Thứ 7, 20/04/2024 05:52:03 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:34, 17/09/2016 GMT+7

Tể tướng tài ba

Thứ 7, 17/09/2016 | 14:34:00 191 lượt xem

BP - Hậu thế ngày nay cũng như mãi mãi về sau sẽ còn ghi nhớ câu nói khí phách ngất trời của Trần Thủ Độ trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông: “Đầu thần chưa rơi xuống đất, bệ hạ chớ có lo gì”. Thế nhưng ít ai chú ý đến những chuyện rất độc đáo khác về vị Thái sư này. Đó là cuộc “đảo chính” cung đình êm ả và hữu hiệu vào cuối năm 1225, đầu 1226 đã chấm dứt 215 năm trị vì của vương triều Lý để chuyển ngôi vị sang một triều đại mới do dòng họ Trần nắm giữ. Đạo diễn và thực hiện cuộc đảo chính này là Điện tiền Chỉ huy sứ Trần Thủ Độ (1194-1264).

Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” có đoạn viết về ông như sau: Thủ Độ tuy không có học vấn nhưng tài trí hơn người, làm quan triều Lý được mọi người suy tôn. Thái Tông lấy được thiên hạ đều nhờ vào mưu sức của ông cả, vì thế ông được nhà nước dựa cậy, quyền át cả vua. Bấy giờ có kẻ đàn hặc ông, khi vào gặp vua Trần Thái Tông, ông khóc mà nói rằng: Bệ hạ còn thơ ấu mà Thủ Độ thì quyền át cả vua, xã tắc rồi sẽ ra sao? Vua Trần Thái Tông lập tức ra lệnh cho xe ngựa đến dinh Thủ Độ, bắt cả người đàn hặc ấy đem theo và kể hết những lời người ấy nói cho Thủ Độ biết. Thủ Độ trả lời rằng: “Quả có đúng như những lời hắn nói thật”. Nhà vua nghe xong, thì sai người đem tiền, lụa thưởng cho người đã nói cho Thủ Độ biết việc đó.

Còn theo sách “Việt sử giai thoại”, Linh Từ quốc mẫu Trần Thị Dung có lần ngồi kiệu đi qua thềm cấm, bị quân hiệu ngăn lại. Khi về đến dinh thì khóc kể với Thủ Độ rằng: Mụ này làm vợ ông mà bị bọn quân hiệu khinh nhờn đến thế ư? Trần Thủ Độ nghe xong tỏ thái độ tức giận liền sai người đi bắt người quân hiệu kia về. Trên đường đi, người quân hiệu kia nghĩ thầm trong bụng rằng lần này chắc mình phải chết vì đã phạm thượng. Đến nơi, Thủ Độ vặn hỏi trước mặt Linh Từ, người quân hiệu ấy cứ theo sự thực mà trả lời. Thủ Độ nói: Ngươi ở chức thấp mà giữ được luật pháp, ta còn trách gì được nữa. Nói xong, ông sai người nhà đem vàng, lụa thưởng cho.

Có lần Trần Thủ Độ đi duyệt định hộ khẩu, bà Linh Từ quốc mẫu xin riêng cho một người cháu được làm chức Câu đương, Trần Thủ Độ gật đầu rồi ghi rõ họ tên, quê quán người đó. Khi xét duyệt đến xã ấy, ông liền hỏi tên họ, ở đâu, thì người đó mừng rỡ chạy đến. Ngay lúc đó, Trần Thủ Độ bảo với hắn rằng: Ngươi vì có công chúa xin cho được làm Câu đương, không thể ví như những Câu đương khác được, phải chặt một ngón chân để phân biệt với người khác! Nghe vậy, người đó van xin mãi ông mới tha cho. Từ đó, không ai dám đến thăm Thủ Độ vì việc riêng nữa. Vua Trần Thái Tông có lần muốn cho người anh của Trần Thủ Độ là An Quốc làm tể tướng, khi biết được ý định của nhà vua, Trần Thủ Độ tâu: An Quốc là anh thần, nếu cho là giỏi hơn thần thì thần xin trí sĩ, còn nếu cho thần giỏi hơn An Quốc thì không thể cử An Quốc làm tể tướng được. Nếu anh em đều làm tể tướng cả thì việc triều đình sẽ ra sao? Nghe Trần Thủ Độ nói vậy, nhà vua bèn thôi.

Về con người Trần Thủ Độ, hầu hết nhà sử học phong kiến và hiện đại luôn nhận xét hai mặt: vừa khen lại vừa phê phán. Khen vì những công trạng, những việc ông làm cho nhà Trần, nhưng lại phê phán vì những việc ông làm với nhà Lý. Nhưng chẳng phải đợi đến một ngàn năm, mà chỉ hơn 600 năm sau, năm 1905, tại thôn Thái Bình, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, chính tại nơi mà sử chép Trần Thủ Độ đặt bẫy giết hại họ Lý, nhân dân đã dựng một ngôi đình Thái Bình để thờ Lý Chiêu Hoàng ngồi giữa, Trần Cảnh và Trần Thủ Độ ngồi hai bên. Bà Ngô Vũ Hải Hằng, Viện Sử học, từng cho rằng: Dưới con mắt của nhân dân, Trần Thủ Độ hoàn toàn khác với những nhận định của các sử quan phong kiến. Nhân dân biết ơn ông đã cứu đất nước thoát khỏi cảnh loạn lạc, và nhờ có tài thao lược, khí phách hiên ngang, tinh thần kiên quyết của ông mà Đại Việt mới thoát khỏi cảnh nô lệ ở nửa sau thế kỷ XIII.

Lời bàn:

Theo sử cũ thì Trần Thủ Độ là nhân vật trụ cột của triều Trần. Ông là công thần sáng lập triều Trần và là người thực tế nắm quyền lãnh đạo đất nước những năm đầu triều Trần. Tuy nhiên, Trần Thủ Độ cũng là nhân vật bị các sử thần thời phong kiến chê trách nhiều. Dưới ngòi bút của họ, Trần Thủ Độ hiện ra như một quyền thần vô học, có tài mà không có đức, có công với nhà Trần, nhưng lại có tội lớn với nhà Lý. Song, không chỉ người dân đương thời mà cả hậu thế ngày nay lại đánh giá ông với cách nhìn khác quan điểm Nho giáo. Đó là, Trần Thủ Độ - một người có bản lĩnh và cá tính khác thường. Ông xử lý việc gì cũng thẳng thắn, thường quyết đoán theo ý chí của mình, ít chịu để cho tình cảm sai khiến. Cuộc đời và sự nghiệp của Trần Thủ Độ gắn liền với nghiệp đế của họ Trần. Những việc ông làm đã đưa nước nhà qua khỏi cuộc suy vong cuối triều Lý và khởi dựng nên thời đại Đông A rực rỡ.

Trong cuộc kháng chiến lần thứ nhất chống quân xâm lược Mông Cổ, Trần Thủ Độ có vai trò hết sức quan trọng. Chính vào lúc gay go nhất của cuộc kháng chiến, câu trả lời đanh thép: “Đầu thần chưa rơi xuống đất, bệ hạ chớ có lo gì” của ông đã giữ vững được tinh thần dám đánh và quyết thắng của quân dân Đại Việt trong cuộc phản công quyết liệt đánh vào căn cứ Đông Bộ Đầu, buộc địch phải rút chạy về nước. Trần Thủ Độ xứng đáng được xếp vào hàng những nhân vật kiệt xuất của sự nghiệp dựng nước và giữ nước trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

ND

  • Từ khóa
109836

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu