Thứ 5, 18/04/2024 14:34:18 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 07:18, 23/06/2014 GMT+7

Tập đoàn kinh tế và những bất cập về pháp luật

Thứ 2, 23/06/2014 | 07:18:00 240 lượt xem
BPO - Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi đã được Bộ Kế hoạch - Đầu tư trình tại kỳ họp lần thứ 7 đang diễn ra tại Hà Nội để Quốc hội khóa XIII cho ý kiến. Mặc dù dự luật đã được chỉnh sửa nhiều lần, nhưng hiện vẫn còn có nội dung khó hiểu và rất khó thực thi nếu được Quốc hội thông qua. Đó là quy định tại khoản 2 Điều 196. Nội dung của khoản này như sau:

Tập đoàn kinh tế có điều lệ tổ chức và hoạt động riêng, do đại hội đồng cổ đông, hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty mẹ tập đoàn quyết định phù hợp với quy định của pháp luật hoặc thỏa thuận về quy chế hoạt động chung khác. Toàn văn điều lệ tập đoàn hoặc thỏa thuận về quy chế hoạt động chung, gồm cả những bổ sung, sửa đổi (nếu có) phải được đăng tải trên trang thông tin điện tử của công mẹ của tập đoàn. Quy định trên không đúng với nội dung của Bộ luật Dân sự. Cụ thể là trong quy định trên không nói rõ tập đoàn kinh tế có tư cách pháp nhân hay không? Trong khi đó, tại Khoản 2, Điều 38 của Nghị định số 102/2010/ NĐ-CP của Chính phủ quy định rõ như sau: Tập đoàn kinh tế không có tư cách pháp nhân, không phải đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Việc tổ chức hoạt động của tập đoàn do các công ty lập thành tập đoàn tự thỏa thuận quyết định.

Và quy định trên đây là hoàn toàn phù hợp với Bộ luật Dân sự. Vì tại Điều 88 của Bộ luật Dân sự chỉ quy định về điều lệ của pháp nhân với nội dung như sau: Trong trường hợp pháp luật quy định pháp nhân phải có điều lệ thì điều lệ của pháp nhân phải được các sáng lập viên hoặc đại hội thành viên thông qua; điều lệ của pháp nhân phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận trong trường hợp pháp luật có quy định.. Còn về pháp nhân là tổ chức kinh tế, Điều 103 của Bộ luật Dân sự quy định: Doanh nghiệp nhà nước, hợp tác xã, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các tổ chức kinh tế khác có đủ các điều kiện quy định tại Điều 84 của bộ luật này là pháp nhân.

Như vậy, căn cứ vào Bộ luật Dân sự và Nghị định số 102/2010/NĐ-CP thì tập đoàn kinh tế không có tư cách pháp nhân. Nhưng trong dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi quy định: Tập đoàn kinh tế có điều lệ tổ chức và hoạt động riêng, là không đúng. Vì dự thảo luật đã cho một tổ chức liên kết, tự nguyện không có tư cách pháp nhân có... điều lệ riêng, tức là có pháp nhân.

Và ở đây còn một điểm bất cập nữa là tại khoản 3, Điều 88 của Bộ luật Dân sự quy định: Việc sửa đổi, bổ sung điều lệ của pháp nhân phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận trong trường hợp pháp luật có quy định. Điều đó có nghĩa là, điều lệ của tập đoàn kinh tế và việc sửa đổi, bổ sung điều lệ đó “phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận”. Như vậy, với quy định như trên thì cơ quan chức năng sẽ phải cấp đăng ký thành lập tập đoàn, phải phê duyệt điều lệ tập đoàn, trong đó bao gồm cả việc sửa đổi, bổ sung điều lệ của tập đoàn.

Thật rắc rối và vô cùng khó thực thi và chính vì vậy mà tại kỳ họp lần 7 này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nói rằng: pháp luật Việt Nam phức tạp nhất thế giới. Vâng, điều này quả là không sai.

NN 

  • Từ khóa
108377

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu