị, địa phương. Nhất là các chương trình hỗ trợ, giúp nhau trong phát triển kinh tế, khắc phục hậu quả thiên tai, thực hiện an sinh xã hội.

Đại tá Hoàng Văn Thành cho rằng, lợi ích từ chương trình giao lưu nhân dân cụm dân cư hai bên biên giới nói riêng và đối ngoại nhân dân nói chung là vô giá, không thể đong đếm được. Sáng kiến hay, tổ chức triển khai, nhân rộng mô hình tốt, song để duy trì chương trình được lâu dài thì rất cần sự quan tâm, chung tay của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương cũng như của toàn dân.

Hồng Ánh

  • Từ khóa
4217

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu